Cảm xúc đặc biệt về vụ khủng bố 11/9 qua ký ức của phóng viên CNN
15 năm sau, Aaron Brown vẫn được khán giả xem truyền hình cảm ơn vì đã đưa tin trọn vẹn về cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.
- 11-09-201615 năm sự kiện 11/9: Những đứa trẻ vẫn ôm chặt nhau và oà khóc vì nỗi đau mất đi cha mẹ
- 10-09-2016Thảm kịch 11/9: Những nỗi đau vẫn bị khoét sâu trong nền kinh tế Mỹ
- 10-05-2016658 nhân viên tử nạn trong vụ khủng bố 11/9, vị CEO này đã có cách xử lý tuyệt vời để vực lại công ty
Ông cảm thấy khá mâu thuẫn về điều này. “Trong công việc của tôi, được khán giả cảm ơn là điều hiếm thấy. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn được chú ý nhiều đến vậy”. Brown hiếm khi trải lòng hoặc nhận lời phỏng vấn về chuyện này. Dẫu vậy, ông đã đồng ý tham gia một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, nhân kỷ niệm 15 năm sự kiện diễn ra.
“Tôi đã may mắn và cũng khá đau đớn khi trên cương vị là một người Mỹ đã sống sót trong thảm họa ấy. Đó cũng là mâu thuẫn mà các nhà báo thường xuyên phải đối mặt: một mặt họ thích những câu chuyện giật gân to lớn, nhưng mặt khác cũng rất ghét phải đối mặt với việc câu chuyện thương tâm và khủng khiếp đang diễn ra.
Brown đã đưa tin về sự kiện từ tầng áp mái tại trụ sở cũ của CNN ở góc giao giữa phố 34 và đại lộ 8 (New York). Dù đang tường thuật lại khung cảnh hỗn loạn tột cùng, khuôn mặt ông lộ vẻ điềm tĩnh và xử lý công việc một cách chắc chắn.
“Điều quan trọng là chúng tôi muốn truyền đi những thông tin mà chúng tôi biết, để cho tất cả mọi người biết điều gì đang xảy ra”, Brown nói. Trên căn gác mái ấy, Brown có thể nghe thấy tiếng máy bay chiến đấu gầm rú trên đầu. Nhưng ông cho rằng mình quá bận rộn để sợ hãi bất cứ thứ gì.
Có một điều đặc biệt: 11/9 cũng là ngày đầu tiên Brown lên sóng truyền hình CNN, sau khi được tuyển về từ đài ABC.
Brown lao ngay lên căn phòng gác mái sau khi hai tòa tháp của Trung tâm thương mại thế giới bị tấn công và đảm nhận nhiệm vụ từ người dẫn chương trình ở Atlanta vào lúc 9h30 sáng. Chỉ sau đó vài phút, Lầu Năm góc cũng bị tấn công.
Brown nhớ lại rằng khi tòa tháp thứ nhất đổ sụp lúc 9h59, ông đã cảm thấy “mình thật ngu ngốc”. Trong lúc ông còn đang băn khoăn lo lắng tòa nhà sẽ thiệt hại như thế nào sau khi bị đâm như vậy, nó đã đổ sụp xuống. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tòa nhà sẽ bị sập”.
10h28, tòa nhà thứ hai cũng đổ. Brown nghe thấy những âm thanh khủng khiếp từ cách đó vài dặm. “Trời ơi!”, ông đã phải thốt lên như vậy ngay trên sóng truyền hình. Rất nhiều khán giả cho đến bây giờ vẫn nhớ câu cảm thán ấy.
“Từ lúc tòa tháp thứ nhất sụp đổ, dường như đã có một chiếc đồng hồ đang đếm ngược trong đầu tôi, trong đầu của hàng triệu người Mỹ và hàng tỷ người trên khắp thế giới đang theo dõi sự kiện này”.
Brown rời CNN năm 2005 và hiện đang sống ở Mexico. Khi được hỏi báo chí đã thay đổi như thế nào trong 15 năm qua, ông cho rằng ngày nay áp lực “phải phản ứng ngay lập tức với các sự kiện” lớn hơn rất nhiều và do đó có ít thời gian hơn cho bức tranh toàn cảnh.
“Về sự kiện 11/9, nếu như tôi có thể chậm lại một chút, tôi sẽ có cái nhìn sâu hơn, xa hơn về những tác động của vụ tấn công đối với nước Mỹ. Khi về nhà đêm hôm đó, tôi cứ nghĩ mãi ngày hôm nay của con gái tôi ra sao. Liệu có giống cái ngày mà tôi còn bé, Kennedy bị ám sát và tôi đã khóc? Khi vội vã chúng ta thường quên đi những điều lớn lao hơn. Đó cũng chính là câu chuyện của cuộc bầu cử Tổng thống năm nay”.
Đêm muộn ngày 11/9, Brown vẫn ngồi ở phòng làm việc – nơi ông có thể nhìn thấy khói vẫn bốc lên từ hiện trường vụ tấn công. Kết thúc công việc lúc 1h sáng, rất nhiều cảm xúc ào đến với Brown. Sự kiện này không chỉ là một câu chuyện đơn thuần như những câu chuyện mà các nhà báo vẫn đưa tin mà nó đã trở thành một phần của lịch sử.