MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần bịt kẽ hở sử dụng vốn ODA

Thực tế sử dụng nguồn vốn ODA đã phát sinh nhiều bất cập và việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này vẫn là một bài toán khó.

Nhiều bất cập sử dụng vốn ODA

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến nay Việt Nam đã ký 84 tỷ USD vốn ODA, dư nợ nước ngoài Chính phủ đến năm 2017 là gần 46 tỷ USD, hơn 20% GDP và tỷ lệ ODA giải ngân/nợ nước ngoài Chính phủ chiếm 7,9%, đòi hỏi phải sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả hơn.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 đánh giá, chủ trương huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là đúng đắn, kịp thời, góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng trong hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, chuyển giao công nghệ, tiếp thu khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước trên thế giới, tạo nhiều việc làm, khơi thông các nguồn lực tiềm năng của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối của Đảng, đổi mới đất nước, nâng cao đời sống nhân dân.

Cần bịt kẽ hở sử dụng vốn ODA - Ảnh 1.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA. (Ảnh: Phi Long/VOV.VN)


Theo báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội, giai đoạn 2011-2016, Việt Nam đã ký hiệp định vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi với trị giá 33,643 tỷ USD tỷ USD, cao hơn gấp đôi so với thời kỳ trước. Tổng giải ngân  khoảng 28 tỷ USD, trong đó giải ngân vốn vay ODA là 23,2 tỷ USD chiếm 82,3%, vốn vay ưu đãi là 3,2 tỷ USD chiếm 11% tổng trị giá giải ngân.Tuy nhiên, đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quản lý và sử dụng vốn ODA: Nhiều về số lượng dự án nhưng không nhiều các dự án có quy mô lớn, một số dự án hiệu quả thấp. Tính đồng bộ, tính bền vững của nhiều dự án chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến lãng phí nguồn lực, chưa có sức lan tỏa cao. Trong đàm phán, ký kết một số hiệp định còn tồn tại những điều kiện ràng buộc từ phía nhà tài trợ gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, một số dự án kéo dài thời gian chuẩn bị, làm giảm tính cấp thiết, tăng phí cam kết phải trả, công nghệ tiếp nhận trở nên lạc hậu. Một số dự án phải tăng tổng mức đầu tư, tăng quy mô, kéo dài thời gian hoàn thành làm tăng nghĩa vụ trả nợ, gây lãng phí lớn. Việc xây dựng kế hoạch vốn, phân bổ vốn có lúc còn chậm, chưa sát với nhu cầu thực tế; việc giải ngân chưa đảm bảo tiến độ, có trường hợp chưa tuân thủ cam kết với nhà tài trợ. Giải phóng mặt bằng ở nhiều dự án vướng mắc, kéo dài thời gian thi công, đội vốn nhiều lần so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Đã có không ít dự án phải điều chỉnh tăng vốn đầu tư gấp nhiều lần so với phê duyệt ban đầu, phổ biến nhất là dự án đường sắt đô thị. Chẳng hạn, dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thanh Long - Trần Hưng Đạo tăng từ gần 20.000 tỉ đồng lên khoảng 52.000 tỉ đồng và sau thẩm định được hạ xuống gần 33.569 tỉ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến 1 đoạn Bến Thành - Suối Tiên từ hơn 17.000 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng. Tương tự, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tăng từ 8.769 tỉ đồng lên hơn 47.000 tỉ đồng; dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội vay của Pháp, ADB tăng từ 783 triệu euro lên hơn 1,17 tỉ euro…

Cần bịt kẽ hở

ODA dù mang mục đích tốt đẹp đến chừng nào đi nữa cũng là tiền đi vay. Đến lúc phải nhìn nhận lại hiệu quả sử dụng đồng vốn ODA, “ODA thế hệ mới” đã được bàn đến, nhưng nếu không bịt kẽ hở thì dù có bao nhiêu tiền cũng khó phát huy được hiệu quả.

Bộ KH&ĐT cảnh báo, một số khoản vay ưu đãi có kèm theo điều kiện ràng buộc về kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn nhà thầu khiến chi phí vay thực tế có thể cao hơn nhiều so với đấu thầu cạnh tranh.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT nêu những điểm bất cập của nguồn vốn ODA từ các đối tác song phương, tiêu biểu là vốn vay từ Trung Quốc. Vốn vay ưu đãi của Trung Quốc cho Việt Nam tương tự các khoản vay tín dụng xuất khẩu, là các khoản vay có điều kiện (chỉ định thầu cho các DN Trung Quốc) và kém ưu đãi hơn so với ODA của các nhà tài trợ khác.

Vốn vay Trung Quốc đi kèm điều kiện lãi suất khoảng 3%/năm, phí cam kết 0,5%, phí quản lý 0,5%, thời hạn vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm và được cung cấp qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Như vậy, các khoản tín dụng ưu đãi chỉ phù hợp cho các dự án có nguồn thu trực tiếp, có khả năng trả nợ. Còn các dự án sử dụng vốn vay, nhà thầu, thiết bị Trung Quốc thường xuyên chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng, tăng tổng mức đầu tư... ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.

Do đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc việc vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Trung Quốc.

Chuẩn bị rút lui vốn ODA?

Trong định hướng mới về thu hút và sử dụng vốn vay nước ngoài của Chính Phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất vốn vay ODA và vay ưu đãi chỉ nên chiếm 30-50% tổng mức đầu tư dự án, đóng vai trò vốn mồi, chất xúc tác cho nguồn vốn khác.

Ưu tiên sử dụng dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn như giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng, nông nghiệp thông minh, kích thích hoạt động xuất khẩu… Hạn chế sử dụng vốn vay nước ngoài để tài trợ cho nhu cầu mua sắm nội địa vì làm tăng nợ công nhưng không cải thiện năng lực trả nợ quốc gia.

Cần bịt kẽ hở sử dụng vốn ODA - Ảnh 2.

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Việt Nam cần chuẩn bị cho chiến lược rút lui bởi vốn ODA chỉ là kênh huy động ngoại tệ tạm thời. Lợi ích lớn nhất của vốn vay nước ngoài là có nguồn ngoại tệ để tiếp cận công nghệ, tài sản đầu tư và kiến thức chuyên môn tiên tiến. Về lâu dài, cần có chiến lược để tiếp cận các yếu tố đó mà không cần ODA, Bộ KH&ĐT đề xuất.

Phát biểu tại Diễn đàn chuyên đề Vốn - Tài chính mới đây, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, trước đây, nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào vốn ODA và FDI nhưng những năm gần đây, vai trò của nội lực ngày càng thể hiện rõ nét. Dự kiến, vốn ODA trong thời gian tới sẽ giảm.

Cần bịt kẽ hở sử dụng vốn ODA - Ảnh 3.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - đầu tư

Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - đầu tư, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, trước đây có tâm lý chủ quan, địa phương, ngành nào cũng tranh thủ xin vốn ODA mà không nghĩ đó là nợ công quốc gia. Vì thế, có những dự án chưa thực sự cần đầu tư nhưng tâm lý có vốn ODA nên cứ xin đầu tư. Điều này khiến sử dụng có phần lãng phí.

Do đó, thời gian tới, cần thật sự chọn lựa dự án đầu tư và tránh bị động theo hướng tư vấn của nước cấp ODA, TS. Hiển nêu quan điểm.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VAY ODA VÀ VỐN VAY ƯU ĐÃI NƯỚC NGOÀI nêu rõ:

Đối với vốn vay ODA, cần tập trung cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp quy hoạch, phát huy tối đa hiệu quả dự án.

Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí ký kết các hiệp định vay nợ, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, tạo cơ sở để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định, bảo đảm quyền lợi của nước tiếp nhận nguồn vốn; loại bỏ các dự án không thực sự cấp bách, không phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế và khả năng trả nợ, không vay cho chi thường xuyên.

Xây dựng định hướng huy động, đổi mới nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài trong thời gian tới.

Nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan tổ chức khi để xảy ra các sai phạm và xử lý theo quy định; khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong huy động, đàm phán, ký kết, quản lý, sử dụng, giải ngân ODA.

Cung cấp thông tin công khai, minh bạch, kịp thời cho các địa phương về Nhà tài trợ, các lĩnh vực, điều kiện cung cấp nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của từng Nhà tài trợ./.


Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên