MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cấm xe máy trong nội đô, hơn 90% người Hà Nội đồng ý

28-06-2017 - 21:22 PM | Xã hội

Kết quả khảo sát tại 30 quận, huyện của Hà Nội cho thấy, có 90,35% số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy.

Tại tờ trình dự thảo nghị quyết thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030" của UBND TP Hà Nội cho biết, qua việc lấy phiếu khảo sát các hộ gia đình tại 30 quận, huyện có 90,35% số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy.

Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải có những điều kiện vận tải hành khách công cộng đáp ứng được nhu cầu đi lại.


Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy trong nội đô

Hơn 90% người Hà Nội đồng ý cấm xe máy trong nội đô

Đồng thời, có 71,76% số người được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm để giảm ùn tắc giao thông, trong đó khu vực vành đai 3 số người được lấy ý kiến ủng hộ là 67,14%.

Nhiều giải pháp được TP nêu lên như: Điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng thông qua đăng ký để đề xuất các biện pháp thu hồi; Đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.

Hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh, xe Uber, Grab được rà soát, nghiên cứu ban hành quy định để phù hợp cơ sở hạ tầng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. TP phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh giờ học, giờ làm và kinh doanh dịch vụ nhằm giảm mật độ phương tiện tham gia giao thông trong giờ cao điểm. Đồng thời, lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới không cần thiết đi vào...

3 giai đoạn

Giai đoạn 2017-2018: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về GTVT.

Giai đoạn 2017-2020: Tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.

Giai đoạn 2017-2030: Từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận.

Giải trình rõ hơn về lộ trình hạn chế xe máy

Thẩm tra tờ trình, Ban Đô thị và Ban Pháp chế (HĐND TP) cho biết, đề án đưa ra 6 nhóm giải pháp với 45 biện pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ, trong đó 38 biện pháp thuộc thẩm quyền TP, 7 biện pháp có nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành TƯ.

Hai Ban cơ bản thống nhất nội dung, tuy nhiên cũng lưu ý, đối với 7 biện pháp đề xuất thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành TƯ như lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn; Tiếp tục rà soát điều chỉnh giờ học, giờ làm... là những biện pháp mới, có tính đột phá.

Vì vậy, để có căn cứ, trước khi tổ chức thực hiện, UBND TP cần báo cáo các bộ, ban, ngành TƯ để điều chỉnh, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật liên quan, hoặc quy định đặc thù với Hà Nội.

Về kinh phí, 2 Ban đề nghị UBND TP rà soát, bổ sung chương trình mục tiêu, xác định cụ thể kinh phí từ nguồn ngân sách và thu hút vốn xã hội hóa.

Với biện pháp phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy, 2 Ban đề nghị UBND TP báo cáo giải trình rõ hơn thực trạng và các giải pháp phát triển các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng và khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân theo lộ trình đến năm 2030 và những tác động ảnh hưởng về kinh tế của biện pháp này.

Theo Hương Quỳnh

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên