Cán bộ có nhiều tài sản lớn: Cơ chế nào để minh bạch trong kê khai?
Một số cán bộ địa phương, bộ ngành bị phát hiện có nhiều tài sản lớn. Nguồn gốc những tài sản ấy từ đâu? Cơ chế nào để minh bạch trong kê khai tài sản?
- 04-07-2017Cục trưởng Chống tham nhũng nói về việc kê khai tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa
- 28-06-2017Hà Nội: 35.000 người kê khai tài sản, chỉ kỷ luật 1
- 16-03-2017Không phát hiện trường hợp nào kê khai tài sản không trung thực
- 04-01-2017Kê khai tài sản: Chỉ 5 phần triệu cán bộ không trung thực (?!)
- 31-10-2016Người nhà quan chức cũng phải kê khai tài sản
Gần đây, sự kiện một số cán bộ giữ các vị trí chủ chốt ở các Bộ, ngành và địa phương bị phát hiện có nhiều tài sản lớn, xây nhà to đã trở thành tâm điểm của dư luận xã hội.
Ngoài căn biệt thự nằm trên khu đất rộng tới hơn 13.000m2, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý còn nhiều bất động sản và những tài sản có giá trị khác. Chỉ bằng mắt thường, ai cũng có thể biết thấy thực tế khác xa với con số hơn 5 tỷ đồng tổng giá trị tài sản được chính vị cán bộ này kê khai theo quy định hồi đầu năm.
Ông Quý chỉ là một trong số những cán bộ có nhiều tài sản khiến dư luận quan tâm, đòi hỏi rõ nguồn gốc. Cách đây chưa lâu, xã hội cũng đã có nhiều câu hỏi về nguồn gốc hình thành căn biệt thự trị giá nhiều tỷ đồng được xây dựng trên đất nông nghiệp của Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Đăk Lăk. Cùng với đó là những nghi vấn sự minh bạch về tài sản của một số cán bộ giữ vị trí chủ chốt tại Bộ ngành và một số địa phương... Và đã có người trong số đó bị đề nghị kỷ luật vì thiếu trung thực.
Trong vài ngày tới, kết quả thanh tra đối với những tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái Phạm Sỹ Quý sẽ được công bố, nhưng điều mà dư luận trông chờ nhiều hơn đó là một cơ chế kê khai tài sản và giám sát việc các cán bộ thực hiện chủ trương này hiệu quả và minh bạch hơn trong thời gian tới. Bởi chỉ đến khi đó, niềm tin của xã hội mới không bị dao động vì những câu chuyện tương tự.
VTV1