MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Căn bệnh của xã hội hiện đại không "buông tha" cho cả trẻ nhỏ và đây là những điều phụ huynh phải biết để cứu con

21-06-2018 - 23:20 PM | Sống

Sự mất cân bằng hóa học trong não bộ của trẻ gây ra chứng trầm cảm lâm sàng. Việc nhận biết những dấu hiệu bệnh sớm ở trẻ để có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng có thể bị trầm cảm dẫn đến những nguy hiểm tiềm ẩn cho sức khỏe và cuộc sống của trẻ. Dưới đây là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ em và cách cha mẹ có thể giúp con vượt qua.

Dấu hiệu trầm cảm sớm ở trẻ em

Theo Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tâm thần (DSM), tài liệu được các chuyên gia sử dụng để chẩn đoán rối loạn tâm thần, nếu trẻ có tối thiểu 5 hành vi chán nản bất thường dưới đây, kéo dài hai tuần hoặc lâu hơn thì cha mẹ nên quan tâm và kiểm tra sức khỏe tâm lý của trẻ.

- Trẻ thường xuyên mang tâm trạng buồn chán, chán nản vào cuối ngày.

- Trẻ mất đi sự hứng thú và không tập trung với các hoạt động (phần lớn thời gian trong ngày hoặc cả ngày)

- Trẻ bị giảm cân đáng kể (không đạt mức trọng lượng theo tiêu chuẩn so với độ tuổi), hoặc không có ham muốn ăn uống.

- Trẻ mắc chứng khó ngủ, mất ngủ.

- Trẻ thường biểu hiện tâm trạng dễ bị kích động, căng thẳng rõ ràng hoặc lười biếng vận động. Mệt mỏi và mất năng lượng.

- Trẻ không tập trung, khó đưa ra quyết định hàng ngày. Điều này có thể được phản ánh trong quá trình học tập của trẻ.

- Tìm hiểu về cái chết hoặc có ý định tự tử.

Lưu ý rằng nếu trẻ cảm thấy buồn bã và có những biểu hiện trên khi bị mất đi vật yêu thích hoặc người thân thì đây là điều bình thường. Nếu trẻ đang bị mắc kẹt trong cảm xúc đau buồn, chán nản thì người lớn cần dành thời gian để trò chuyện, giúp con vượt qua cảm xúc buồn chán. Tuy nhiên, trong thời gian lâu dài, tâm lý và cảm xúc trẻ không cải thiện thì nên để trẻ gặp gỡ chuyên gia để chẩn đoán và điều trị tâm lý.

Căn bệnh của xã hội hiện đại không buông tha cho cả trẻ nhỏ và đây là những điều phụ huynh phải biết để cứu con  - Ảnh 1.

Không khí tiêu cực trong gia đình có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở trẻ.

Mọi cảm xúc của trẻ đều rất chân thật. Do đó, không nên coi nhẹ nếu trẻ có những biểu hiện của bệnh trầm cảm sớm. Đặc biệt, khi trẻ từng nhắc đến ý định tự tử hoặc muốn tìm hiểu về cái chết. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), tỉ lệ người trầm cảm dẫn đến tự tử cao thứ hai trong độ tuổi từ 10 đến 34. 

Để chắc chắn về sức khỏe tâm lý của trẻ khi chúng có biểu hiện buồn chán trong thời gian dài, các chuyên gia khuyến khích cha mẹ nên đưa con đến bác sĩ tâm lý nhi khoa để họ đánh giá và có biện pháp can thiệp đúng đắn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, trẻ có thể được điều trị bằng các biện pháp tự nhiên hoặc điều trị bằng thuốc.

Liệu pháp điều chỉnh hành vi nhận thức là một trong những phương pháp trị liệu hàng đầu trong điều trị trầm cảm ở trẻ em. Đối với trẻ nhỏ, chơi trị liệu rất hữu ích vì trẻ có thể giao tiếp tốt hơn, giảm thời gian trẻ tự trò chuyện một mình.

Cha mẹ nên can thiệp thế nào nếu con có dấu hiệu trầm cảm sớm?

Bên cạnh việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia thì chính bản thân cha mẹ phải có tác động giúp đỡ trẻ. Sự can thiệp đúng đắn của cha mẹ và người thân trong gia đình thường đem lại kết quả cao hơn, giúp trẻ thoát khỏi trầm cảm nhanh chóng.

1. Trò chuyện với trẻ về cảm xúc của chúng một cách từ bi và đồng cảm. Đừng ngại ngùng hoặc gây áp lực khi hỏi con về những cảm xúc của chúng. Để giảm bớt căng thẳng cho trẻ thì cuộc trò chuyện có thể diễn ra khi đi dạo, hoặc làm theo sở thích của con để chúng mở lòng hơn.

Nên gợi ý để trẻ được nói chuyện nhiều hơn là những câu trả lời đơn giản, ngắn gọn. Không nên chỉ trích, so sánh hoặc đánh giá trẻ trong thời điểm này để tránh gây tổn thương cho trẻ khiến chúng tránh né cuộc trò chuyện với người khác. Nhưng cũng không nên ép buộc trẻ phải nói chuyện mà hãy cho phép trẻ có thời gian im lặng bởi chúng đang xử lý suy nghĩ và cảm xúc.

2. Để trẻ tham gia các hoạt động thư giãn và giảm căng thẳng. Đối với trẻ nhỏ, có nhiều cách đơn giản để giúp trẻ thư giãn như tô màu, chơi đất sét, hoặc chơi với đồ chơi cát... Tìm các hoạt động mà trẻ cảm thấy hứng thú, phù hợp với độ tuổi của trẻ.

3. Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị công nghệ thông minh. Công nghệ không hữu ích trong việc giúp trẻ bớt trầm cảm. Nên giới hạn thời gian trẻ xem TV, sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính. Bất kỳ thiết bị điện tử nào ngăn cản trẻ tương tác với mọi người đều phải hạn chế. Bởi những đứa trẻ có thời gian sử dụng màn hình nhiều có nguy cơ bị lo âu và trầm cảm cao hơn.

Hãy khuyến khích và cùng trẻ giải trí bằng các hoạt động bổ ích khác như đi bộ, vẽ, đạp xe, các hoạt động ngoài trời.

4. Giúp trẻ giải quyết các vấn đề và nhiệm vụ khó khăn. Khi trẻ đối mặt với những vấn đề khó khăn, chúng thường có biểu hiện lo lắng và rất dễ rơi vào áp lực, trầm cảm. Do đó, hãy hỗ trợ trẻ bằng cách đưa ra những lời gợi ý, giúp con chia nhỏ nhiệm vụ thành các nhiệm vụ nhỏ hơn và dễ dàng thực hiện hơn sẽ giúp nâng cao sự tự tin của trẻ.

5. Giúp trẻ giảm căng thẳng. Khi bị trầm cảm, trẻ gặp khó khăn hơn trong việc xử lý các hoạt động nói chung. Cha mẹ nên lưu ý giảm bớt các hoạt động gây căng thẳng cho trẻ và tìm cách giúp trẻ lấy lại sự hứng thú với các hoạt động đó.

6. Nuôi dưỡng bầu không khí tích cực với trẻ. Không nên có thái độ, ngôn ngữ và cuộc trò chuyện tiêu cực với trẻ bị trầm cảm. Cũng tránh tiếng nói lớn, hành vi hung hăng thụ động và bất kỳ hình thức bạo lực thể chất nào trong nhà, tránh trẻ trở nên kích động. Biến ngôi nhà của bạn trở thành môi trường yên tĩnh giúp con cảm thấy an toàn về tinh thần, tình cảm và thể chất.

7. Giúp trẻ nhìn thấy mặt tích cực trong cuộc sống. Chỉ ra những mặt tích cực giúp trẻ cảm nhận được sự tươi sáng, vui vẻ thay vì những suy nghĩ và lời nói tiêu cực tác động xấu đến tâm trí của trẻ.

8. Tin tưởng trẻ khi chúng nói về cảm giác của bản thân. Lắng nghe trẻ một cách kiên nhẫn và nghiêm túc. Cha mẹ cần thể hiện sự thấu cảm và lắng nghe khi trẻ chia sẻ về cảm xúc của chúng. Khuyến khích trẻ chia sẻ nhiều hơn, thay vì che giấu hành vi và tâm trạng của mình.

9. Theo dõi dấu hiệu hành vi tự sát. Đừng nghĩ việc trẻ nhắc đến cái chết hoặc muốn tự sát chỉ là lời nói không đáng để tâm của trẻ. Bởi rất có thể chúng đang cảm thấy buồn chán, bế tắc và tuyệt vọng với cuộc sống. Nguyên nhân cũng có thể bắt nguồn từ những điều vô cùng đơn giản mà chính cha mẹ không hề để ý.

Tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý ngay lập tức nếu trẻ từng nhiều hơn 1 lần nhắc đến ý định tự tử.

10. Dành thời gian nhiều hơn bên cạnh trẻ mỗi ngày

Căn bệnh của xã hội hiện đại không buông tha cho cả trẻ nhỏ và đây là những điều phụ huynh phải biết để cứu con  - Ảnh 2.

Dành thời gian trò chuyện với trẻ mỗi ngày là cách hữu ích nhất giúp trẻ vượt qua tâm trạng buồn chán.

Chính việc cha mẹ quá bận rộng với công việc, không thật sự để tâm đến con cái là một trong những nguyên nhân khiến tâm lý trẻ bất ổn. Bạn có thể bận rộn đến mức nào cũng đừng quên mỗi ngày dành tối thiểu 20 phút để cùng trò chuyện với con của mình.

11. Hãy khích lệ và ủng hộ trẻ. Giữ thái độ tích cực để trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi sự tích cực của cha mẹ. Thể hiện tình yêu, sự ủng hộ và khích lệ với trẻ thay vì tỏ ra tức giận, thậm chí bạo lực với con cái.

12. Giúp trẻ sống lành mạnh. Ngủ đủ giấc là yếu tố rất quan trọng giúp cải thiện tâm trạng của trẻ. Trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 18 cần ngủ từ 8 - 12 tiếng mỗi đêm. Bên cạnh đó, cần đảm bảo trẻ được ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục hàng ngày.

13. Giúp trẻ nuôi dưỡng mối quan hệ tích cực với bạn bè. Khuyến khích trẻ tích cực giao tiếp với những người xung quanh và duy trì mối quan hệ tốt với các bạn bè trong lớp.

14. Hạn chế tối đa để xảy ra tình trạng trẻ bị bắt nạt. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra trầm cảm của trẻ, vì vậy hãy thảo luận về cuộc sống của trẻ bên ngoài và sự tương tác của trẻ với bạn bè. Giúp chúng nhận thức vấn đề bắt nạt và bị bắt nạt cần xử lý đúng đắn như thế nào.

Trầm cảm ở trẻ hoàn toàn có thể chữa trị được. Những can thiệp đối với trẻ bị trầm cảm cần được thực hiện trong một môi trường chuyên nghiệp, ở nhà và trường học. Tuy nhiên, quá trình có thể mất một tháng hoặc lâu hơn, vì vậy hãy kiên nhẫn và chia sẻ với con bạn.

Nguyễn Nguyễn

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên