MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cán bộ làm trong lĩnh vực nào thì nghèo nhất?

Câu hỏi bất ngờ được đưa ra tại Hội thảo Điểm lại pháp luật kinh doanh 2018 do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay, 15-1-2019.

Sau phần phát biểu khai mạc và trình bày nội dung của VCCI , ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là người tham luận đầu tiên.

“Đừng chỉ tháo gỡ rào cản do chúng ta đặt ra mà phải thúc đẩy phát triển. Các bộ, ngành, cơ quan phải có tư duy là tháo bỏ rào cản là đương nhiên, thúc đẩy phát triển mới là vấn đề quan trọng”, ông Hiếu mở đầu bài phát biểu của mình.

Cán bộ làm trong lĩnh vực nào thì nghèo nhất? - Ảnh 1.

Ông Phan Đức Hiếu , Phó viện trưởng CIEM . Ảnh: CHÂN LUẬN

Theo ông Hiếu, trong cải cách pháp luật kinh doanh hiện nay, có hai thách thức rất quan trọng. Một là tất cả các cải cách đều xuất phát từ sự áp đặt của Chính phủ xuống các bộ, ngành chứ chưa có một bộ, ngành nào chủ động đề xuất cải cách, bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mà mình nắm giữ.

“Nếu Chính phủ không yêu cầu nữa thì sao? Động lực cải cách sẽ mất đi”, ông Hiếu nói.

Thách thức thứ hai là việc kiểm soát chất lượng của các quy định, ĐKKD nói chung và các quy định, ĐKKD mới ban hành. “Tôi đã chứng kiến nhiều ĐKKD bộ ngành này bỏ, còn bộ kia lại đưa vào”, ông Hiếu kể.

Ông thậm chí còn khẳng định việc “ăn mừng” về cải cách pháp luật kinh doanh mới chỉ nằm trong phạm vi rất nhỏ, đó là ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Trong khi đó, có những quy định, điều kiện kinh doanh có tác động gây khó rộng lớn hơn.

“Một quy định trong một Nghị định có thể kéo theo hàng trăm giấy tờ, thủ tục trong một bộ hồ sơ. Ta mới làm được hai việc rất nhỏ là cải cách điều kiện gia nhập thị trường và thủ tục kiểm tra chuyên ngành”, ông Hiếu khẳng định.

Chính phủ 2018 cũng như năm 2019 tiếp tục yêu cầu cắt giảm 50% ĐKKD. Nhưng theo ông Hiếu, cần phải thay đổi cách tiếp cận.

“Chẳng hạn quy định phải được tập huấn bởi những cơ quan nhà nước, hay việc điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề. Tại sao lại phải cấp chứng chỉ? Chứng chỉ hành nghề kiểm toán của Việt Nam cấp với của Anh, Pháp… chứng chỉ nào tốt hơn? Tại sao cứ phải có kinh nghiệm vài ba năm mới được làm việc này việc kia? Theo tôi những điều kiện về tập huấn, bằng cấp, chứng chỉ phải bãi bỏ ngay lập tức”, ông Hiếu đặt vấn đề.

Đồng thời, ông Hiếu đề xuất tách các đơn vị sự nghiệp có chức năng về kiểm tra, kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng ra khỏi các bộ, ngành và giao cho tư nhân. Về lâu dài, việc soạn thảo các văn bản pháp luật nên giao cho các cơ quan chuyên môn chứ không phải các cơ quan thực thi pháp luật.

“Phải kiến nghị mạnh như thế thì may ra mới cải cách được. Xã hội không đợi được”, ông Hiếu nói.

Vấn đề cuối và cũng là vấn đề bất ngờ ông Hiếu đặt ra: “Xã hội đầu tư nhiều công trình, dự án… nhưng chưa thấy đầu tư làm chính sách. Nếu không thay đổi cơ chế, chính sách thì việc này khó làm được. Tôi tự hỏi cán bộ nghèo nhất là cán bộ ở bộ phận nào? Có lẽ là cán bộ làm chính sách”.

Ông Hiếu nói và đề xuất cần có cơ chế để xã hội đầu tư vào làm chính sách, cũng là làm “hạ tầng” cho phát triển.

Theo Chân Luận

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên