MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cảm xúc - Kẻ thù số 1 trên Thị trường chứng khoán

PTB khi vốn hoá 300 tỷ đồng mua cả công ty, người ta sợ thanh khoản thấp, mua vào sợ “kẹp hàng", sợ vay nợ lớn, sợ cổ phiếu địa phương…. đủ thứ sợ và giá chỉ có 2x. Đến bây giờ khi PTB đắt gấp 10 lần, thanh khoản tốt, cổ phiếu tăng trưởng liên tục, tây mua ta mua, không còn thấy ai sợ nữa, ai cũng tự tin, tràn trề lạc quan thì giá 140 (chưa tính cổ tức).

Cách đây gần 100 năm, nhà đầu cơ lỗi lạc Jessie Livermore từng nói: “Chẳng có gì mới trên Phố Wall hay trong thị trường chứng khoán. Những gì đã xảy ra trong quá khứ luôn lặp lại trong tương lai. Đó là bởi bản chất của con người không bao giờ thay đổi và cảm xúc của con người luôn ảnh hưởng xấu tới trí tuệ của họ.”

TTCK được xây dựng dựa trên nền tảng "cảm xúc" và "kỳ vọng", PE trung bình của thị trường chứng khoán Việt Nam là 16, có nghĩa là chúng ta đang “ứng trước" 16 năm lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp (trong điều kiện lợi nhuận không thay đổi). Vụ Brexit năm 2016 là vụ gần nhất cho thấy sự “mong manh dễ vỡ" của thị trường, của cảm xúc - khi hơn 100 mã nằm sàn la liệt, trong đó có những mã mà hàng ngày chúng ta vẫn canh ke từng line để đặt mua - đặt bán thì nay nó được tống khứ ra đường như những món đồ rẻ tiền không thương tiếc.

HSG có phiên hơn 1 triệu cp chất giá sàn không ai mua ATC thì chỉ sau đó vài ngày người ta lại tranh cướp nhau. Không lẽ sau vài ngày ngày giá trị nội tại HSG đã thay đổi? HSG không thay đổi mà cảm xúc của con người thay đổi.

Ảnh hưởng của cảm xúc đối với các quyết định đầu tư

Với đám đông trên thị trường chứng khoán, giá cả là một khái niệm có tính tương đối, nhiều khi nó phản ánh sự lạc quan phấn khích hay bi quan chán nản của nhà đầu tư trên thị trường hơn là những thay đổi trong suy nghĩ nhận thức của họ đối với một cổ phiếu nào đó.

Khi mua một cổ phiếu giá cao do hưng phấn hoặc lạc quan thái quá, đồng nghĩa với việc bạn đã phải trả giá cao hơn cho phần cảm xúc hưng phấn đó, giá cổ phiếu phản ánh nội tại và khả năng tăng trưởng doanh nghiệp và đi kèm thêm một phần cảm xúc của bạn.

Tất cả mọi trạng thái tâm lý từ bi quan đến lạc quan trên thị trường, đều đã phản ánh một phần trong giá cả. Chúng ta thường sẽ phải mua giá đắt trong một thị trường lạc quan, và mua được giá rẻ trong một thị trường bị quan.

Cổ phiếu khi giá thấp, thanh khoản ít chúng ta sợ không dám mua vì không đánh giá được doanh nghiệp nhưng khi giá cao, thanh khoản lớn thì mua rất nhiệt tình như kiểu nhặt được vàng, trong khi doanh nghiệp chẳng có gì thay đổi. PTB năm 2014 giá chỉ có 2x thanh khoản lèo tèo 5-10.000 cp/phiên, khi đó vốn hoá cả công ty chỉ có 300 tỷ, khi giá PTB lên 140.000 đ/cp thì thanh khoản 200-300.000 cp/phiên mua bán thoái mái, vốn hoá đã gần 3.000 tỷ dồng (tăng gần gấp 10 lần).

PTB khi vốn hoá 300 tỷ đồng mua cả công ty, người ta sợ thanh khoản thấp, mua vào sợ “kẹp hàng", sợ vay nợ lớn, sợ cổ phiếu địa phương….đủ thứ mọi loại sợ và giá chỉ có 2x. Và đến bây giờ khi PTB đắt gấp 10 lần, thanh khoản tốt, cổ phiếu tăng trưởng liên tục, tây mua ta mua, không còn thấy ai sợ nữa, ai cũng tự tin, tràn trề lạc quan thì giá 140 (chưa tính cổ tức).

Như vậy, khi cổ phiếu thoả mãn tiêu chí của đám đông như thanh khoản lớn, dễ mua bán, tăng trưởng đều liên tục 3-5 năm thì đồng nghĩa với việc bạn phải móc tiền ra để trả cho những gì bạn cảm thấy “an toàn", và “chắc chắn". PTB 3 năm từ 2013 đến 2016, lợi nhuận chỉ tăng gấp 3 lần, nhưng giá cổ phiếu đã tăng gấp 10 lần, và 7 lần tăng thêm đó nhà đầu tư phải trả cho cái cảm giác “an toàn" và “chắc chắn" của mình. Hãy luôn nhớ rằng: Tất cả những gì nhìn thấy được trên TTCK đều phải trả giá bằng tiền.

Khi bạn thích hay ghét một cổ phiếu nào đó có nghĩa là bạn đang cho phép cảm xúc của mình chi phối lên quyết định đầu tư của các bạn. Và thông thường chúng ta thường đi tìm kiếm những luận cứ để củng cố cho niềm tin của chúng ta là đúng, ví dụ năm 2016 khi bạn thích CTD thì bạn sẽ tìm các cơ sở để chứng minh CTD là tuyệt vời nhất, còn khi bạn ghét HBC bạn sẽ đi tìm lý do bảo vệ cảm xúc đó, và đồng nghĩa với việc bạn bị mất đi cơ hội kiếm lời HBC gần 300% từ giá 18.000 đồng/ lên 57.000 đồng/cp.

Những “nguồn” ảnh hưởng đến cảm xúc trên thị trường chứng khoán

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ, đám đông trên thị trường rất thích nhìn bảng điện, sở dĩ là vì họ không định giá được doanh nghiệp, nên phải canh bảng thường xuyên, sợ ai đó họ bán mất phần mình. Theo dõi bảng điện càng nhiều thì cảm xúc càng dễ giao động bấy nhiêu, vì bản chất của thị trường chứng khoán là “luôn biến động", sự biến động, lên xuống của bảng điện sẽ ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của bạn, và sẽ dẫn tới việc ra quyết định sai, nhiều người bán cổ phiếu đúng đáy và mua cổ phiếu đúng đỉnh cũng là do trạng thái cảm xúc trên bảng điện tử. Khi nhận ra sai lại phải “cover" lại cổ phiếu, liên tục như vậy hiệu quả đầu tư không cao mà chi phí, thuế phải trả ra lại rất nhiều.

Một trong những nguồn ảnh hưởng đến cảm xúc của nhà đầu tư là các môi giới chứng khoán, họ là người phải nhìn bảng điện nhiều nhất và chịu chi phối lớn nhất bởi sự lên xuống, thất thường trên thị trường chứng khoán, nhưng lại thường xuyên tư vấn cho khách hàng của mình, nhà đầu tư một phần bị phân tâm do sự tác động của môi giới.

Các diễn đàn, group, facebook..cũng là thủ phạm làm xao nhãng và biến động tâm lý của nhà đầu tư, những nhà đầu tư nhỏ lẻ vì thiếu kiến thức nên tâm lý thường bất an, khi cổ phiếu xuống và thua lỗ thì thay vì tìm hiểu và đánh giá đúng doanh nghiệp để điều chỉnh lại quá trình đầu tư thì họ lại đi tìm kiếm “đồng minh" những người cùng hoàn cảnh với mình để chia sẻ, và nếu có ai đó phản biện lại cổ phiếu đó thì họ sẽ tỏ vẻ bực tức. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ họ cũng đang thua lỗ giống bạn không phải là “nơi" để bạn nhận được sự tư vấn cần thiết, nên việc la cà các diễn đàn mạng không phải là cách làm của một nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp.

Làm thế nào để kiểm soát được cảm xúc trên thị trường?

Dù bạn là nhà đầu tư hay đầu cơ trên thị trường chứng khoán thì bạn buộc phải có cho mình một hệ thống đầu tư khoa học và chuyên nghiệp, hệ thống đầu tư là “vô tri vô giác" nó không có cảm xúc, và bạn dựa vào hệ thống đầu tư của mình để ra quyết định. Bạn có thể phải tự mình xây dựng hệ thống đầu tư bằng những trải nghiệm, thất bại và mất mát của mình và liên tục điều chỉnh để hoàn thiện nó.

Hệ thống đầu tư của bạn có cho phép bạn mua hay không mua một cổ phiếu dựa trên những tiêu chí khoa học và luận cứ chính xác (giống như bạn đang phải giải bài tập về nhà). Không có cảm xúc trên thị trường nào chi phối việc bạn làm bài tập đó cả.

Khi bạn chú ý đến một cổ phiếu nào đó, hãy áp nó vào hệ thống của bạn dựa các tiêu chỉ cơ bản lẫn các tiêu chí kỹ thuật, nó sẽ giúp bạn lựa chọn cổ phiếu và thời điểm mua bán hợp lý chứ không phải là cảm xúc đang dẫn dắt bạn.

Đầu tư một cách có kế hoạch thay vì nhìn bảng điện tử

TTCK là biến động, những thành tích của những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp là nhìn theo chu kỳ của doanh nghiệp, hoặc xu hướng của cổ phiếu, chứ không phải nhìn bằng phiên. Định lượng cổ phiếu bằng nhìn xa, đôi khi cổ phiếu vừa mới tăng chút bạn đã sợ mất lãi nên chốt non hay khi cổ phiếu mới điều chỉnh lỗ trạng thái bạn đã vội bạn thì rất khó có thể vào lại khi cổ phiếu đó khi nó tăng, bạn chỉ có thể ngồi nhìn cổ phiếu tăng tiếp.

Một doanh nghiệp không phải cứ đầu tư, mở rộng sản xuất hay lãnh đạo hứa hẹn kế hoạch tăng trưởng tốt là đã mua mà đôi khi cần phải có kế hoạch đầu tư cụ thể.

Với những yếu tố cơ bản nào của doanh nghiệp “thay đổi" hay “xuất hiện" thì chúng ta mới có thể bị thuyết phục để mua cổ phiếu đó, ví dụ dự án đầu tư đã break khỏi điểm hoà vốn, hay khoản phải thu và tồn kho giảm mạnh hoặc nợ vay giảm….

Và khi đã chọn được cổ phiếu phù hợp tiêu chí cơ bản, thì còn phải lựa chọn điểm mua, vì điểm mua càng chuẩn thì giúp cho bạn tăng vị thế càng lớn, và khả năng chịu đựng rung lắc của bạn càng cao, do đó lại phải cần đánh giá tiêu chí kỹ thuật.

Khi nào cần phải mua? Mua với tỷ lệ bao nhiêu? Lúc nào điều chỉnh xuống có thể mua tiếp? Khi nào thì bán? Bán bao nhiêu? Mọi thứ phải được lên kế hoạch từ trước, chứ không phải thấy xanh thì mua và đỏ thì bán theo biến động của thị trường.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên tạp chí Forbes, tỷ phủ Warren Buffet từng nói: “Bạn không cần phải quá thông minh trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, nếu bạn có một chỉ số thông minh IQ là 160 điểm, thì bạn có thể cho người khác 30 điểm vì chứng khoán không cần nhiều đến sự thông minh như vậy. Điều quan trọng nhất mà bạn phải làm đó là kiểm soát cảm xúc, bạn phải suy nghĩ một cách độc lập để đưa ra kết luận, đừng nghe những gì mà người khác nói hãy dựa vào thực tế, số liệu và phân tích của bạn.”

Hoàng Đức Tân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên