MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần 10 cơ chế đặc thù cho Vành đai 4 TP HCM

Cơ chế, chính sách đặc thù đối với dự án đường Vành đai 4 TP HCM sẽ giải quyết vướng mắc cho các địa phương, qua đó đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đông Nam Bộ.

UBND TP HCM và các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An vừa thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 10 cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP HCM.

Nhiều vướng mắc

Theo Quyết định 1698/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TP HCM, tuyến này đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An; là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/giờ.

Kênh Thầy Cai - khu vực giáp ranh TP HCM và Long An, nơi tuyến Vành đai 4 TP HCM đi qua Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Kênh Thầy Cai - khu vực giáp ranh TP HCM và Long An, nơi tuyến Vành đai 4 TP HCM đi qua .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Quyết định 1454/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện đường Vành đai 4 TP HCM là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy mô 8 làn xe và đầu tư trước năm 2030.

Qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về quy mô dự án của các địa phương, tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 TP HCM trên 200 km, khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) hơn 128.000 tỉ đồng, trong đó phần giải phóng mặt bằng 51.291,2 tỉ đồng. 

Đến nay, các địa phương cơ bản hoàn tất công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án của đường Vành đai 4 TP HCM, dự kiến trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong quý IV/2024.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, các địa phương gặp một số vướng mắc. Đó là chưa có cơ chế cho các tỉnh, thành được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư. Cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công cũng chưa rõ ràng...

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường Vành đai 4 TP HCM, UBND TP HCM đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh có dự án đi qua thống nhất cần nghiên cứu, đề xuất 10 cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng chung cho toàn bộ tuyến này, trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Tháo gỡ bằng cơ chế đặc thù

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Hòa An, đường Vành đai 4 TP HCM có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.

Ông Bùi Hòa An khẳng định cơ chế đặc thù sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương. Ảnh: PHAN ANH

Ông Bùi Hòa An khẳng định cơ chế đặc thù sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều địa phương. Ảnh: PHAN ANH

Ông An cho hay Nghị quyết 24/2022 của Bộ Chính trị đã xác định đến năm 2030 phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 TP HCM. Ngoài ra, ngày 7-6-2024, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 483 bổ sung dự án đường Vành đai 4 TP HCM vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án đồng bộ, hiệu quả, cần những cơ chế, chính sách mang tính đặc thù kèm theo.

Theo ông An, dự án Vành đai 4 TP HCM có tổng mức đầu tư lớn và kỹ thuật phức tạp, đi qua nhiều địa phương nên cơ chế đặc thù về vốn; quy hoạch; khai thác khoáng sản để làm vật liệu xây dựng thông thường; trình tự thủ tục, thẩm quyền thẩm định đầu tư xây dựng các dự án xây dựng tuyến đường; về quản lý công trình sau đầu tư và một số cơ chế khác... là rất cần thiết.

"Nếu các cơ chế, chính sách đặc thù này được áp dụng cho đường Vành đai 4 TP HCM thì sẽ tháo gỡ khó khăn cho những địa phương có tuyến đường đi qua"- ông An nhận định.

Sớm thực hiện sứ mệnh

Nhiều chuyên gia nhìn nhận tính cấp bách của việc làm đường Vành đai 4 TP HCM.

Bởi lẽ, dự án này không dừng lại ở vai trò giãn mật độ phương tiện mà còn mang sứ mệnh đón đầu tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. 

Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả tuyến Vành đai 3 và tạo ra trục giao thương cảng biển, sân bay Long Thành, các trung tâm logistics mới. Xây dựng đường Vành đai 4 TP HCM sẽ giải quyết nhu cầu luân chuyển hàng hóa tăng cao trong bối cảnh hiện tại và tương lai.

PGS-TS Nguyễn Văn Trình, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Vùng và Đô thị, nhìn nhận đây là dự án rất quan trọng, mở ra sự kết nối giao thông nội vùng và với các vùng khác; thúc đẩy lưu thông hàng hóa, hành khách giữa các vùng; thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông cho cả khu vực phía Nam chứ không chỉ vùng Đông Nam Bộ. Từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Vì vậy, cần cơ chế điều phối để thúc đẩy xây dựng tuyến này nhanh, thay vì gặp nhiều trở lực như hiện nay.

Với vị trí, vai trò quan trọng của tuyến Vành đai 4 TP HCM, ông Trình cho rằng Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ nên vào cuộc khẩn trương hơn để đẩy nhanh tiến độ. Hội đồng điều phối vùng có bộ máy gồm các cơ quan Trung ương và địa phương nên sẽ giúp thực hiện nhanh dự án. 

Những kiến nghị đáng chú ý

Trong 10 cơ chế, chính sách đặc thù mà UBND TP HCM và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất kiến nghị Thủ tướng, có nội dung giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP HCM.

Bên cạnh đó, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua địa bàn giáp ranh (như cầu Thủ Biên giữa Đồng Nai - Bình Dương).

Khu vực cầu Thủ Biên có tên trong kiến nghị gửi lên Thủ tướng  Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Khu vực cầu Thủ Biên có tên trong kiến nghị gửi lên Thủ tướng .Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu được kiến nghị là 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án, riêng Long An 75%.

Ngoài ra, cho phép tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư. Trong 2 năm kể từ khi nghị quyết về Vành đai 4 được Quốc hội thông qua, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... là những kiến nghị quan trọng tiếp theo.

TP HCM và các tỉnh cũng thống nhất đề xuất cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và cơ chế quản lý công trình sau đầu tư.


Theo Nguyễn Phan

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên