Cái “chết mòn” đến từ cách ăn “hổ lốn” của người Việt: Hỏng dạ dày, tăng nguy cơ ung thư
Ăn uống không kiêng khem, ăn vô tư uống hết mình khiến cho dạ dày bị bào mòn từng ngày.
LTS: Nhịp sống hiện đại cuộc sống con người trở lên nhanh và vội vã hơn. Con người không có quá nhiều thời gian để lựa chọn đồ ăn, tự nấu ăn và tìm hiểu về những thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Thay vào đó là những thực phẩm ăn nhanh, đồ nướng, chiên, rán... được chúng ta sử dụng nhiều hơn.
Hiện nay, chúng ta đang có khuynh hướng ăn theo ý thích, chiều chuộng vị giác của mình. Ít ai biết được cách ăn đó có thể gây ra những hệ lụy bệnh tật nguy hiểm.
Trước mối nguy của bệnh tật trong ăn uống sắp "ập tới", chúng tôi xin gửi tới độc giả tuyến bài cảnh báo: "Kiểu ăn uống tàn phá lục phủ ngũ tạng".
Bài 1: "Cái chết trắng" đến từ thói quen thích ăn đậm vị để ngon miệng của hàng triệu người Việt
Kẻ thù số 1 của dạ dày
Ngày nay cuộc sống hiện đại khiến con người quá bận rộn, nhiều người chỉ kịp ăn mà chưa hưởng thức được vị ngon. Con người đang dễ dãi trong ăn uống (hàng quán), sa đà vào các bữa tiệc rượu bia, thích đồ ăn nhanh, thức ăn tẩm ướp, chiên rán, ăn đồ ăn sống… khiến dạ dày đang phải kêu cứu.
Dạ dày là cơ quan tiêu hóa quan trọng khi bị tổn thương nghiêm trọng chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng, con người sẽ bị "chết mòn" do thiếu dinh dưỡng.
Theo GS.TS.BS Hoàng Công Đắc, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện E Trung ương, Khoa khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Thanh Nhàn dạ dày là nơi chứa thức ăn và thực hiện hai nhiệm vụ chính: Nghiền nhỏ thức ăn; Phân hủy thức ăn nhờ hoạt động của các enzyme tiêu hóa trong dịch vị sẽ chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.
Nếu dạ dày bị tổn thương sẽ khiến cho chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng gây ra các triệu chứng như: đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, phân sống…
Dạ dày bị tổn hơn hay viêm loét là do những chất acid dạ dày tăng tiết hoặc do yếu tố ngoại lai (bên ngoài đưa vào) như: vi khuẩn, ký sinh trùng, chất độc…
GS Đắc cho biết: "Ăn uống không kiêng khem, ăn vô tư uống hết mình khiến cho dạ dày bị bào mòn từng ngày. Rượu bia, thuốc lá là kẻ thù số một của dạ dày. Khi các quý ông nâng cốc 100% thì hãy nhớ tới dạ dày bị tổn thương và căn bệnh ung thư cũng đang gần kề.
Theo một số nghiên cứu cho thấy nếu mỗi ngày uống 10ml rượu trắng trong 10 năm liên tục thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày lên tới 90%.
Còn đối với các quý ông hút thuốc, khói thuốc sẽ kích thích tăng tiết acid bào mòn đi lớp niêm mạc của dạ dày".
Rượu bia và thuốc lá là kẻ thù số 1 của dạ dày, ảnh minh họa.
Hiện nay, rất nhiều người Việt có thói quen dùng thuốc tây bừa bãi. Việc tự kê đơn, tự uống thuốc của người Việt khiến viêm dạ dày cấp tính. Đa phần các trường hợp viêm dạ dày cấp tính là do dùng thuốc giảm đau, các loại thuốc chống viêm trong điều trị bệnh xương khớp.
Ngoài ra, bệnh lý dạ dày tăng còn do yếu tố ăn uống các chất kích thích, stress trong công việc, cuộc sống gia đình…
"Điểm đen" trong ăn uống hại dạ dày của người Việt
Người Việt có rất nhiều "điểm đen" trong uống cho dạ dày mà không hay biết tới. Một trong những thói quen khá phổ biến hiện nay là việc thích ăn đồ sống.
GS Đắc cho hay, rau sống, thịt sống, cá sống… đều không phải là thức ăn tốt cho dạ dày. Bởi vì, bộ máy tiêu hóa của con người không có men để tiêu hóa đồ sống. Nếu ăn đồ sống hệ tiêu hóa và tuyến tụy sẽ phải hoạt động vất vả hơn.
Nếu lạm dụng ăn đồ sống không chỉ gây ra viêm dạ dày mà còn viêm tuyến tụy. Ngoài ra, ăn thức ăn sống còn phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng, vi khuẩn Hp.
- Người Việt đang ăn quá mặn. Ăn mặn làm mỏng lớp niêm mạc dạ dày tạo điều kiện cho những độc tố dễ dàng xâm nhập vào dạ dày.
- Ăn đồ ăn quá nóng: Dạ dày là cơ quan khá nhạy cảm với nhiệt độ vì vậy ăn đồ ăn quá nóng hay lạnh đều gây ra tổn thương không đáng có cho dạ dày.
"Rất nhiều người có thói quen ăn lẩu nóng, đồ uống nóng có thể gây bỏng thực quản và tổn thương dạ dày", GS Đắc khuyến cáo
Đồ ăn cay nóng gây kích thích dạ dày, ảnh minh họa.
- Ăn đồ cay nhiều: Các món ăn chứa nhiều gia vị cay nóng nếu ăn quá mức sẽ gây tổn thương dạ dày nghiêm trọng. Mặc dù chúng có thể mang lại hương vị giúp kích thích khẩu vị ăn uống hơn, nhưng lại không hề có lợi cho dạ dày.
Đặc biệt, nếu ăn quá nhiều sẽ gây nóng rát dạ dày, kích thích ruột, từ đó dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón.
- Ăn uống không đúng giờ khi đói, khi no: Cuộc sống quá bận rộn khiến cho nhiều người thường không đầu tư cho ăn uống. Khi thời gian ăn uống bị thay đổi, bữa đói bữa no khiến cho dạ dày bị rối loạn và bào mòn.
- Ăn quá nhanh: GS Đắc khuyến cáo, thức ăn không được nhai kỹ sẽ khiến cho dạ dày phải làm việc vất vả hơn. Nếu thói quen ăn quá nhanh kéo dài sẽ khiến cho lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương, dẫn đến bị đau dạ dày.
Tập thói quen ăn tốt cho dạ dày
GS Hoàng Công Đắc.
GS Đắc khuyến cáo, để tránh làm dạ dày tổn thương cần phải có cách ăn lành mạnh.
- Không ăn đồ quá nóng
- Hạn chế ăn những đồ ăn công nghiệp, đồ chế biến sẵn
- Ăn chín, uống sôi
- Tránh rượu bia, thuốc và thường xuyên rèn luyện thể thao
Đối với người có bệnh lý dạ dày cần lưu ý nên ăn những thức ăn giảm tiết dịch vị, giảm tác dụng của acid tiết ra lên niêm mạc dạ dày như:
- Thức ăn giúp thẩm thấu dịch vị: bánh mì, bột sắn
- Chế biến thức ăn mềm, khi chế biến cần nghiền, xay, băm nhỏ, nấu nhừ. Tăng cường các món ăn luộc hạn chế xào, rán
- Không để đói, không ăn quá no và ăn đúng giờ
Cần tránh một số thức ăn sau:
- Các loại thực phẩm có độ acid cao (quả chua như chanh, cam bưởi chua, cà muối, dấm , mẻ, tương ớt...)
- Thực phẩm gây đầy hơi như dưa cà muối, hành muối…
- Thực phẩm tổn thương niêm mạc: rượu, bia, cà phê, chè, ớt cay, tỏi...
- Hạn chế đồ ăn chế biến sẵn, nước uống có ga
Trí thức trẻ