Campuchia muốn cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo trắng
Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia đang kêu gọi các nhà xuất khẩu gạo trong nước tập trung hơn vào xuất khẩu gạo trắng để khai thác tiềm năng của thị trường gạo giá rẻ thế giới.
- 25-10-2020Nông dân Khánh Hòa nuôi cá mú đạt hiệu quả kinh tế cao
- 20-10-2020Cơ hội xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Australia
- 15-10-2020EVFTA: Nâng tầm cho gạo Việt
Ngành lúa gạo Campuchia đang chật vật để cạnh tranh với các nước láng giềng là Việt Nam và Thái Lan – hai nước cung cấp gạo trắng ra thị trường thế giới với giá rẻ hơn nhiều so với Campuchia – quốc gia chủ yếu xuất khẩu các loại gạo thơm hoặc gạo cao cấp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia, Veng Sakhon, mới đây đã kêu gọi các nhà xuất khẩu gạo trong nước tập trung hơn vào xuất khẩu gạo trắng để khai thác tiềm năng của thị trường gạo giá rẻ thế giới.
"Chúng ta chỉ tập trung vào gạo thơm cao cấp mà bỏ quên thị trường gạo trắng - nơi Việt Nam đang đáp ứng rất tốt nhu cầu của khách hàng quốc tế. Do đó, chúng ta nên chuyển sang chế biến nhiều gạo trắng hơn để xuất khẩu", ông Veng Sakhon nói.
Theo ông: "Nếu chỉ tiếp tục tập trung vào gạo thơm cao cấp ở một số thị trường, Campuchia sẽ tách mình ra khỏi nhóm các nước xuất khẩu gạo trên thế giới, và người trồng lúa sẽ khó phát triển, thu nhập cũng thiệt thòi".
Theo thông tin từ nguồn Khmer Times, Campuchia sản xuất hơn 10 triệu tấn thóc/năm, trong đó khoảng 3 triệu tấn là gạo thơm cao cấp. Số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này cho thấy, tính đến tháng 9/2020, Campuchia đã trồng 2,7 triệu ha lúa.
Tổng thư ký Liên đoàn gạo Campuchia (CRF), Lun Yeng, cũng cho rằng, Canmpuchia cần giải quyết vấn đề thị trường. Mặc dù vậy, ông cho rằng nếu muốn chế biến gạo trắng xuất khẩu thì Campuchia cần phải đưa giá gạo của mình về mức có thể cạnh tranh với các nước láng giềng trên thị trường quốc tế.
"Chúng tôi không thể sản xuất trên quy mô lớn với chi phí cao mà lại bán với giá thấp. Chúng tôi hiểu rằng những khó khăn của mình luôn là các vấn đề chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển cao", ông Yeng nói.
Cũng theo ông Yeng: "Chi phí sản xuất và vận chuyển của Việt Nam thấp (hơn chúng tôi), và gạo trắng được đưa thẳng vào tàu dưới dạng hàng rời…. Chúng tôi thực sự muốn làm như vậy, nhưng nếu làm thế chúng tôi sẽ không có lợi nhuận, vì giá thành sản xuất của chúng tôi cao nên không thể bán giới giá thấp".
Ông Yeng cho biết, Campuchia đã xuất khẩu 30% sản lượng gạo trắng của mình, chủ yếu sang thị trường Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, EU đã áp dụng các biện pháp tự vệ đối với gạo Campuchia nên giờ đây Campuchia không thể cạnh tranh được trên thị trường Châu Âu. Vì vậy, "gạo thơm vẫn là thế mạnh của chúng tôi trên thị trường thế giới. Chúng tôi không tập trung vào số lượng. Điều quan trọng là chúng tôi có thể có lãi từ sản xuất gạo, và đồng thời đảm bảo dự phát triển của ngành lúa gạo".
Campuchia hiện có tổng cộng 70 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong đó 60 doanh nghiệp là thành viên của CRF. Nước này có tổng cộng 120 nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với công suất chế biến tổng cộng 1,2 triệu tấn/năm.
Nước này đã xuất khẩu 488.775 tấn gạo (quy xay) trong 9 tháng đầu năm 2020, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này thấp xa so với 2,89 triệu tấn của Thái Lan chỉ trong nửa đầu năm 2020 (mặc dù mức đó bị giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái) và so với 3,5 triệu tấn của VIệt Nam (tăng 5,6%). Đất nước Chùa Tháp dự kiến sẽ xuất khẩu 800.000 tấn gạo xát trong năm nay, và nâng lên 1 triệu tấn vào năm 2022.
Tham Khảo: New Straits Times