Cán bộ "sợ" trách nhiệm do các văn bản dưới luật chồng chéo, mâu thuẫn?
Ý kiến của chuyên gia cho rằng, quy định pháp luật cần được quy định một cách chặt chẽ, cụ thể, hạn chế văn bản dưới luật không cần thiết, tránh hiện tượng “mỗi nơi một kiểu”.
Câu chuyện cán bộ “sợ" trách nhiệm tiếp tục làm nóng nghị trường Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Nhiều đại biểu cho rằng, để khơi thông điểm nghẽn sợ sai, sợ trách nhiệm trong cán bộ, công chức cần bắt đầu từ việc khơi thông những điểm nghẽn trong quy định của pháp luật.
Phát biểu tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến hình thành nhóm cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm là quy định pháp luật còn chồng chéo, nhất là các văn bản dưới luật còn thiếu đồng nhất, khó thực hiện, cùng nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn chia sẻ, ông từng chứng kiến bên lề kỳ họp có hai đại biểu tranh luận về nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận ấy làm ông rất tâm tư, vì việc hiểu pháp luật theo nhiều cách đang xảy ra trong chính cơ quan lập pháp và không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ở cơ quan hành pháp, trong đó có cả thanh tra, kiểm tra và như thế sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ.
Từ thực trạng nêu trên, đại biểu đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, tập trung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất, dễ áp dụng để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân khi căn cứ vào đó là có thể triển khai thực hiện được ngay.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng cho biết, việc chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không rõ ràng trong một số quy định đã dẫn đến tình trạng một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền đùn đẩy công việc, không dám chịu trách nhiệm, không dám quyết định, tạo khó khăn cho doanh nghiệp...
“Luật của chúng ta cơ bản đã rõ ràng, nhưng các văn bản hướng dẫn luật là các thông tư, nghị định có những phần câu chữ không rõ ràng, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khiến ở dưới lúng túng, loay hoay. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế, việc nắm bắt quy định pháp luật hạn chế nên lần chần, không thực hiện, làm gì cũng sợ sai”, ông Trần Ngọc Vinh nói.
Hạn chế văn bản dưới luật không cần thiết, tránh hiện tượng “mỗi nơi một kiểu”
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Đình Quyền – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong những năm gần đây, chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật dù đã có những bước cải thiện nhất định nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, tính khả thi trong các quy định của văn bản luật còn chưa đều. Nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên quá trình thực thi công vụ còn khó khăn, rào cản, vướng mắc.
“Pháp luật quy định ở một số góc độ còn chưa cụ thể, nên ranh giới giữa việc vận dụng pháp luật để dám nghĩ, dám làm với cố ý làm trái rất chấp chới, mong manh. Nhiều quy định của chúng ta hiện nay không rõ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, hơn nữa, trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác không rõ, còn chung chung, phụ thuộc vào sự đánh giá của người có thẩm quyền”, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đồng thời cho biết, tình trạng trên dẫn đến hệ quả việc của cấp dưới nhưng lại hỏi xin ý kiến cấp trên, thậm chí được giao nhiệm vụ rõ ràng rồi nhưng khi đi vào thực hiện lại thấy vướng nên chuyển ngược lên cấp trên xin ý kiến rồi mới làm.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên nhân của tình trạng trên là nhiều quy định của pháp luật còn quy định chung chung, chưa đi đến các “ngóc ngách” của vấn đề khiến nhiều quy định nhiều khi chỉ “nằm trên giấy”. Ví dụ, một quy định điều chỉnh theo hướng A thì phải quy định tiếp theo đó là những biện pháp bảo đảm thực hiện, như biện pháp về mặt con người, về cơ chế pháp lý, biện pháp về mặt hậu quả, nguồn nhân lực, tài chính...
“Nếu không có các biện pháp bảo đảm thì quy định vẫn mãi mãi là quy định. Muốn khắc phục được thì cả hệ thống pháp luật phải đổi, có nghĩa là phải đi đến cùng, các vấn đề phải được quy định một cách chặt chẽ, cụ thể, hạn chế văn bản dưới luật không cần thiết, tránh hiện tượng “mỗi nơi một kiểu”, “quyền anh, quyền tôi”, lợi ích nhóm”.
Cũng theo ý kiến của ông Nguyễn Đình Quyền, cơ quan thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải rà soát kỹ lưỡng, kịp thời phát hiện, đề xuất chỉnh sửa các quy phạm pháp luật còn vướng mắc khi thực hiện; tham mưu ban hành, sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, không bị vướng khi thực thi.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nhìn nhận, hiện tượng né tránh trách nhiệm này có từ lâu rồi, không phải bây giờ mới có. Vấn đề ở chỗ dường như gần đây có vẻ phức tạp hơn và có vẻ nặng hơn.
Về giải pháp, theo đại biểu, ngoài việc xử lý gắn trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm trong việc thực thi công vụ thì cũng cần phải cá thể hóa trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong việc tham mưu hoặc đề xuất sửa đổi, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật hoặc ban hành trong thẩm quyền. Bởi vì, việc chậm ban hành văn bản chi tiết vẫn chưa khắc phục./.
vov.vn