MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải tạo chung cư cũ: Gỡ dần những “nút thắt”

23-01-2024 - 17:35 PM | Bất động sản

Cải tạo chung cư cũ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Được biết, thành phố sẽ công khai, minh bạch nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân theo dõi, giám sát.

Cải tạo chung cư cũ: Gỡ dần những “nút thắt” - Ảnh 1.

Phần lớn các chung cư cũ ở Hà Nội vẫn chưa được cải tạo đúng tiến độ. Ảnh: M.Hoa.

Minh bạch để tạo đồng thuận

Là một người dân ở phường Giảng Võ, chị N.T.T.H cho biết, toà nhà chị ở không thuộc danh sách chung cư nguy hiểm cấp độ D nhưng thời gian sử dụng của một số toà nhà tại các khu B, C, D cũng đã rất lâu. Điều này kéo theo các lo ngại về an toàn.

Nhiều người dân đang ở các khu nhà tập thể, chung cư cũ tại phường Thành Công, Giảng Võ thuộc quận Ba Đình đã kiến nghị thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn.

Người dân mong muốn cơ quan chức năng sẽ quyết tâm để có thể sớm xây dựng, cải tạo lại khu tập thể cũ.

Được biết, quận Ba Đình đã hoàn thành di dời người dân tại 3/5 chung cư cấp độ D (cấp độ nguy hiểm). Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình, cho biết quận sẽ công khai, minh bạch nội dung liên quan đến cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân theo dõi, giám sát.

Trường hợp hộ dân chưa chịu di dời khỏi nơi ở xuống cấp nguy hiểm, UBND quận sẽ tiếp tục vận động các hộ dân nhận tiền tạm cư và bàn giao căn hộ. Sau vận động, nếu các hộ dân vẫn không chịu phối hợp, quận sẽ giao ngành chức năng, chính quyền phường thực hiện biện pháp xử lý hành chính phù hợp.

Còn tại quận Đống Đa nơi có 12 khu chung cư (quy mô hơn 2ha) và 45 nhà chung cư đơn lẻ, trong 2 ngày (11 và 12/1/2024) vừa qua, UBND quận đã tổ chức Hội nghị công khai lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư về chủ trương cải tạo, xây dựng lại 3 khu tập thể: Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên.

Ông Hà Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho hay, quận đã xây dựng và tổ chức công khai nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo xây dựng lại các khu tập thể Khương Thượng, Trung Tự, Kim Liên.

Quy hoạch được niêm yết công khai, tạo mã QR và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND quận và cổng thông tin điện tử của các phường Trung Tự, Khương Thượng, Phương Liên, Kim Liên để các tổ chức, cơ quan, công đồng nhân dân tra cứu.

Việc công khai lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo tính khả thi, thực tế của đồ án quy hoạch. Do đó, UBND quận yêu cầu các phường tập trung tăng cường công khai tuyên truyền, vận động và gửi phiếu lấy ý kiến đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình. Các ý kiến sẽ được Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận, phòng, đơn vị chức năng, phường, đơn vị tư vấn, tổng hợp, nghiên cứu.

Đây là cơ sở để UBND quận tổng hợp, báo cáo, trình UBND thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, các đơn vị có chức năng sẽ tổ chức công khai lựa chọn đơn vị nghiên cứu lập đồ án quy hoạch và UBND quận tiếp tục công khai lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư với đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 theo quy định.

Giải tỏa các lực cản

Việc cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội tốn rất nhiều thời gian. Trong đó trong quá trình họp bàn lấy ý kiến để cải tạo một số hộ cư dân yêu cầu hệ số bồi thường diện tích tái định cư căn hộ tại chỗ lớn hơn căn hộ cũ.

Ngoài ra, một số hộ dân không thống nhất với cơ chế bồi thường, hỗ trợ của thành phố, nhất là các hộ tại tầng 1 có diện tích cơi nới, lấn chiếm không được bồi thường mà chỉ được hỗ trợ. Nhiều hộ dân trong khu chung cư cũ gặp khó khăn về kinh tế khi chi trả tiền cho phần diện tích tăng thêm sau cải tạo.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội từng chỉ rõ: Tiến độ kiểm định, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư ở các đô thị lớn đang rất chậm; trong đó, có lực cản từ việc không di dời được người dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ.

Trong khi đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2045 hoàn thành cơ bản công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Do vậy nhiều ý kiến cho rằng muốn đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ cần tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương từ thành phố đến các quận, phường, trong quá trình cải tạo và xây dựng lại các khu chung cư cũ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học biện Tài chính) cho rằng, việc công khai thông tin hay họp tổ chức lấy ý kiến của cư dân là rất cần thiết. Dẫu biết rằng, về một nội dung sẽ có nhiều quan điểm trái chiều nhau, nhưng từ đó có thể tổng hợp và tính được tỷ lệ phần trăm đồng thuận hay không đồng thuận.

Theo H.Hương

Đại Đoàn Kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên