Cấm vận của phương Tây không làm Nga "sứt mẻ", chuyên gia nêu lý do trừng phạt Trung Quốc còn khó hơn
Gần 2 năm, Nga dường như đã vượt qua các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn có thể bóp nghẹt nền kinh tế của nước này.
- 07-01-2024Tác giả 'Cha giàu, cha nghèo': 'Nếu tôi phá sản, ngân hàng cũng sẽ phá sản'
- 07-01-2024Tiết lộ video dài 8 phút về vụ va chạm máy bay Japan Airlines, 379 người tạo nên cảnh tượng “chỉ có tại Nhật Bản”
- 07-01-2024Thảm họa lũ lụt tấn công nhiều vùng trên khắp nước Anh
Nga thoát lệnh trừng phạt thành công
William Liu và các bạn cùng lớp thời đại học, những người từng học tập tại Nga, đã tận hưởng một năm bội thu vào năm 2023 sau khi công việc kinh doanh của họ tại Nga mở rộng đáng kể từ khi Moscow khởi xướng chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine 1 năm trước đó.
Từ máy móc và ô tô, đến thiết bị y tế và đồ gia dụng, các sản phẩm của Trung Quốc đã tràn ngập thị trường rộng lớn phía bắc, lấp đầy khoảng trống mà các công ty phương Tây đã rút lui sau khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 2 năm 2022.
Liu nói: "Hai năm trước, chúng tôi lo ngại về thiệt hại to lớn có thể xảy ra đối với nền kinh tế, nhưng hóa ra cho đến nay, Nga đã đứng vững".
Nền kinh tế Nga đã trải qua một cuộc suy thoái nhẹ, với tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 2,1% vào năm 2022, nhưng tốt hơn đáng kể so với mức giảm từ 10 đến 15% được dự đoán khi bắt đầu xung đột.
Moscow cho biết nền kinh tế đã tăng 5,5% trong quý 3/2023 so với cùng kỳ năm ngoái và Nga dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng cả năm là 3,5%.
Ủy ban Châu Âu cũng dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,6% trong năm nay và năm 2025.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch ở Phần Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là 4 khách hàng mua than nhiều nhất của Nga tính đến tháng 11 kể từ khi EU áp đặt lệnh trừng phạt vào năm 2022.
Dữ liệu cho thấy Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) là những khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Nga, trong khi EU cũng dẫn đầu việc mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản.
Nhưng bất chấp sự tăng trưởng kinh tế được mong đợi, những cơn gió ngược dự kiến sẽ tiếp tục xảy ra và thống đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina đã cảnh báo rằng Nga phải chuẩn bị cho nhiều lệnh trừng phạt hơn từ phương Tây.
Nga cũng vẫn đang phải đối mặt với tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài, lạm phát cao và lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp.
Dù có khác biệt giữa hai nền kinh tế, sự ổn định của nền kinh tế của Nga kể từ khi chiến tranh bắt đầu vẫn có thể đưa ra một số gợi ý về Trung Quốc, quốc gia đã nâng cao vị thế trong cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ với Mỹ.
Bài học kinh nghiệm từ Nga
Trung Quốc cũng đang tìm cách đạt được sự cân bằng giữa nỗ lực tự chủ và tăng cường hội nhập với thị trường toàn cầu.
Oleg Deripaska, người sáng lập công ty sản xuất nhôm Rusal, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Phoenix Weekly của Trung Quốc vào đầu tháng 12 rằng kinh nghiệm của Nga có thể mang đến cho Trung Quốc lời nhắc nhở về việc đa dạng hóa thương mại, khiến nền kinh tế trong nước trở nên kiên cường.
Việc tránh được các biện pháp trừng phạt chỉ có thể đạt được khi có thể mở ra các thị trường mới, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác giàu tài nguyên, một bài học mà nhiều doanh nhân Trung Quốc và Nga đã nhìn ra.
Nga giàu tài nguyên về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, than đá, kim loại và gỗ, đồng thời là nhà cung cấp chính cây trồng và phân bón, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu mọi thứ từ thiết bị sản xuất đến hàng tiêu dùng.
Trung Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và năng lượng ở nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng nước này đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng do những phức tạp về địa chính trị và việc tái tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu mở rộng tiềm năng của một thị trường nội địa rộng lớn và kiên cường, được hỗ trợ bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển với ít nhất 400 triệu người, như một trụ cột chính cho chiến lược lưu thông kép của nước này.
Chiến lược này tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa, đồng thời ít phụ thuộc hơn vào chiến lược phát triển theo định hướng xuất khẩu nhưng không từ bỏ hoàn toàn.
Trung Quốc cũng đang đặt mục tiêu hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu, đặc biệt tập trung vào các quy định, tiêu chuẩn công nghiệp và các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao.
Anna Kireeva, phó giáo sư nghiên cứu châu Á và châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, cho biết Trung Quốc cần tìm kiếm các công nghệ bản địa, giảm sự phụ thuộc vào chuyển giao công nghệ từ phương Tây và mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong mạng lưới thanh toán toàn cầu.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa họ với phương Tây do Mỹ dẫn đầu, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã tăng vọt kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu.
Tổng thương mại song phương đạt 218,2 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, tăng 26,7% so với năm trước, vượt mục tiêu 200 tỷ USD đặt ra cho năm 2023.
Trong cùng thời kỳ, xuất khẩu của Trung Quốc sang nước láng giềng phía bắc tăng 51%, trong khi xuất khẩu sang các đối tác thương mại khác giảm, bao gồm giảm 13,8% sang Mỹ và giảm 11% sang EU.
Nếu đà tăng tiếp tục, thương mại giữa Nga và Trung Quốc trong cả năm 2023 chắc chắn sẽ đạt mức cao kỷ lục 240 tỷ USD.
Gong Jiong, giáo sư tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh cho biết đây là con số "rất ấn tượng".
Gong cho biết thêm, Nga đang nhanh chóng bắt kịp Hàn Quốc và Nhật Bản về giá trị thương mại với Trung Quốc và có thể vượt qua hai đối thủ nặng ký của châu Á "trong vòng 1 hoặc 2 năm".
Phương Tây khó trừng phạt Trung Quốc hơn Nga?
Aleksei Chigadaev, cựu giảng viên thỉnh giảng tại Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow, cho biết Trung Quốc sở hữu cơ sở hạ tầng tài chính và giao thông phát triển hơn, khiến các biện pháp trừng phạt kém hiệu quả hơn.
Ông nói thêm rằng Nga chủ yếu dựa vào dầu mỏ và tài nguyên khoáng sản, trong khi Trung Quốc tự hào có một lượng lớn hàng hóa có ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu, bao gồm cả Mỹ và EU.
Do vậy, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga chỉ là một đòn tấn công, ảnh hưởng đến người tiêu dùng bình thường ở EU do chi phí nhiên liệu tăng cao trong khi các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc là một cuộc tấn công trực diện, Chigadaev nói.
Đời Sống Pháp Luật