Cán bộ chống dịch lơ mơ: Nâng mức xử lý hơn nữa mới đủ tính răn đe
Bà Bùi Thị An nói như vậy để liên hệ tới việc lãnh đạo một số địa phương lơ mơ trong công tác phòng chống dịch, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Đến thời điểm này, dịch Covid-19 trong cả nước vẫn còn diễn biến khó lường. Trong khi nhiều địa phương nỗ lực “chuyển màu” thành vùng an toàn dịch, giữ vững và mở rộng vùng xanh thì một số địa phương, bản đồ phòng dịch lại chuyển từ “xanh” sang “đỏ”, điển hình như tỉnh Kiên Giang, An Giang. Thực trạng này cho thấy phần nào sự lơ là, hời hợt của một bộ phận cán bộ trong thời điểm nước sôi lửa bỏng khiến giãn cách kéo dài mà không đạt mục tiêu.
Trao đổi với phóng viên VOV, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, bày tỏ sự kinh ngạc trước sự lơ là, vô trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương trong bối cảnh chúng ta đang “chống dịch như chống giặc”.
PV: Trong khi công tác phòng chống dịch Covid-19 đang rất nóng bỏng hiện nay, bà nhận định thế nào về vai trò của những người đứng đầu cấp ủy chính quyền các địa phương?
Bà Bùi Thị An: Những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong giai đoạn nào, lĩnh vực nào, công việc nào cũng rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch, vai trò của họ càng quan trọng hơn bất cứ lúc nào. Chịu trách nhiệm chỉ đạo những chiến dịch, thời điểm rất cam go mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền không nhận thức được trách nhiệm, chỉ đạo nhanh nhạy, đúng hướng thì sẽ rất nguy hiểm, gây những hậu quả rất nghiêm trọng, như thực tế đã cho thấy ở một số địa phương thời gian qua, trong khi công tác chống dịch không phải mới bắt đầu, mà đã ở năm thứ hai.
PV: Mới đây, khi kiểm tra trực tuyến công tác phòng chống dịch của tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang, nơi tình hình dịch có dấu hiệu rất đáng lo ngại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn lãnh đạo các địa phương này, trong khi lãnh đạo chính quyền lại khá lúng túng, lơ mơ. Bà cảm nhận điều gì từ câu chuyện này?
Bà Bùi Thị An: Sau khi nghe trao đổi giữa Thủ tướng và các lãnh đạo địa phương trên, quả thực tôi khá kinh ngạc trước sự lơ là, vô trách nhiệm của lãnh đạo địa phương, đây không phải là thời điểm đầu mới chống dịch mà đã là năm thứ hai, đã là đợt dịch thứ 4 rồi. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt ở những vùng tâm dịch TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… mà lãnh đạo ở địa phương lân cận đó lại không nắm được, khi Thủ tướng hỏi số liệu cụ thể ở ngay sát địa phương mình mà họ không nắm được, đó là điều không thể chấp nhận được ở người đứng đầu địa phương, đáng ra phải nắm rất sát nguyện vọng chính đáng của dân, tình hình, diễn biến chống dịch ở địa phương mình. Điều đó đáng ra không được phép xảy ra, mà lại trong đúng thời điểm nước sôi lửa bỏng như hiện nay, lãnh đạo thì lơ là, không hiểu họ sẽ chỉ đạo cuộc chiến chống dịch đi đến đâu.
PV: Vậy theo bà, phải nhìn nhận thế nào với những cán bộ không nắm chắc tình hình dịch ở ngay chính địa phương mình, tính trách nhiệm, cái tâm, cái tầm cũng như vị trí, công việc mà những cán bộ đó đang gánh vác?
Bà Bùi Thị An: Chưa nói đến những việc khác, qua việc chỉ đạo chống dịch này, đầu tiên phải nói thẳng là các vị ấy vô trách nhiệm. Họ được giao trách nhiệm quản lý địa phương ở tất cả mọi mặt, mà trong giai đoạn cao điểm chống dịch của cả nước, mà các cán bộ đó lại không nắm được. Còn cái tâm, cái tầm của cán bộ trong vấn đề này thực ra cũng không có yêu cầu gì lớn, chỉ là nắm được công việc cụ thể của địa phương, mà lại không nắm được thì cũng không nên đánh giá thêm là ở tầm cao hay tầm thấp, và cái tâm với công việc thì rất đáng phê phán.
Họ không hề có trách nhiệm mặc dù thấy các địa phương khác, nhất là những vùng tâm dịch ở TPHCM và nhiều địa phương hàng ngày, hàng giờ, hàng nghìn người là lực lượng y tế, vũ trang đã giành giật từng phút để cứu sống bao nhiêu người mắc Covid, trong khi địa bàn mình chịu trách nhiệm thì không nắm được có bao nhiêu người mắc.
PV: Thực tế thời gian qua, rất nhiều cán bộ lơ là, vô trách nhiệm trong công tác chống dịch đã bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức như cảnh cáo, miễn nhiệm, tạm đình chỉ công tác. Bà bình luận gì về những mức kỷ luật trên, đã đủ tính răn đe hay chưa?
Bà Bùi Thị An: Không phải tất cả các địa phương có cán bộ mắc khuyết điểm đã tiến hành xử lý ngay, mà có nơi còn chậm trễ. Tôi hoan nghênh tỉnh Bình Định đã xử lý rất kịp thời đối với cán bộ ở cấp thường vụ tỉnh ủy quản lý. Mức độ xử lý như thế theo tôi là thích đáng mặc dù dư luận và cả nước cũng rất lo rằng có khi phải chờ giải trình, tuy nhiên tỉnh đã rất sáng suốt, xử lý đúng thời điểm, nhanh, mức độ xử lý có tính răn đe được. Một số địa phương khác tôi cho là hơi chậm, để xảy ra một thời gian mới xử lý.
Tôi cũng mong muốn Thủ tướng chỉ đạo, người nào đã phát hiện, trong trường hợp đã có quy định thì phải xử lý ngay để kịp thời răn đe những người khác. Thời điểm này phải tập trung vào chống dịch, nếu làm sai, dù ở cương vị nào cũng phải xử lý. Nhìn chung, tôi thấy rằng có những trường hợp cần phải nâng mức xử lý lên nữa mới đủ tính răn đe.
PV: Khi những bất cập trong công tác phòng chống dịch bị phát hiện thì hay có sự thanh minh, mong được thông cảm Trong khi dịch diễn ra đã gần 2 năm, gây hậu quả rất lớn, theo bà có nên thông cảm với họ không khi lãnh đạo cũng trăm công nghìn việc, khó lòng bao quát hết công việc dưới cơ sở?
Bà Bùi Thị An: Tôi đồng ý là cán bộ địa phương thì trăm công nghìn việc nhưng không thể thông cảm vì trong giai đoạn này, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung rất rõ vào mục tiêu kép, thực hiện tốt việc phòng chống dịch, phòng chống tốt thì mới làm những việc khác được. Chỉ đạo này được đưa ra không phải ở ngày đầu mới chống dịch, vì thế không nên ngụy biện bằng tiền lệ.
Tôi cho rằng, lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã yêu cầu rất rõ phải biết dự báo, nắm tình hình, cần lãnh đạo, chỉ đạo ở những việc như thế, còn để xảy ra rồi mới cứu thì không được mà phải phòng từ trước.
PV: Theo bà, thời gian tới, chúng ta cần những giải pháp gì để khắc phục tình trạng sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng chống dịch ở nhiều địa phương?
Bà Bùi Thị An: Chuyện sâu sát của lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng, Phó Thủ tướng là rất cần, vì trong một thời gian dài như Bộ Chính trị đã tổng kết, chúng ta vẫn còn bệnh hình thức, bệnh thành tích nên làm thì không tốt nhưng báo cáo lại tốt.
Tôi nghĩ nêú lãnh đạo cao cấp sâu sát, xông xáo sẽ phát hiện được những “lỗ hở” như thế, bởi chủ trương của chúng ta muốn đi vào dân phải đi vào thực hiện cụ thể, nhất là từ cơ sở đi lên. Nếu cơ sở không làm mà vẫn báo cáo, lơ mơ thì cuối cùng kết quả là sự lừa dối trong báo cáo, công việc, dẫn đến kết quả không thực chất.
Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ cần phải làm thật, nên chừng nào vẫn còn tồn tại kiểu làm việc như trên sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, khiến chúng ta không kịp trở tay, đặc biệt là trong cuộc chống dịch này.
PV: Để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch, nhiều lần Thủ tướng đã chỉ rõ nguyên tắc, việc lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung thống nhất, phải quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả và gần dân, bám sát dân. Theo bà, các cấp chính quyền cơ sở, nguyên tắc này cần thực hiện thế nào?
Bà Bùi Thị An: Trước hết, cán bộ cơ sở phải gần dân, sát dân, hiểu dân, xem họ cần gì, thiếu gì, muốn gì. Trong bối cảnh đang phòng chống dịch, cán bộ phải quyết liệt, phải nắm vững tất cả các nguyên tắc chỉ đạo ở trên. Người chỉ đạo mà lúng túng, lơ mơ, không nắm được gì thì sẽ chỉ đạo thế nào. Ra trận mà chỉ huy lớ ngớ có khi quân sẽ bắn vào nhau. Vì thế, trao trách nhiệm phải có kiểm soát, xem cấp dưới làm thế nào, chỗ nào còn sơ hở. Điều này là rất quan trọng, bởi qua cuộc chống dịch này, mới thấy bộc lộ năng lực quản lý của cán bộ. Tôi cho rằng, những cuộc giao ban trực tuyến, những chuyến “vi hành” đột xuất như Thủ tướng và một số lãnh đạo địa phương đã làm sẽ phát hiện được, công tác chống dịch sẽ đi vào nền nếp.
PV: Xin cảm ơn bà./.
VOV