MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cán bộ Bộ Công Thương liên tiếp bỏ trốn: Tiền lệ xấu...

12-12-2016 - 10:42 AM | Xã hội

Các cán bộ bỏ trốn đều là người từng làm trong lĩnh vực dầu khí và được cho là để xảy ra sai phạm dẫn đến thua lỗ thất thoát tài sản.

Lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ

Tiếp tục chia sẻ về việc hàng loạt cán bộ của Bộ Công Thương như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng viện cớ ra nước ngoài rồi bổ trốn, trao đổi với Đất Việt, TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM khẳng định, có những vấn đề tiêu cực, sai phạm cần phải làm rõ chứ không đơn giản là trùng hợp ngẫu nhiên.

Theo TS Tín, đây là những cán bộ từng làm trong ngành dầu khí đều có liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh rồi sau đó mới chuyển sang các vị trí công tác khác.

Đặc biệt, theo số liệu từ tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVC) thì đơn vị này bị lỗ gần 3000 tỷ năm 2013 dưới thời ông Thanh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty PVC.

“Nó vừa là sự trùng hợp nhưng cũng có những vấn đề ở trong đó, chứ không đơn giản. Hơn nữa một số công ty con của PVC cũng đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra chứ không phải trong thời gian bình thường. Và ông Dũng cũng đã cảm nhận được độ nóng của việc này nên đã đi ra nước ngoài”, TS Tín nhấn mạnh.

Nhiều cán bộ Bộ Công Thương liên tiếp bỏ trốn
Nhiều cán bộ Bộ Công Thương liên tiếp bỏ trốn

Đồng quan điểm, GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội đánh giá, đây là một sự báo động đối với công tác cán bộ ở các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Vị giáo sư lo lắng trước tình trạng lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp nắm giữ, quản lý một lượng tài sản và lao động lớn của nhà nước. Nhưng trong quá trình điều hành đã thiếu trách nhiệm, xảy ra nhiều thua lỗ, thất thoát. Và khi mọi chuyện vỡ lở, bị báo chí phanh phui và các cơ quan nhà nước tiến hành điều tra thì có xu hướng bỏ chạy.

“Họ là những người hiểu biết, nắm rõ các quy định của pháp luật, Luật công chức. Càng hiểu biết mà làm chuyện đó thì không thể chấp nhận được.

Tư tưởng trốn tránh nhiệm của những cán bộ này đã làm suy giảm và tổn hại lòng tin của người dân với nhà nước, với các cơ quan doanh nghiệp hiện nay. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, cương quyết thì sẽ để xảy ra những hậu quả khôn lường”, ông Đào nhấn mạnh.

Công tác quản lý cán bộ kém!

Lý giải cho điều này, TS Bùi Quang Tín cho rằng trong hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng, đặc biệt quá trình thanh tra, kiểm tra mang tính chất hình thức, chưa tạo được sự bất ngờ để có thể phát hiện ra những sai phạm.

Vị chuyên gia phân tích, những trường hợp cán bộ Bộ Công Thương ra nước ngoài đều có đơn gửi đến các cơ quan chủ quản trước đó để xin nghỉ phép. Nếu đối chiếu các quy định hiện hành, chúng ta không thể cấm họ ra nước ngoài.

“Theo pháp luật Việt Nam khi nào có lệnh của Viện kiểm sát hoặc của cơ quan điều tra về việc điều tra, truy tố xét xử thì mới cấm được. Những cán bộ kia chưa có điều tra, truy tố, xét xử nên không thể áp dụng các biện pháp cấm đi nước ngoài. Tuy nhiên cái tồn tại chính ở đây là quá trình kiểm tra, kết luận sai phạm của chúng ta quá chậm.

Thông thường, việc này được tiến hành theo định kỳ đã được lên kế hoạch từ đầu năm. Khi đơn vị bị kiểm tra thì những cán bộ có dấu hiệu sai phạm đã biết hết. Như thế chúng ta không thể tìm ra vấn đề thua lỗ của họ được và trong thời gian cơ quan nhà nước làm các thủ tục thì những cán bộ này đã có đủ thời gian để bỏ trốn”, TS Tín nói.

Đánh giá thêm về hành vi lẩn trốn của các cán bộ Bộ Công Thương thời gian qua, giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM lưu ý đến việc phối hợp dẫn độ. TS Tín thừa nhận, trường hợp của Trịnh Xuân Thanh hay mới đây là Lê Chung Dũng đang gây ra khá nhiều khó khăn cho cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam.

“Việc Trịnh Xuân Thanh đi đến những quốc gia Việt Nam không có thỏa thuận dẫn độ thì cũng rất khó. Còn Lê Chung Dũng mới qua Singapore nhưng việc này cũng hết sức phức tạp. Qua Singapore không cần xin viza, chỉ cần hộ chiếu phổ thông bình thường. Từ đây có thể đi rất nhiều nước. Chúng ta khó có thể kiểm soát hết được việc này”, TS Tín nêu quan điểm.

Trong khi đó, GS.TS Đặng Đình Đào bày tỏ lo lắng khi dẫn số liệu vừa được công bố, trong 10 năm qua thất thoát do tham nhũng đã gây thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng nhưng chúng ta truy thu được chưa tới 10%.

Vị giáo sư cho rằng nếu chúng ta không làm cương quyết, chống tham nhũng và truy thu tài sản đến cùng thì rất có thể trong thời gian tới tình trạng cán bộ sai phạm bỏ trốn như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy sẽ ngày càng nhiều hơn.

“Chúng ta quá chậm trễ, lỗ hổng quá lớn từ khi phát hiện đến xử lý nên để tẩu tán quá nhiều tài sản. Trách nhiệm ở đây, tôi cho rằng trước tiên là người đứng đầu cơ quan chủ quản của những đơn vị đó phải chịu trách nhiệm vì anh buông lỏng quản lý cả trong sản xuất kinh doanh lẫn tổ chức cán bộ. Những đơn vị liên đới cũng phải chịu trách nhiệm”, ông Đào nhấn mạnh.

Áp dụng thanh tra đặc biệt

TS Bùi Quang Tín khẳng định, Việt Nam không thiếu các quy định về phòng chống tham nhũng, chống thất thoát tài sản của nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại nhiều năm qua, đó là việc thực thi chưa nghiêm.

Chúng ta đang tồn tại một thực tế đáng buồn là tại các cơ quan hành pháp ở Trung ương, luật được thực hiện rất mạnh mẽ nhưng càng xuống dưới các địa phương vấn đề này càng yếu và lỏng lẻo.

PV

Theo Báo Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên