Cái giá của siêu cường
Trung Quốc dĩ nhiên sẽ trở thành một trong những siêu cường có tầm ảnh hưởng định hình thế kỷ XXI nhưng họ có vượt được Mỹ hay không là chuyện khác
- 01-09-2018Đây là những gì còn thiếu để Trung Quốc có thể trở thành 1 siêu cường như Mỹ
- 21-01-2018Siêu cường đại chiến?
- 19-12-2016Báo Trung Quốc chê Donald Trump không biết lãnh đạo một siêu cường
Làm siêu cường rất tốn kém! Điều này Mỹ rõ hơn ai hết, nào là chi phí cho quân đội đông đảo, cho các sứ mệnh ngoại giao hàng đầu và cho các khoản viện trợ nước ngoài. Trung Quốc càng muốn mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu, gánh nặng càng nặng hơn. Dù Bắc Kinh đang dồi dào tiền của song trong nước vẫn tồn tại nhiều thách thức kinh tế và tài chính có thể cản trở tham vọng vươn ra ngoài của họ.
Do đó, câu hỏi quan trọng cho Trung Quốc là: Họ muốn trở thành siêu cường kiểu gì? Chắc chắn Bắc Kinh muốn thống trị châu Á. Ở tầm khu vực, với những lợi thế về tăng trưởng kinh tế, quy mô dân số và chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc có thể qua mặt Mỹ vào năm 2030. Nhưng làm siêu cường khu vực khác xa siêu cường toàn cầu. Thử đọc định nghĩa "siêu cường" của bà Alice Lyman Miller, học giả của Viện Hoover thuộc Trường ĐH Stanford (Mỹ): "Siêu cường là nước có khả năng bao trùm sức mạnh và ảnh hưởng ở bất kỳ đâu trên thế giới, đôi khi ở nhiều khu vực cùng một lúc".
Muốn đạt tầm vóc siêu cường, quốc gia đó phải sở hữu sức mạnh trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự đến "mềm" (gồm chính trị và văn hóa).
Sức mạnh kinh tế
Trung Quốc hiện đã là siêu cường kinh tế. Xét về sức mua ngang giá, kinh tế Trung Quốc đã lớn hơn Mỹ. Tuy nhiên, không thể chỉ đánh giá quy mô nền kinh tế bằng sức mua nội địa. Siêu cường mua căn cứ quân sự, ảnh hưởng và hàng hóa ở nước ngoài. Đồng USD mà Trung Quốc đang đầu tư thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường trên khắp thế giới chỉ mới là đồng USD đơn thuần, với sức mua ngang bằng các nước khác.
Để đo giá trị sức mua thật sự của Trung Quốc trên thị trường toàn cầu mỗi năm, cần nhìn vào tăng trưởng GDP của họ (tính bằng USD) và không điều chỉnh theo lạm phát hoặc sức mua ngang giá. Lúc đó, bức tranh sẽ khác.
Dân số khổng lồ 1,4 tỉ người từng là yếu tố làm nên thành công vượt bậc của Trung Quốc song chính sách một con trước đây đang khiến nguồn sức mạnh này dần biến mất. Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm mạnh từ năm 2023.
Sức mạnh quân sự
Dù chưa được thử sức nhiều nhưng quân đội Trung Quốc thực sự đã thay đổi. Họ tái vũ trang, thậm chí là sao chép, phát triển hoặc mua nhiều loại tên lửa và công nghệ tàng hình mà một siêu cường thế kỷ XXI cần có trong tay. Hiện nay, ngân sách quốc phòng Trung Quốc gấp 3 lần Nga (tăng từ khoảng 19 tỉ USD năm 1989 lên 174,5 tỉ USD năm nay) và bám đuổi Mỹ (dù còn cách xa).
Trong một số lĩnh vực, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, như số lượng máy bay không người lái (UAV) hạng nặng mà họ có hoặc xuất khẩu. Bằng cách tập trung vào tàu ngầm tấn công và công nghệ tên lửa, Trung Quốc có thể thay đổi cán cân lực lượng với Mỹ mà không phải quá tốn kém. Tuy nhiên, với những món "đồ chơi" lớn như tàu sân bay, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm. Về năng lực hạt nhân, Trung Quốc chưa là gì so với Mỹ hay Nga. Nước này quan tâm phát triển công nghệ mới, như tên lửa siêu thanh, công nghệ trên mạng, trí tuệ nhân tạo... hơn là cố phát triển kho hạt nhân.
Tương tự là căn cứ quân sự. Bộ Quốc phòng Mỹ đang vận hành 516 căn cứ ở 41 nước trên thế giới, trong đó có 42 căn cứ cỡ lớn hoặc vừa. Trong khi đó, Trung Quốc mới khánh thành căn cứ hải ngoại chính thức đầu tiên ở Djibouti vào năm ngoái.
Sinh viên Trung Quốc tại lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Columbia (Mỹ). Ảnh: CHINA NEWS SERVICE
Sức mạnh mềm
Một khía cạnh định hình tính chất siêu cường của Mỹ là mạng lưới đồng minh mở rộng. Có thể kể ra: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm 29 thành viên; Hiệp ước Anzus với Úc và New Zealand; Liên minh chia sẻ tình báo Five Eyes với Anh, Úc, Canada, New Zealand; ngoài ra còn có nhiều thỏa thuận quân sự song phương với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... Về phần mình, Trung Quốc ít có đồng minh chính thức, ngay cả tại châu Á.
Sức mạnh mềm và chính trị của một siêu cường còn dựa vào lực lượng ngoại giao hùng hậu để chuyển tải thông điệp ra khắp thế giới, đồng thời hướng các nước đi theo lợi ích của mình. Trung Quốc đang tăng nhanh số lượng nhà ngoại giao lẫn ngân sách cho lĩnh vực này (hiện ở mức khoảng 9,3 tỉ USD, tăng gấp đôi so với thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012). Dù vậy, con số này còn kém xa Mỹ - ngay cả khi Tổng thống Donald Trump cắt giảm ngân sách của Bộ Ngoại giao nước mình, từ 55,6 tỉ USD của năm 2017 còn 37,8 tỉ USD cho năm 2019.
Về mặt văn hóa, Trung Quốc mở trung tâm Khổng Tử ở nhiều nơi để tuyên truyền tầm nhìn của mình, đồng thời khuyến khích người dân du lịch và du học nước ngoài với số lượng hàng triệu người. Chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump phần nào nhường đường cho Trung Quốc tự giới thiệu mình là thủ lĩnh mới của biên giới mở cũng như thương mại tự do. Nhưng ngay cả như thế, ảnh hưởng của Mỹ về mặt văn hóa vẫn mạnh hơn.
Đối với công nghệ, Chủ tịch Tập Cận Bình không giấu tham vọng vượt qua Mỹ để thống trị mặt trận này với sáng kiến "Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025". Họ đặt mục tiêu tương tự cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nhưng lùi thời gian chút ít - tới năm 2030. Kết quả ban đầu rất ấn tượng: Trung Quốc đã vượt Mỹ về siêu máy tính. Tuy nhiên, với việc tiếp tục phụ thuộc vào chip của Mỹ, cùng nhiều trở ngại khác, Trung Quốc còn đoạn đường dài phải đi.
Trung Quốc dĩ nhiên sẽ trở thành một trong những siêu cường mạnh nhất, có tầm ảnh hưởng định hình thế kỷ XXI. Nhưng họ có vượt được Mỹ hay không là chuyện khác. Dân số già hóa và sụt giảm có vẻ là nguy cơ lớn nhất cho Bắc Kinh. Khi Mỹ ở trong tình huống tương tự - vươn lên giành vị trí siêu cường thống trị thế giới của Anh từ năm 1880 đến 1950, dân số của Mỹ tăng gấp ba.
(lược dịch theo hãng tin Bloomberg)
Người Lao động