MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cán bộ, công chức đồng thuận lùi cải cách tiền lương

20-10-2021 - 07:44 AM | Xã hội

Cán bộ, công chức đồng thuận lùi cải cách tiền lương

Chiều 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Tại buổi họp báo, các đại biểu đã trả lời báo chí về vấn đề lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Cả nước đang “thắt lưng buộc bụng”

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, Nghị quyết 27 của Trung ương đã nêu và chuẩn bị vấn đề này. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID -19 tác động hết sức nghiêm trọng đến kinh tế xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân… Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước đã phải chi rất nhiều cho công tác phòng, chống dịch, từ mua kit xét nghiệm, mua vắc xin, thiết bị y tế, cho đến hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và cán bộ cơ sở.

Cũng theo ông Cường, năm nay hết sức cố gắng thì tăng trưởng cũng chỉ đạt trên 3%. Như vậy, rất cần nguồn lực dành cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội, chăm lo người dân. Cán bộ, công chức cũng sẵn sàng đồng thuận theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về lùi thực hiện cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp. “Thời điểm nào thực hiện cải cách tiền lương thì Trung ương giao Chính phủ, các cơ quan liên quan và Quốc hội xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, ông Cường thông tin, đồng thời cho biết, Trung ương cũng xác định, nhóm người thu nhập thấp, có lương hưu trước năm 1995 được xem xét trước.

Cùng trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong lý giải, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương, như cơ cấu thu chi ngân sách, đảm bảo nguồn thu bền vững; thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, chúng ta cũng quyết liệt thu hồi tài sản tham nhũng; tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên hàng năm… để dành nguồn cho cải cách tiền lương.

Tuy nhiên, so với nhu cầu vẫn chưa đủ nguồn lực, đề án vị trí việc làm, tinh giản bộ máy, biên chế cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Trong bối cảnh, các điều kiện cần thiết để cải cách tiền lương chưa đạt được thì nguồn lực quốc gia lại phải tập trung cho phòng, chống dịch COVID-19. Các địa phương cũng đang đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tiết kiệm cải cách tiền lương cho phòng, chống dịch.

“Chúng ta thấy cả nước đang “thắt lưng buộc bụng” lo phòng, chống dịch, chờ cơ hội để phục hồi kinh tế.

Có hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”

Trả lời về kết quả thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội về áp dụng các biện pháp đặc biệt, cấp bách, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ đã giao thẩm tra. Qua thẩm tra, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 30, Chính phủ đã hết sức chủ động, linh hoạt áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, mang lại hiệu quả tốt, như mong muốn của toàn dân.

* Về vấn đề chất vấn, dự kiến ngày 27 – 28/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu, sau đó sẽ quyết định vấn đề nào sẽ đưa ra chất vấn, Bộ trưởng nào sẽ được chất vấn. Tại phiên họp cuối năm này, Thủ tướng Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội.

* Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc ngày 13/11, được chia làm hai đợt, họp trực tuyến kết hợp tập trung. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp), xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Qua thẩm tra cho thấy các bộ, ngành chưa đánh giá tổng thể vấn đề liên quan tới hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống dịch COVID-19, chưa xác định đầy đủ lộ trình, kế hoạch sửa đổi bổ sung pháp lệnh, nghị quyết luật liên quan. Một số văn bản hướng dẫn của địa phương chưa được rà soát thận trọng nên vẫn còn sai sót, phải đính chính, thu hồi, sửa đổi bổ sung nhiều lần thậm chí gây phản cảm.

Cũng theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, việc phân cấp cho địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát để thực hiện dẫn đến tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng pháp luật không nhất quán, có dấu hiệu cát cứ, thực thi chỉ đạo Trung ương chưa trọn vẹn nên có hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”.

Theo Thành Nam

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên