Căn bếp màu trắng rộng 7m2 theo phong cách tối giản nhưng không tẻ nhạt
Từng sắc độ trắng của mỗi vật dụng tự kết hợp với nhau, ẩn hiện lồng ghép vào nhau tạo nên một không gian vô cùng sáng sủa và tinh tươm cho căn bếp nhỏ đầy xinh xắn này.
- 10-03-2023Tư vấn cách sắp xếp căn bếp nhỏ nhưng vẫn đầy đủ công năng, sạch đẹp
- 23-02-2023Căn hộ đặc biệt khi sở hữu đến 2 căn bếp của gia đình 5 người
- 10-02-2023Ngắm nghía những căn bếp 'vạn người mê': Căn của Diệp Lâm Anh nổi bật sắc trắng đẳng cấp, nhà thơ trẻ lại thích phong cách thô mộc
Không thể phủ nhận, màu trắng là gam màu sáng, tạo cảm giác sạch sẽ và làm nổi bật tất cả các loại đồ dùng, thiết bị; nhưng nó cũng dễ khiến người khác cảm thấy đơn điệu, tẻ nhạt. Do đó, dù được lòng khá nhiều chị em phụ nữ nhưng không phải ai cũng "dám" đưa gam màu này vào thiết kế của căn nhà.
Đi ngược số đông, Dương Quỳnh Anh (sinh năm 1988, hiện đang sống ở quận Bình Thạnh, TP. HCM) đã thiết kế căn bếp với tông màu trắng cực thu hút.
Theo Quỳnh Anh, với diện tích gian bếp hẹp như thế này, mọi người nên cố gắng vun vén sao cho diện tích vị trí rửa và nấu trống trải nhiều nhất nhằm tối ưu hoá về sự thoáng đãng tại khu vực sơ chế và nấu nướng.
"Căn nhà này được hình thành dựa trên những ý tưởng phác thảo của bản thân mình, kèm theo một vài thiết kế gợi ý mà mình góp nhặt được từ nhiều nguồn khác nhau, dựa trên những cân nhắc về công năng sử dụng và sở thích của từng thành viên trong gia đình, kết hợp với một số góp ý mang tính chuyên môn của đơn vị thiết kế và thi công (3T Design - Construction) nữa." - Quỳnh Anh chia sẻ về việc chắt lọc, xây dựng ý tưởng để có được căn bếp với gam màu trắng tinh tế này và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi nhận được sự hỗ trợ, góp ý từ nhiều phía.
Đối với những đồ vật chỉ động đến vài lần trong ngày như: nước rửa chén, gia vị nấu ăn, bộ dao thớt, rổ, xoong nồi…: Nếu không mang tính chất trang trí (đồng bộ về kiểu dáng, màu sắc, chất liệu hoặc mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó…) thì nên “giấu” đi, chỉ mang ra khi cần để giảm bớt đi sự rối rắm, lỉnh kỉnh trong không gian tổng thể và tạo thêm khoảng không cho bề mặt bếp.
Khẳng định việc sử dụng tông màu trắng cho căn bếp là điểm đặc biệt khiến bản thân hài lòng và yêu thích nhất, Quỳnh Anh nói thêm: "Sau một khoảng thời gian ra ở riêng, tự tay mua sắm các vật dụng trong gia đình, mình đúc kết được một điều rằng nếu không thực sự biết cách "chơi màu" thì cứ quy hết về một tông màu sẽ là an toàn nhất. Và mình đã lựa chọn màu trắng - một màu rất cơ bản đối với các thiết bị điện tử thông dụng. Có thể nhiều người "ngại" màu trắng vì sợ "màu dơ", nhưng với mình, màu nào cũng sẽ trở nên dơ hoặc trông sẽ dơ nếu không được một đôi tay chăm chút thường xuyên.
Nếu là mình của nhiều năm trước, màu mặt đá bếp, màu kệ tủ hoặc màu tường mình thường sẽ ưu tiên có chút màu sắc nổi bật để tạo điểm nhấn, nhưng lần này mình quyết định sử dụng một tông trắng sáng cho cả gian bếp, cũng như toàn bộ căn nhà. Và thực sự sau khi hoàn thành, màu trắng không hề tẻ nhạt như điều mình lo lắng trước đó mà từng sắc độ trắng của mỗi vật dụng sẽ tự kết hợp với nhau, ẩn hiện lồng ghép vào nhau tạo nên một không gian vô cùng sáng sủa và tinh tươm."
Cố gắng sắp xếp các thiết bị điện tử như: lò vi sóng, lò nướng, nồi cơm điện, bình đun siêu tốc… cách biệt một chút so với vị trí bồn rửa và bếp lò. Đây cũng là cách để mặt bếp trông rộng hơn, thuận tiện nhiều hơn cho thao tác nấu nướng, dọn dẹp và lau chùi mỗi ngày.
Để có thể thiết kế hoàn chỉnh 1 gian bếp vừa ý như hiện tại, Quỳnh Anh cũng từng gặp không ít những sự thiếu thoải mái ở những không gian bếp trước kia khi chưa hiểu được bản thân đang thực sự mong muốn điều gì.
"Để trải nghiệm nhiều kiểu không gian sinh hoạt khác nhau, vợ chồng mình thường xuyên thay đổi môi trường sống cho gia đình. Nhờ vậy, mình cũng có khá nhiều cơ hội tự tay sắp xếp và trang trí nhà cửa. Mình yêu thích việc luôn làm mới không gian sống nên thời gian rảnh mình thường hay tham khảo những nội dung về nội thất, như trên trang Pinterest chẳng hạn.
Ban đầu, mình sắp xếp nhà cửa, bếp núc dựa trên cảm tính rất nhiều. Không ít lần vừa sắp xếp xong hôm nay, hôm sau lại cảm thấy không ưng mắt, phải lọ mọ tìm cách thay đổi lại. Nhưng sau một thời gian học hỏi, tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng, đặc biệt là Pinterest, mình cũng dần hiểu được bản thân thực sự muốn gì, từ đó, gu mua sắm, sắp xếp nhà cửa cũng dần được định hình theo." - Quỳnh Anh vui vẻ nói.
Để tạo thêm cảm giác rộng rãi về mặt thị giác, hãy để các vật dụng nhà bếp tự “ẩn mình” bằng cách đồng bộ hóa màu sắc của chúng với nhau, với màu sơn tường hoặc màu tủ/kệ. Với cách này, không gian bếp nhà mình tự khắc cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn vì vô tình đã tránh được phần lớn các “lỗi” cơ bản về màu sắc (đối với người không thực sự giỏi về “chơi màu” như mình) như màu chỏi, rối màu… Ngoài ra, hãy điểm xuyết thêm một vài mảng xanh tự nhiên để không gian bếp thêm phần tươi mát cũng là một cách lọc không khí đơn giản cho gian bếp nhà mình.
Nói về các vật dụng trong nhà bếp, Dương Quỳnh Anh cho biết mình không mua sắm mới toàn bộ cho căn bếp này. Sau khi đã chọn lọc lại, ngoại trừ máy rửa chén và lò nướng, tất cả những vật dụng còn lại là đồ mà gia đình đã sử dụng từ trước. Riêng với phần nội thất dính tường như tủ, kệ, mặt đá… là được làm mới hoàn toàn.
Có thể thấy, một gian bếp với diện tích vô cùng có hạn - chỉ 7m2 nhưng vẫn đầy đủ những công năng cơ bản và mang cảm giác thoải mái, dễ chịu cho người sử dụng này được hình thành không chỉ nhờ kinh nghiệm, sự tìm hiểu và ham học hỏi mà còn bởi Quỳnh Anh biết rõ cũng như cân bằng được yếu tố "cần và đủ" - điều mà rất nhiều người biết nhưng không phải ai cũng làm được.
"Mình làm căn bếp này sau khi bản thân đã thực sự hiểu mình muốn gì, nên đối với mình, đây là căn bếp theo đúng nghĩa "cần và đủ". Mình đã đào thải đi những gì gọi là "dư thừa" trong quá trình vào bếp của mình. Những thứ hiện hữu trong căn bếp hiện giờ là những vật dụng mình thường xuyên sử dụng, những món đồ vừa để dùng, vừa để trang trí, tất cả mọi thứ tạo nên một chiếc bếp đúng như những gì mình mong ước và ấp ủ trong suốt nhiều năm qua."
(Ảnh: NVCC)
Phụ nữ Việt Nam