MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cái gì cũng tăng, thị trường chứng khoán rồi sẽ ra sao?

20-03-2021 - 08:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo chuyên gia, trong bối cảnh cả tăng trưởng kinh tế và áp lực/kỳ vọng lạm phát đều tăng, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đã phá đỉnh lịch sử mới đây, còn tăng được nữa hay không phụ thuộc trước hết vào biến số lạm phát trong các tháng tới.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vào ngày 18/3 đã tăng vọt lên 1,75%, mức cao nhất trong hơn một năm qua kể từ tháng1/2020 sau khi Fed cho thấy sẵn sàng để lạm phát tăng cao ở một số thời điểm và tiếp tục lặp lại cam kết sẽ không tăng lãi suất cho đến hết năm 2023, tiếp tục mua trái phiếu ở quy mô 120 tỷ USD/tháng. Fed cũng đồng thời nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ lên 6,5% trong năm nay, cao hơn so với dự báo trước đó của họ.

Theo phân tích của TS. Phan Minh Ngọc, chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Singapore, lợi suất tăng là do sự góp mặt cùng lúc của hai yếu tố: Triển vọng phục hồi kinh tế sáng sủa theo đà tiêm chủng vaccine Covid cũng như gói kích thích chi tiêu khổng lồ 1,9 nghìn tỷ USD mà Mỹ mới thông qua, và kỳ vọng lạm phát tăng cao, vốn đi kèm với tăng trưởng kinh tế nhanh, bên cạnh cam kết tiếp tục mua trái phiếu Kho bạc để giữ lãi suất cận 0 của Fed .

Nhưng tại sao tăng trưởng và lạm phát cao lại đẩy lợi suất trái phiếu lên thưa ông?

TS. Phan Minh Ngọc: Lý do rất đơn giản. Khi tăng trưởng kinh tế nhanh hơn thì nhà đầu tư có ít nhu cầu nắm giữ trái phiếu Kho bạc hơn, dẫn đến giá bán trái phiếu giảm, cũng tức là lợi suất của trái phiếu tăng lên. Và khi (kỳ vọng) lạm phát tăng, giá cả hàng hóa nói chung sẽ tăng theo, làm cho thu nhập từ trái phiếu trong tương lai sẽ nhỏ đi về giá trị và, do đó, làm giảm giá trái phiếu, đẩy lợi tức trái phiếu lên cao.

Với những diễn biến hiện tại, có thể nói nền kinh tế Mỹ đang bước vào ngưỡng cửa của một giai đoạn tăng trưởng nóng – tăng trưởng bứt tốc và lạm phát cũng vậy – ít nhất 3 năm nữa. 

Vậy chúng ta sẽ nhìn thấy trước được điều gì sẽ xảy ra trên thị trường chứng khoán Mỹ trong ba năm tới đây?

Đầu tiên là lợi suất, lãi suất sẽ cao hơn nữa. Mức lợi suất 1,75% hôm 18/3 vẫn thấp xa so với mức 2,6% đạt được hai năm trước đây, và 5% vào 2 thập kỷ trước. Đáng nói hơn nữa là tốc độ tăng của lợi suất này. Nó đã tăng từ 1% lên 1,75% trong vòng có vài tuần. Hai điều này kèm với chuyện Fed không có ý định chấm dứt sớm nới lỏng định lượng đến tận 2023 dẫn đến nhiều khả năng là lợi suất (và lãi suất) ở Mỹ có thể sẽ tăng lên quá 2% trong năm nay, nhưng khó quay trở lại mức 5% trong lịch sử.

Tiếp theo là sự phân hóa trên thị trường chứng khoán. Nhìn chung, trên lý thuyết, khi lợi suất tăng, thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sẽ ảm đạm hơn do sẽ phải vay mượn với lãi suất cao hơn. Trong khi đó, nhà đầu tư cũng có xu hướng chuyển sang nắm giữ trái phiếu nhiều hơn một cách tương đối so với trước do tính hấp dẫn của trái phiếu tăng lên.

Trên thực tế, tác động của lợi suất tăng sẽ không như nhau đối với mọi loại cổ phiếu. Khi định giá một cổ phiếu nào đó, nhà đầu tư sẽ nhìn vào (triển vọng) của hai yếu tố: doanh nghiệp mục tiêu sẽ làm ra bao tiền trong tương lai; và cần trả bao nhiêu cho một đồng thu nhập doanh nghiệp đó làm ra trong tương lai. Khi lãi suất thấp và trái phiếu Kho bạc chỉ mang lại thu nhập không đáng kể cho nhà đầu tư, như hơn một năm trước đây, nhà đầu tư sẽ sẵn sàng trả nhiều hơn cho yếu tố thứ hai này.

Ngược lại, khi lãi suất tăng, nhà đầu tư phải đo đếm cẩn thận giữa số tiền cần bỏ ra để đổi lấy một đồng thu nhập tăng lên của doanh nghiệp trong tương lai. Lúc đó, thị trường sẽ bị phân hóa mạnh, với những cổ phiếu có chỉ số P/E quá cao so với thị trường và so với đối thủ, và những cổ phiếu mà giá được hình thành dựa trên kỳ vọng lợi nhuận đến từ quá xa trong tương lai v.v... sẽ là những cổ phiếu bị tác động (mất giá) mạnh nhất. Các cổ phiếu công nghệ thuộc loại này, và điều này giải thích tại sao chỉ số Nasdaq, bị chi phối bởi các cổ phiếu công nghệ, lại sụt giảm hôm 18/3 khi lợi suất tăng mạnh.

Tương tự, các cổ phiếu mà thu nhập cho nhà đầu tư đến chủ yếu từ cổ tức cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi một phần nhà đầu tư chuyển sang nắm giữ trái phiếu vốn an toàn hơn (và nay cho lợi suất cao hơn trước đó). Đồng thời, khi lãi suất tăng, người tiêu dùng nào vốn phải dựa nhiều vào vay mượn (tiêu bằng thẻ tín dụng, mua trả góp v.v...) sẽ phải cắt giảm tiêu dùng để tránh phải trả lãi cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các công ty dựa vào sức tiêu dùng của người dân.

Ông dự báo thế nào về khả năng tăng của giá chứng khoán?

Dù lãi suất được kỳ vọng chỉ ở mức trên 2% năm nay nhưng thế cũng là đủ để các thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục biến động và phân hóa, nhất là khi nhiều cổ phiếu đã đạt đỉnh lịch sử gần đây. Tuy vậy, thị trường chứng khoán vẫn còn cơ hội tiếp tục tăng giá, bởi nhiều nhà đầu tư (vẫn) đồng ý với Fed và tin rằng áp lực lạm phát tăng như hiện nay chỉ là tạm thời (do nhiều yếu tố như thị trường lao động cần nhiều thời gian để phục hồi bền vững, kéo theo tổng cầu tăng, đẩy lạm phát lên). Nếu đúng vậy thì lãi suất sẽ không tăng quá mạnh đến mức nguy hiểm.

Nhiều nhà đầu tư cũng hy vọng sau một năm bầm dập bởi dịch bệnh, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ bật tăng năm nay, trở lại mức bình thường trước dịch. Nếu thu nhập mang lại tăng đủ lớn thì cổ phiếu có thêm cơ hội để ổn định, thậm chí tiếp tục tăng giá.

Trong số những đối tượng hưởng lợi từ lãi suất (và tăng trưởng) tăng phải kể đến trước tiên là các công ty tài chính, nhất là ngân hàng, bởi lãi suất tăng sẽ làm tăng biên độ lợi nhuận trong các khoản cho vay từ tiêu dùng đến bất động sản. Ngoài ra, nếu lãi suất tăng bởi lo ngại lạm phát thì các công ty năng lượng cũng sẽ được hưởng lợi nếu giá dầu thô và các hàng hóa khác cũng tăng.

Những diễn biến đó trên thị trường thế giới hàm ý gì cho Việt Nam thưa chuyên gia?

Mỹ không sợ lạm phát. Mỹ tiếp tục in tiền và tăng chi tiêu. Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trong ít nhất là hai năm tới. Những điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có thêm động lực tăng trưởng đến chủ yếu từ xuất khẩu gia tăng sang Mỹ. Đồng thời, lạm phát ở Việt Nam chắc chắn sẽ chịu áp lực gia tăng nếu các yếu tố khác không thay đổi. Lưu ý rằng cùng với đà phục hồi kinh tế của thế giới và Mỹ, giá hàng hóa thế giới đã tăng mạnh trở lại, như được thể hiện qua chỉ số giá hàng hóa quốc tế Commodity Price Index đạt mức cao nhất trong vòng hơn 6 năm qua vào tháng 2/2021.

Do Ngân hàng Nhà nước có nhiều khả năng sẽ thận trọng với việc xiết lại chính sách tiền tệ trong năm nay, bức tranh kinh tế trong ngắn hạn ở Việt Nam sẽ có một số nét tương đồng với của Mỹ như nói ở trên. Lãi suất trúng thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước (lợi suất) kỳ hạn 10 năm cũng bắt đầu tăng trở lại từ cuối tháng 1, lên đến 2,25% ngày 17/3. Một số ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Lạm phát thì đã tăng mạnh hồi tháng 2.

Trong bối cảnh cả tăng trưởng kinh tế và áp lực/kỳ vọng lạm phát đều tăng, triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn đã phá đỉnh lịch sử mới đây, còn tăng được nữa hay không phụ thuộc trước hết vào biến số lạm phát trong các tháng tới. Nếu đó là một xu hướng tăng vững chắc, kéo theo tăng lãi suất thì dư địa tăng sẽ co lại. Nhưng điều này không có nghĩa là các cơ hội đầu tư sẽ ít đi, bởi thị trường sẽ phân hóa mạnh và tưởng thưởng cho ai nắm đúng thời điểm các cổ phiếu sẽ hưởng lợi do lãi suất tăng.

Xin cảm ơn ý kiến chuyên gia!

Tùng Lâm (thực hiện)

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên