Cận cảnh cuộc sống người dân quanh nhà máy Rạng Đông sau tẩy độc
Sau hơn 1 tháng hoàn thành công tác tẩy độc tại nhà máy Rạng Đông, phần lớn người dân đã quay trở về nhà, cuộc sống đã cơ bản trở lại bình thường nhưng vẫn còn nhiều người e dè. Nhiều người tiếp tục yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần và di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư.
- 06-11-2019Người dân quanh nhà máy Rạng Đông đòi bồi thường 1 tỷ đồng/lít máu
- 11-10-2019Vụ cháy nhà máy Rạng Đông: Ai trả chi phí tẩy độc?
- 15-09-2019Ảnh: 30 công nhân hút bùn xuyên đêm cạnh nhà máy Rạng Đông
Đại diện các hộ dân quanh nhà máy Rạng Đông cho biết, họ đang yêu cầu Cty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và tổn hại sức khoẻ. Yêu cầu di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc, dọn dẹp, đảm bảo quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân.
Vụ cháy xảy ra tối 28/8 đã thiêu rụi xưởng sản xuất và kho chứa thành phẩm với hàng triệu bóng đèn của Công ty Rạng Đông. Nguyên nhân được xác định do sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng tầng 2 của kho bán thành phẩm.
Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết nồng độ thủy ngân quan trắc được ở một số điểm trong nhà máy Rạng Đông và xung quanh vượt ngưỡng an toàn từ 10 đến 30 lần. Lượng thủy ngân đã phát tán ra môi trường trong vụ cháy có thể lên đến 27,2 kg.
Ngày 9/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả. Sau đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản hỏa tốc, giao các đơn vị chuyên trách khắc phục hậu quả, tẩy độc toàn bộ khu vực, đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.
Binh chủng Hóa học đã chuyển đi hơn 11 tấn bóng đèn huỳnh quang bị cháy, 1.000 tấn chất thải nguy hại và 2.600 tấn chất thải, phế liệu từ gạch, mái nhà, mái tôn, sắt thép.
Tiền Phong