Cái gì đã giết chết Vertu?
Nếu iPhone không bao giờ xuất hiện, bản chất của thị trường di động đã không bao giờ thay đổi, Vertu (và Nokia) giờ này vẫn đang sống tốt.
- 02-12-2019Cứ 4 người trẻ lại có 1 nghiện smartphone, và những gì xảy ra sau khi tước đi điện thoại là cực kỳ đáng ngại
- 30-11-2019Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm khi vừa dùng điện thoại vừa sạc nhưng vô số người vẫn chủ quan!
- 28-11-2019Quá tải vì công việc và lúc nào cũng dán mắt vào điện thoại, đã đến lúc bạn thay đổi từ những gì nhỏ nhất để cân bằng lại cuộc sống
Những ngày giữa tháng 11, Vertu ra mắt Aster P tại Việt Nam. Đây cũng có thể coi là một trong những "sự kiện" đáng kể đầu tiên của hãng smartphone siêu sang này kể từ khi trở lại mảnh đất hình chữ S: vào tháng 9 vừa qua. Ngay cả khi phải ngừng kinh doanh vào năm 2017, Vertu vẫn là một thương hiệu rất "phát đạt" tại Việt Nam, theo lời của nhà phân phối FPT Trading.
Nhưng sự phát đạt của Vertu tại Việt Nam hoàn toàn trái ngược với tình cảnh của hãng này trên phạm vi toàn cầu. Năm 2012, ngập trong khó khăn của công ty mẹ Nokia, Vertu bị bán cho một quỹ đầu tư Bắc Âu. Năm 2015, quỹ này đem Vertu bán lại cho một công ty có trụ sở ở Hong Kong. Năm 2017, Vertu về tay một gia đình Thổ Nhĩ Kỳ rồi… phá sản, nhà máy tại Anh bị đóng cửa. Tổng cộng, trong vòng nửa thập kỷ, Vertu đã bị sang tay tới 3 lần, và đã "chết" một lần trước khi trở lại cùng Aster P. Ra mắt năm 2018, dòng điện thoại này ban đầu chỉ có mặt tại Trung Quốc.
Số phận hẩm hiu của Vertu là vì đâu? Dĩ nhiên, câu trả lời chỉ có thể là "vì iPhone". Chính kẻ giết chết công ty mẹ Nokia cũng là kẻ đã đẩy Vertu vào cảnh khốn đốn như hiện nay.
Tại sao lại nói như vậy? Hãy đặt mình vào trước năm 2007. Chưa có iPhone, thị trường di động nhìn chung vẫn xoay quanh điện thoại tính năng. Ngay cả smartphone BlackBerry hay Symbian (Nokia, Sony Ericsson) cũng có tính năng quan trọng nhất là… gọi điện. Trải nghiệm di động nói chung là nhàm chán và không thực sự hữu ích. Người dùng có đầy đủ lý do để đặt sự sang trọng của Vertu lên trên các tính năng thông minh cùng thời. Xét cho cùng, đâu phải vô cớ mà Symbian, BBOS và Windows CE đều chết những cái chết rất chóng vánh?
Sự xuất hiện của iPhone đã thay đổi tất cả. Apple tạo ra một cú sốc lớn tới mức người tiêu dùng trên toàn cầu phải nhìn lại vị trí của chiếc điện thoại trong cuộc sống của họ. Gọi điện không còn là tính năng quan trọng nhất với người dùng điện thoại nữa – Internet, camera, video, nhạc số… được đặt lên trên. Khoảng cách về trải nghiệm giữa chiếc "modern smartphone" và điện thoại tính năng lớn tới mức, dù có lợi thế về giá nhưng feature phone vẫn chứ chết dần, chết dần để nhường chỗ cho smartphone.
Ít nhất, Nokia còn có thể chống đỡ được trào lưu này qua Symbian, qua Windows Phone và thậm chí là cả Android (Nokia X). Nhưng Vertu thì không. Phải đến 2013, Vertu mới có chiếc "modern smartphone" đầu tiên chạy Android. Ở mức giá 9600 USD, Vertu Ti dùng màn hình độ phân giải 800 x 480 và chip Snapdragon S4 lõi kép 1.7GHz. Trước đó cả nửa năm, Galaxy S4 có màn hình 5 inch Full HD và chip Snapdragon 600 lõi tứ.
Nói cách khác, Vertu mang đến một trải nghiệm hạng hai ở mức giá có thể mua được cả chục chiếc smartphone hạng nhất. Sức hấp dẫn của da cá sấu, màn hình sapphire hay vỏ titan mất đi phần lớn ý nghĩa khi trải nghiệm sử dụng của Vertu tỏ ra quá kém cỏi với smartphone "thường".
Đó là lý do vì sao Vertu chìm vào khó khăn. Thuở xưa, Vertu thành công là nhờ 2 yếu tố: trải nghiệm sử dụng vẫn tương đồng với phần lớn điện thoại trên thị trường, và chất lượng chế tác thì cao cấp hơn hẳn. iPhone ra đời, Samsung bùng nổ, Vertu bị đẩy vào thế khó khi chính hãng này cũng phải thừa nhận sẽ không bao giờ "bắt kịp với các công nghệ đi đầu". Sự tồn tại của Vertu có một lỗ hổng lớn: các khách hàng thừa mứa tiền của vẫn phải chấp nhận trải nghiệm hạng ba, hạng tư?
Thậm chí, khái niệm trải nghiệm còn được thay đổi qua từng năm – khi những con chip mới ra đời, khi các nhà phát triển nâng cao yêu cầu cấu hình, khi Google cập nhật Android. Smartphone Vertu khó có thể giữ được ý nghĩa trường tồn như một chiếc đồng hồ Patek Philippe hay một cây bút Mont Blanc. Bởi 10, 20 hay 50 năm nữa, đồng hồ vẫn chỉ đúng giờ, bút vẫn viết mực. Còn sử dụng một chiếc smartphone ra mắt 7 năm trước (Vertu Ti) chắc chắn sẽ là một cực hình với bất kỳ người dùng nào của năm 2019.
Ở phía ngược lại, kẻ khai sinh ra khái niệm "điện thoại vài năm phải thay một lần" vẫn đang sống khỏe. Quý vừa qua, iPhone mang về cho Apple 33,36 tỷ USD, gấp 550 lần khoản tiền Vertu "bán mình" năm 2017. Doanh thu iPhone cũng là con số mà không một hãng nào bì kịp cho dù có bán nhiều smartphone hơn.
Vì sao? Vì là kẻ đi đầu cuộc chiến smartphone, nhờ có hệ điều hành riêng, Apple đã tạo lập được hình ảnh "trải nghiệm cao cấp nhất" với phần đông người tiêu dùng. Dù ai nói vào nói ra, Apple vẫn được số đông coi là chiếc smartphone đáng thèm muốn nhất. Những dịch vụ dát vàng nạm đá iPhone giờ đã mọc lên như nấm, trong khi Vertu vẫn chưa thể tìm lại ánh hào quang ngày nào.
Nói cách khác, chính iPhone đã giết chết Vertu.
Trí thức trẻ