MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm cướp phết Hiền Quan: Sao không nhìn vào mặt tích cực của lễ hội?

19-02-2019 - 15:10 PM | Xã hội

Giữa đám thanh niên hỗn loạn tập trung trước đình, một người bực tức, lên tiếng: "Lúc nào cũng phản ánh đánh nhau, cũng vỡ trận, bao nhiêu năm nay người làng tôi vẫn tổ chức chả ai chết, chả ai làm sao".

Hằng năm, lễ hội Phết Hiền Quan gồm 4 phần: rước kiệu, tế lễ, kéo quân và đánh (cướp) phết. Năm nay, Ban tổ chức quyết định tạm dừng lễ hội và thông báo không tổ chức tiếp đánh phết vào chiều 13/1 Âm lịch như thường lệ. Những quả phết đáng nhẽ được tung lên giữa bãi đất rộng trên dưới 1.000 m2 trước ánh mắt "hau háu" của hàng trăm thanh niên, nay được thu lại, cất giữ đúng nguyên trạng.

Dân làng hung hăng phản đối, tuyên bố "không có phết sẽ không về, lễ hội là phải có cướp phết". Họ ngồi thành từng đám trước cửa đình. Và, rốt cuộc thì, phần hội được mong chờ nhất chính thức bị tạm dừng.

Việt Nam có khoảng 8.000 lễ hội, mang tính chất hội làng dân gian là chính. Hầu hết lễ hội có nguồn gốc cơ bản từ nét ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, xã hội trước khi có các lớp lang khác xen vào. Một lễ hội có thể có ý nghĩa với cộng đồng này nhưng lại vô nghĩa và... kì cục với cộng đồng khác. Hoặc những người không liên quan, cũng cố gắng "chen chân" vào lễ hội vì những... xu hướng, trào lưu. Ví dụ như, sờ vào quả phết là được may mắn trong cả năm. Thành thử rất nhiều năm trước, nghĩ tới lễ hội phết Hiền Quan, ai cũng hình dung được phần nào cảnh tượng tại đó. Hai từ thôi: vỡ trận!

Cấm cướp phết Hiền Quan: Sao không nhìn vào mặt tích cực của lễ hội? - Ảnh 1.

Năm 2018, lễ hội phết Hiền Quan diễn ra giữa những tranh giành giữa các nam thanh niên.

Cấm cướp phết Hiền Quan: Sao không nhìn vào mặt tích cực của lễ hội? - Ảnh 2.

Những chàng trai khỏe mạnh bất chấp tất cả tranh cướp quả phết.

Clip: Dân làng tập trung trước đình khi BTC ra quyết định tạm dừng hội cướp phết Hiền Quan. Thực hiện: Phương Thảo.

Lễ hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ) diễn ra vào ngày 12-13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm để tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa (nữ tướng thời Hai Bà Trưng) có công đánh giặc) và Mộc Trang (đại vương thời vua Đinh) có tham gia công dẹp loạn 12 sứ quân. Bản chất lễ hội ở Hiền Quan là tinh thần thượng võ. Cho nên khi "ứng xử" với lễ hội này, chúng ta phải xuất phát từ đó.

Ông Nguyễn Quốc Thậm (85 tuổi), Phó ban di tích đền Hiền Quan khẳng định: "Đánh phết là đề cao tinh thần thượng võ, tiếp nối truyền thống ông cha ngày xưa, chứ không phải là bạo lực".

Theo truyền thống, 6 quả phết và 3 quả chúi làm từ củ tre sơn đỏ sau khi tế lễ lần lượt tung ra bãi đất trống để những người tham gia tranh cướp. Trước khi tổ chức lễ hội 30 ngày, Ban tổ chức rà soát, lập danh sách người tham gia đánh phết từ 14 khu dân cư, mỗi khu cử 10 người và chia thành hai đội, tượng trưng cho đội Giáp Thượng, Giáp Hạ. Trang phục lễ hội với các màu xanh, đỏ để phân biệt được may cho các thành viên.

Tuy nhiên, trong ngày 12 Âm lịch, người không được phép tham gia hội đã sở hữu quả phết trên tay.

Cấm cướp phết Hiền Quan: Sao không nhìn vào mặt tích cực của lễ hội? - Ảnh 4.

Năm nay, hai đội được tham gia cướp phết mang áo màu xanh và đỏ. Tuy nhiên, chàng trai giành được quả phết lại không thuộc đội nào. Hội chính ngày 13 Âm lịch chính thức bị tạm dừng trước sự hỗn loạn không đáng có.

Lệ làng không được tôn trọng, rất nhiều người dân vùng miền khác đến đây, tham gia cướp phết theo xu hướng. Cảnh tượng hỗn loạn, hàng trăm thanh niên phá rào ùa vào bãi đất trống mong muốn sờ vào quả phết khiến lễ hội bị biến tướng, theo cách không đáng có. Hội cướp phết Hiền Quan không còn thuộc về những người trong làng, không còn thuộc giá trị làng xã như trước nữa, mà có yếu tố mở rộng, nguy cơ gây mất trật tự an ninh.

Hàng năm, chúng ta nhắc tới lễ hội phết Hiền Quan với xu hướng nghiêng hẳn về bạo lực, tranh giành, đổ máu, vỡ trận, thay vì những mặt tốt, tích cực. Gần như chỉ là: "Trai làng đổ máu, kiệt sức trong lễ hội cướp phết", "Choảng nhau đến mức ngất xỉu trong lễ hội cướp phết", "Hàng nghìn trai làng hăng máu dẫm đạp, trèo lên đầu nhau cướp phết cầu may",...

Sau một lễ hội, còn lại gì?

Những hình ảnh xấu xí.

Kẻ này "cưỡi" lên đầu, lên cổ kẻ khác, dẫm đạp, dùng cả nắm đấm. Sau những giờ tranh cướp dữ dội, nhiều người lảo đảo bước ra từ đám đông, mồ hôi nhễ nhại, áo đẫm bùn và máu. Họ đi được vài bước lại nằm vật ra nền đất bùn nhão nhoét. Người nắm được quả phết chưa kịp vui, đã canh cánh khi hàng trăm con mắt khác chỉ chực lao vào giành giật.

Cấm cướp phết Hiền Quan: Sao không nhìn vào mặt tích cực của lễ hội? - Ảnh 5.

Đội xanh, đội đỏ và những đội màu khác (không được phép) cùng giành quả phết.

Với bất cứ lễ hội nào, một khi chúng ta không hiểu đúng về ý nghĩa, văn hóa, tích sử thì đều dễ bị lệch lạc.

Để tranh cướp phết, nhìn bề ngoài thì dễ hiểu nhầm là tranh cướp hỗn loạn, nhưng thật ra, từng đội chơi của các làng đã vạch các phương án, chiến thuật đánh phết. Đây là phần thi đồng đội nên rất bài bản, khoa học và an toàn, chứ không ẩu đả như chúng ta vẫn nghĩ. Thay vào đó, tình trạng quá nhiều người (không được phép) ào xuống một cái sân cướp phết rồi dẫm đạp lên nhau đầy hung hăng lại gây chú ý nhiều hơn. Thử hỏi, trong một khoảnh khắc, những chiếc hàng rào dựng sẵn làm sao ngăn được người dân bên ngoài lao vào cướp phết. Và dẫu rằng được tuyên truyền lễ hội như một cuộc thi thể thao, nhưng xem ra vẫn không khác gì một đám đông hỗn loạn, không có tổ chức.

Bản chất của lễ hội cướp phết Hiền Quan không sai, đó là một nét văn hóa đặc trưng vùng miền. Nhìn mặt tích cực thì vui thôi, có gì đâu. Nhưng theo năm tháng, sự biến tướng theo xu hướng khiến phần hội bị đánh mất dần tính chất vốn có. Và đi tới cái kết không ai mong muốn, phần hội bị tạm dừng, kể cả những năm tiếp theo.

Cấm cướp phết Hiền Quan: Sao không nhìn vào mặt tích cực của lễ hội? - Ảnh 6.

Dân làng Hiền Quan bức xúc khi phần hội bị phá bỏ.

Cấm cướp phết Hiền Quan: Sao không nhìn vào mặt tích cực của lễ hội? - Ảnh 7.

Lực lượng chức năng cố gắng giải tán đám đông hung hãn.

Người dân không đồng ý khi phong tục lễ hội bị phá bỏ. Họ nóng giận, xô đẩy với lực lượng chức năng, nhưng cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ trên tờ An ninh thủ đô, màn đánh phết tại Hội Hiền Quan bị cấm đồng nghĩa với việc xóa bỏ lễ hội đó. Có nghĩa rằng, Hội Phết Hiền Quan sẽ không còn nhận ra được màu sắc riêng khi chỉ còn các màn tế rước.

"Nói gì thì nói, Hội Phết Hiền Quan không thể thiếu màn đánh phết" - Nhà nghiên cứu Trần Hữu Sơn nhấn mạnh.

Nói về Hội Phết Hiền Quan, GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ, các trai làng cùng giành nhau quả phết được sơn màu đỏ và cố gắng để gạt quả phết vào hố có chứa nước. Màn đánh phết này có ý nghĩa phồn thực, âm dương, đất trời hòa hợp, vạn vật sinh sôi nảy nở.

"Trước đây, các cụ ta chỉ gọi "hội" với câu cửa miệng rất quen thuộc "làng tôi mở hội" mà không phải dùng tới từ "lễ hội" như hiện nay.

Điều đó nói lên rằng, hội không tách bạch phần lễ và phần hội như mọi người vẫn nhầm tưởng. Đi trảy hội là đến với nơi linh thiêng và tả tơi như xem hội cũng là điều dễ hiểu khi có tới cả trăm người cùng tụ hội về trong không gian tâm linh của làng, của xã.

Nhưng cùng với cơ chế thị trường, hội cũng đã ít nhiều biến đổi, người ta đi hội không còn chỉ đến với nơi linh thiêng mà để vụ lợi, nhận về càng nhiều lộc càng tốt. Vì thế mới nảy sinh ra các vấn nạn về tranh cướp lộc, giẫm đạp lên nhau để cướp phết… Hội ngày càng biến tướng"

Sau cùng, bao nhiêu trăm trời, cũng có lúc người Hiền Quan không được chạm vào quả phết lấy may. Đó là tổn thất, ít nhất về mặt tư tưởng, tinh thần đối với họ. Giữa đám thanh niên hỗn loạn tập trung trước đình, một người bực tức, lên tiếng: "Lúc nào cũng phản ánh đánh nhau, cũng vỡ trận, bao nhiêu năm nay người làng tôi vẫn tổ chức chả ai chết, chả ai làm sao".

Có lẽ, quả phết trên tay nam thanh niên không có trong danh sách được tham gia cướp, là quả phết cuối cùng tại Hiền Quan. Và cũng không rõ, sẽ còn bao nhiêu lễ hội giữa con số 8.000 kia sẽ bị "khai tử" trong những năm tiếp theo, chỉ vì những biến tướng, trào lưu và cái nhìn tiêu cực.

Lúc ấy, dân làng - những người sinh ra vốn thuộc về không gian lễ hội, sẽ là những kẻ đau lòng nhất.

Hội Phết Hiền Quan là một lễ hội của xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, được tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm, trong đó ngày chính hội là ngày 13. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặc và Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.

Lễ hội phết Hiền Quan gồm bốn phần đó là: Rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh Phết diễn ra ở cả Đình Hiền Quan, nơi thờ Đức Ông Lý Mộc Trang thời Đinh và đền Hiền Quan, thờ Thiều Hoa thời Hai Bà Trưng.

Tại lễ rước kiệu, trên kiệu là các sắc phong, bài vị , quả Phết, quả Chúi (hay còn gọi là Dúi) được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày mồng 10 tháng 10 âm lịch. Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sĩ mình mặc áo giáp hộ tống. Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ và lễ kéo quân. Cuối cùng sẽ là rước phết ra đồng để mọi người giành lấy.

Có 6 quả Phết và 3 quả Chúi để những người tham gia lễ hội cùng giành lấy. Hai thứ này được làm từ củ tre sơn đỏ, trong đó quả Phết có đường kính khoảng 6–7 cm và quả Chúi nhỏ hơn, khoảng 4–5 cm .

Chiều ngày lễ hội, tại đền thờ Thiều Hoa công chúa sẽ diễn ra lễ tế. Sau các phần rước kiệu, tế lễ, kéo quân sẽ là lễ rước phết. Quả Phết được vị chủ tế mang theo từ đền ra bãi đất trống (thường là thửa ruộng mới cày hoặc bãi cát ven sông), xung quanh chủ tế là hai hàng thanh niên trai tráng khỏe mạnh lập thành rào chặt chẽ để bảo vệ Phết. Khi đến bãi đất trống, vị chủ tế sẽ đặt Phết vào hố phết đã được đào sẵn và những người tham gia lễ hội sẽ cùng nhau tranh cướp quả Phết (đặt Phết vào hố phết hoặc tung lên cao). Người nào cầm được quả Phết chạy qua cột cờ mốc giới coi như thắng cuộc. Sau khi 1 quả Phết đã có người giành được thì quả tiếp theo lại mới được đưa ra.

Sau khi các quả Phết đã có chủ thì các quả Chúi sẽ được đưa ra. Quả Chúi không cần các lễ nghi như quả Phết. Theo quan niệm của làng Hiền Quan, ném chúi là để "trừ tai viễn tống", xua đi mọi rủi ro tật bệnh.

Người dân quan niệm rằng nếu ai giành được quả Phết và Chúi hay chỉ chạm được tay vào là cả năm sẽ rất may mắn.

Với giá trị lịch sử như vậy, ngày 12 tháng 12 năm 1994, cụm di tích Song Quan đã được Nhà nước công nhận xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia. Để tưởng nhớ công đức của hai vị anh hùng đối với dân, với nước, hàng năm dân làng Hiền Quan mở hội từ ngày 12 đến 13 tháng Giêng (âm lịch) ở đền và chùa Hiền Quan.

Theo Phương Thảo - Minh Nhân

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên