‘Cái khó’ của Trung Quốc: Là nền kinh tế số 2 thế giới nhưng người dân phải ‘thắt lưng buộc bụng’, nhiều người đổ xô đi mua hàng giảm giá, tiết kiệm vài nghìn đồng/món cũng cảm thấy hài lòng
Xu hướng này mở rộng mạnh mẽ khi người dân thích sự thuận tiện khi mua hàng gần nhà cũng như sống tiết kiệm hơn.
- 05-02-2024Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khốn khổ trong ‘cuộc đua chuột’
- 05-02-2024Trung Quốc đã thực sự vươn lên trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới: Nhật Bản nói chưa
- 05-02-2024Làm ra mặt hàng được đánh giá "tốt hơn nhiều" so với Trung Quốc, Triều Tiên kiếm nghìn tỷ giữa cấm vận
Người dân Trung Quốc đang sinh sống tiết kiệm hơn
Nikkei Asia viết, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng đổ xô đến các cửa hàng tiện lợi bán đồ ăn nhẹ (snack store) gần nhà với những mặt hàng giảm giá. Số lượng cửa hàng đã tăng gấp 3, lên tới 25.000 kể từ năm 2022 tại nhiều nơi của Trung Quốc. Điều này diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng nước này đang trở nên tiết kiệm hơn.
Cục Thống kê Quốc gia báo cáo chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 của nước này tăng 0,2%, tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 14 năm.
Công ty nhân sự Zhaopin cũng báo cáo rằng mức lương trong các bản tin tuyển dụng đã giảm so với cùng kỳ trong quý từ tháng 10 đến tháng 12. Người tiêu dùng đang thắt chặt hầu bao của mình khi sự cải thiện việc làm và thu nhập diễn ra chậm chạp.
Tại cửa hàng Super Ming ở thành phố phía đông Nam Kinh, các kệ hàng chất đầy đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn và thực phẩm ăn liền. Bánh quy socola chip của một thương hiệu đến từ Mỹ được bán với giá 4,90 nhân dân tệ mỗi túi, hơn 16 nghìn đồng - thấp hơn đáng kể so với giá 6,40 nhân dân tệ (hơn 21 nghìn đồng) ở siêu thị địa phương hay 8,50 nhân dân tệ (hơn 28 nghìn đồng) ở cửa hàng bách hóa tiện lợi khác. Cũng có sự chênh lệch về giá tương tự ở nhiều sản phẩm khác nhau của các nhà sản xuất Trung Quốc hay Nhật Bản.
“Tôi chỉ tốn 80 nhân dân tệ để mua hai túi chứa đầy đồ ăn nhẹ. Nó gần nơi làm việc của tôi nên tôi đến đây hàng tuần”, một người phụ nữ bước ra khỏi cửa hàng cho biết.
Tại các khu vực thành thị của Trung Quốc, nhiều cửa hàng sẽ bán thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày sắp hết hạn với giá thấp hơn, nhưng các sản phẩm tại Super Ming không những có giá phải chăng mà ngày sản xuất cũng rất mới.
Một nhân viên cửa hàng cho biết: “Chúng tôi đang cắt giảm số lượng bên trung gian. Giá của chúng tôi thấp đến mức các cửa hàng nhỏ hay tiệm tạp hóa gia đình cũng mua sản phẩm từ chúng tôi”.
Được biết, các snack store với hàng giảm giá quản lý hàng tồn kho dễ dàng hơn các siêu thị cũng bán thực phẩm chế biến sẵn. Họ cũng có thể đảm bảo lợi nhuận bằng cách tăng sự quay vòng hàng hóa. Tỷ lệ hàng hoá bán ra và được lấp đầy trở lại tại các snack store là khoảng 15 ngày, so với 40 đến 50 ngày của siêu thị.
Xu hướng mua đồ tại “snack store” lan rộng
Super Ming ra đời từ năm 2019 tại tỉnh Giang Tây. Các cửa hàng của thương hiệu này đã tăng gấp bốn lần từ khoảng 700 vào cuối năm 2022 lên hơn 2.900 cửa hàng vào cuối năm 2023.
Vào mùa thu năm 2023, công ty mẹ của Busy For You, một chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhẹ giảm giá khác, đã mua lại 88% cổ phần trong công ty quản lý của Super Ming, theo nhà cung cấp dữ liệu doanh nghiệp Qichacha và các nguồn khác.
Busy For You, được thành lập tại tỉnh Hồ Nam vào năm 2017, đã tăng gấp đôi số cửa hàng từ năm 2022 lên hơn 4.000 vào tháng 10 năm 2023. Super Ming và Busy For You có tổng cộng 7.000 cửa hàng tính đến năm ngoái. Quy mô của hai thương hiệu này đã mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh với các đơn vị sản xuất và có thể giảm chi phí mua hàng.
Wanchen Group, công ty điều hành đối thủ Haoxianglai, cũng đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới lên hơn 10.000 cửa hàng vào năm 2025 từ hơn 4.100 cửa hàng hiện nay.
Mặc dù các siêu thị lớn và hoạt động mua sắm trực tuyến rất phổ biến ở Trung Quốc, nhưng các snack store bán hàng giảm giá truyền thống vẫn có chỗ đứng. Chúng có giá cả cạnh tranh như giá của các nhà bán lẻ trực tuyến lớn và cũng có lợi thế là sự gần gũi, thuận tiện.
Huaxi Securities ước tính có chỗ để mở 87.500 cửa hàng tiện lợi bán đồ ăn nhẹ giảm giá ở Trung Quốc đại lục.
Sự lan rộng của hoạt động kinh doanh giảm giá không chỉ giới hạn ở đồ ăn nhẹ. HotMaxx, công ty điều hành các cửa hàng ở Thượng Hải và những nơi khác, đã mở một cửa hàng lớn ở thành phố Hàng Châu vào tháng 12, tự quảng cáo mình là “vua bán hàng của Thượng Hải”.
HotMaxx bán thực phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày sắp hết hạn sử dụng với giá rẻ. Cửa hàng Hàng Châu mới cũng sẽ bán giày và quần áo của các thương hiệu thể thao.
Công ty Dingdong cũng khai trương một siêu thị giá rẻ ở Thượng Hải vào tháng 11, bán rau tươi, gia vị, đồ ăn nhẹ và nhiều mặt hàng khác.
Tham khảo Nikkei Asia
Nhịp sống thị trường