Cấm nhập khẩu để giải cứu thịt heo: Nên không?
Sự sống còn của ngành chăn nuôi heo chính là nâng cao chất lượng, đáp ứng mọi thị trường.
- 25-04-201718.000 đồng/kg thịt heo: Nông dân mất tất cả
- 20-04-2017Bộ Nông nghiệp muốn giảm đàn lợn nái, huy động quân đội “giải cứu” thịt heo
- 26-01-2017Thịt heo sạch, heo rừng lên ngôi dịp Tết
Tại hội nghị về giải cứu thịt heo diễn ra ngày 24- 4, nhiều doanh nghiệp (DN) kiến nghị tạm dừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt trong bối cảnh ngành chăn nuôi heo trong nước đang gặp cuộc khủng hoảng thừa trầm trọng. Qua đó nhằm giải quyết một phần lượng heo đang tồn rất lớn trong dân.
Lý giải rõ hơn về đề xuất này, một số công ty cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến giá heo hơi trong nước giảm mạnh, người chăn nuôi điêu đứng là do sức ép của thịt heo nhập khẩu.
Coi chừng bị trả đũa
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cảnh báo việc dừng nhập thịt từ các nước có thể phản tác dụng, thậm chí gây ra nhiều hệ lụy. Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM ngày 25-4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nêu quan điểm: “Đó mới chỉ là đề xuất từ phía các DN. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta chỉ có thể tạm dừng việc tạm nhập tái xuất nhằm ổn định thị trường trong nước chứ không thể tạm dừng nhập khẩu thịt từ các nước vào Việt Nam (VN)”.
Cũng theo Thứ trưởng Tám, VN là một thị trường hội nhập, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng. Hơn nữa, khi chúng ta cấm nhập thịt thì các nước có thể sẽ trả đũa bằng cách dừng nhập khẩu các sản phẩm khác của VN.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành chăn nuôi, hướng đến xuất khẩu vào thị trường các nước, đặc biệt là trong khu vực ASEAN. “Cốt lõi vẫn là phải giảm giá thành, nâng cao chất lượng thịt, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng bằng các sản phẩm sạch và an toàn. Từ đó đáp ứng mọi thị trường, đủ sức để cạnh tranh với các sản phẩm thịt từ nước ngoài. Đây chính là con đường sống còn của ngành chăn nuôi heo” - ông Tám nhấn mạnh.
Đáng tiếc là đến nay khâu tổ chức thị trường từ trong nước đến xuất khẩu của VN còn rất kém. Đơn cử đến nay VN chỉ mới xuất khẩu được một ít heo sữa theo đường chính ngạch sang một số thị trường như Singapore, Hong Kong. Thứ trưởng Vũ Văn Tám thừa nhận: “Giá thịt heo ở VN đã chạm đáy, rẻ nhất thế giới nhưng vẫn ế hàng. Song chúng ta chưa thể xuất khẩu thịt heo qua Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Mặt khác, chúng ta có nhiều thị trường lớn ở châu Á, khu vực ASEAN, do vậy thời gian tới sẽ có cách tiếp cận đối với thị trường tiềm năng, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng không nên dừng nhập khẩu thịt ngoại vì nguy cơ trả đũa thương mại rất cao. “Vừa qua VN cấm nhập một số nông sản Ấn Độ do có mọt gây hại, ngay lập tức nước này cũng ra lệnh tạm ngừng nhập khẩu năm mặt hàng nông sản VN khiến DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn” - ông Công dẫn chứng.
Ông Kukasz Dominiak, Tổng Giám đốc Hội đồng Gia cầm quốc gia Ba Lan - nước sản xuất thịt lớn nhất của châu Âu, cũng bày tỏ: “Thị trường đã mở cửa, VN đã chấp nhận hội nhập thì sản phẩm chăn nuôi VN buộc phải giảm giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất. Đó chính là điều tất yếu để có thể cạnh tranh với sản phẩm thịt nước ngoài”.
Có nhiều cách kiểm soát thịt nhập khẩu
Tuy không tán đồng với biện pháp cấm nhập khẩu thịt ngoại nhưng theo ông Công, để giải cứu thịt heo thì cơ quan chức năng xem xét dừng nhập khẩu thịt heo và lục phủ ngũ tạng theo hình thức tạm nhập tái xuất. Đây là biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ thị trường trong nước, chống lây lan các loại dịch bệnh.
Đặc biệt, ông Công cho rằng Bộ NN&PTNT cần xây dựng ngay hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng cho thịt nhập khẩu theo đúng luật lệ của WTO. Bởi tiêu chuẩn kỹ thuật là điều cấp thiết để đảm bảo chất lượng thịt nhập, loại bỏ những loại thịt ngoại chất lượng thấp, quá hạn sử dụng.
Một số DN cũng cho hay thực tế cho thấy có hiện tượng thịt heo và phụ phẩm dạng tạm nhập tái xuất đã được tuồn ra ngoài thị trường VN. Do không phải đóng thuế nên giá các mặt hàng này rẻ hơn so với mặt bằng giá chung của thị trường khá nhiều. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến thị trường thịt trong nước và tạo cuộc chiến cạnh tranh giá cho hàng VN.
Đại diện một DN chăn nuôi Đồng Nai cho biết thêm WTO cho phép đánh thuế nhập khẩu thịt gà là 40%, thịt heo 25% và trứng gia cầm lên tới 80%. Đây là một trong những chính sách hỗ trợ và bảo hộ nền nông nghiệp mà WTO cho phép tại mọi quốc gia. Do vậy, không lý gì VN lại không áp dụng để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước.
“Một bộ phận nhỏ người tiêu dùng có thói quen ăn thịt nhập khẩu sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, trả giá ở mức cao hơn. Nhưng về vĩ mô, lợi ích xã hội sẽ tăng lên rất nhiều, cứu nguy cho ngành chăn nuôi đang khốn đốn. Thuế nhập khẩu tăng sẽ tạo chướng ngại hạn chế nhập khẩu ồ ạt thịt kém chất lượng giá rẻ khiến thịt nội bị cạnh tranh thiếu công bằng và gây mất an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng” - đại diện DN này phân tích.
Giá thịt heo bán lẻ vẫn cao
Saigon Co.op cho biết đơn vị này phối hợp cùng ba đơn vị là Vissan, Nam Phong và Anh Hoàng Thy giảm giá thịt heo để hỗ trợ người chăn nuôi. Cụ thể, từ nay đến hết ngày 2-5, hệ thống siêu thị Co.opmart và chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food sẽ áp dụng chương trình giảm giá thịt heo. Đặc biệt, dù giảm giá bán nhưng Saigon Co.op vẫn giữ nguyên giá mua để giúp người nuôi bù chi phí.
Cụ thể, sau khi giảm giá 10%- 20%, tại Co.opmart và Co.op Food, giá thịt đùi, vai dao động quanh mức 60.000 đồng/kg; chân giò heo giá 52.800 đồng/kg, xương đuôi giá khoảng 66.000 đồng/kg... Các sản phẩm chế biến nấu chín, sơ chế sẵn có thành phần thịt heo cũng đều giảm giá.
Như chúng tôi đã thông tin, hiện giá heo chỉ còn khoảng 20.000-25.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước. Do giảm liên tục trong nhiều tháng nên hiện nay giá thịt heo VN đang rẻ nhất thế giới. Thế nhưng giá bán lẻ vẫn không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ và người tiêu dùng vẫn phải mua thịt heo với mức giá cao ngất ngưởng. Đây là điều hết sức vô lý.
_________________________________
Nhiều DN, chủ trang trại cho rằng một trong các giải pháp căn cơ là không để thịt heo VN quá phụ thuộc Trung Quốc. Có như vậy mới không bị chi phối hay rơi vào thế bị động. Đặc biệt, khi xuất sang Trung Quốc thì xuất khẩu chính ngạch thay vì chỉ tiểu ngạch như hiện nay.
Pháp luật TPHCM