Cận cảnh cây sanh giá chục tỷ đồng của 'bạo chúa miền Trung'
Hiện ở ngôi nhà ở đường Nguyễn Trường Tộ (TP Huế) còn tồn tại một sanh được cho là do Ngô Đình Cẩn đích thân trồng và chăm sóc.
Cây sanh mà tôi đang nói đến hiện nằm tại nhà ông Trần Đình Sự (ngõ 33 đường Nguyễn Trường Tộ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Được biết, ngôi nhà của ông Sự vốn trước kia là khuôn viên nhà của " bạo chúa miền Trung " Ngô Đình Cẩn. Sau này, khi đất nước giải phóng, do có công với cách mạng nên gia đình ông Sự được nhà nước cấp nhà.
Trả lời PV VTC News, ông Sự cho biết, không biết cây sanh cổ này có từ khi nào, được Ngô Đình Cẩn trồng từ bao giờ nhưng kể từ khi tiếp quản ngôi nhà thì cây sanh đã ở vị trí như hiện tại là ở giữa lòng hồ nhân tạo.
Trải qua hàng chục năm tuổi, những rễ cây vươn dài găm mình xuống hồ nước, rễ và thân cây “ôm” đá với nét cổ kính và theo thời gian kèm theo nó là những lời đồn bí ẩn. (Ảnh: Việt Hoàng)
Có người cho rằng, dưới đáy của cây sanh được tráng một lớp xi măng trắng mát lạnh, bên trong những tảng đá đậm màu rêu phong là nơi Ngô Đình Cẩn chôn châu báu. Một hàng xóm của gia đình ông Sự cho biết, tại thời điểm cách đây gần 10 năm, mỗi ngày có hàng chục người đến hỏi mua cây sanh gia đình ông Sự đang sở hữu với giá cả chục tỷ nhưng gia chủ không bán. (Ảnh: Việt Hoàng)
Tuy nhiên, chủ nhân hiện tại của cây sanh là ông Trần Đình Sự khẳng định, tất cả chỉ là đồn thổi, thực tế cây sanh chỉ được tạo dáng ôm đá chứ bên dưới không hề có ngọc ngà châu báu gì.
Một người có kinh nghiệm về cây cảnh ở Thừa Thiên - Huế cho hay, xét về kiểu dáng thì cây sanh ở nhà ông Sự không giá trị nhưng cây lại giá trị ở sự tích là do Ngô Đình Cẩn trồng và được giới chơi cây săn lùng. Bản thân ông này từng dẫn nhiều dân chơi cây đến nhà ông Sự hỏi mua, có người trả cây giá cả hơn chục tỷ.
Nhiều người sống ở ngõ số 33 đường Nguyễn Trường Tộ còn khẳng định, cái giếng này được Ngô Đình Cẩn đào chỉ chuyên dùng để lấy nước tưới cho cây sanh nói trên. (Ảnh: Việt Hoàng)
Tuy nhiên, trên mặt giếng lại có dòng khắc dòng số 1976 - 2014, như vậy có thể cái giếng này được đào năm 1976, trong khi đó, Ngô Đình Cẩn lại bị xử tử chết vào năm 1964. Mang thắc mắc này hỏi người dân nhưng không mấy ai trả lời được. Một số người thì phỏng đoán rằng, chiếc giếng được đào từ thời Ngô Đình Cẩn nhưng được cải tảo, xây dựng lại vào năm 1976. (Ảnh: Việt Hoàng)
VTC News