Cận cảnh ma trận những "cỗ máy in tiền": Khi dịch COVID-19 biến Trung Quốc thành "miền Tây hoang dã"
Hoạt động kinh doanh các loại thiết bị y tế đang diễn ra cực kỳ sôi động tại Trung Quốc, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang lây lan tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
- 28-04-2020The Wall Street Journal: Việt Nam hành động rất sớm và quyết liệt vì hiểu rõ cách vận động toàn hệ thống chính trị và sớm nghi ngờ rằng dịch Covid-19 có thể nghiêm trọng
- 27-04-2020Covid-19 đang giúp các cửa hàng tạp hóa nhỏ tại Mỹ tăng gấp đôi doanh số, người dân thích tìm đến đây thay vì các siêu thị đông đúc
- 27-04-2020Trung Quốc đối diện làn sóng phẫn nộ vì đại dịch Covid-19
Những kẻ đầu cơ mang theo những chiếc vali chứa đầy tiền mặt tới từng nhà máy sản xuất khẩu trang để đảm bảo mua được sản phẩm ngay khi chúng vừa rời khỏi dây chuyền sản xuất.
Các đại lý buôn bán máy thở mua đi bán lại mặt hàng này trước khi chúng đến được tay người mua cuối cùng với giá bán đội lên nhiều lần so với giá thông thường.
Các quốc gia tranh giành nhau từng đơn hàng, trong đó kẻ thắng cuộc là người mua thanh toán bằng tiền mặt với mức giá cao nhất.
Thế giới tranh giành vật tư y tế từ Trung Quốc
Thế giới đang chứng kiến cuộc chiến không khoan nhượng tranh giành những mặt hàng nóng nhất trong mùa dịch COVID-19 . Đó là khẩu trang, găng tay, nhiệt kế, máy thở, giường bệnh viện, bộ kit xét nghiệm, bộ quần áo bảo hộ, nước sát khuẩn và kính bảo hộ.
"Luật chơi mới được sinh ra hàng ngày. Ở đây không khác gì 'miền Tây hoang dã'. Lượng tiền giao dịch mỗi ngày cực lớn và không ngừng nghỉ. Mọi thứ diễn ra quá nhanh nên chẳng có thời gian mà suy nghĩ kĩ nữa," tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích lời ông Fabien Gaussorgues - đồng sáng lập của Sofeast, một công ty giám sát chất lượng ở Thâm Quyến.
Nhiều người đã trả những khoản "học phí" lớn để rút ra những quy tắc từ thị trường hỗn loạn như hiện tại là tốc độ quyết định kẻ thắng người thua.
Chính quyền một bang của Mỹ đang trong quá trình đàm phán mua máy thở từ một nhà máy Trung Quốc hồi đầu tháng này. Theo các chuyên gia tư vấn, người bán yêu cầu người mua thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng trước như thường lệ. Không biết việc Trung Quốc sắp có kỳ nghỉ lễ Thanh Minh và diễn biến khó lường của thị trường, văn phòng chịu trách nhiệm mua sắm thiết bị của bang đã chuyển khoản số tiền hàng chục triệu USD vào ngày thứ Sáu (giờ Mỹ), khi các ngân hàng đều đã đóng cửa. Khi người bán nhận được khoản tiền này vào ngày thứ Ba tuần kế tiếp, lúc đó đơn hàng máy thở đã được bán sang tay cho người mua khác.
"Nếu bạn muốn suy nghĩ về đơn hàng lâu hơn 24 giờ hoặc muốn dành vài ngày để kiểm tra độ tin cậy của đối tác, hay muốn tới nhà máy để lấy sản phẩm mẫu thì bạn chắc chắn sẽ bị mất đơn hàng. Bên môi giới đã chuyển đơn hàng sang người mua khác ngay. Bạn sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ từ đầu," theo ông Ben Kostrzewa - luật sư của hãng Hogan Lovells tại Hồng Kông, chịu trách nhiệm tìm kiếm khẩu trang và thiết bị hô hấp cho nhiều bang và bệnh viện của Mỹ.
Diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp đang tạo ra thị trường với ưu thế thuộc về người bán. Số lượng các công ty Trung Quốc bắt đầu sản xuất khẩu trang và các thiết bị y tế tăng lên mỗi ngày. Một số nhà máy còn yêu cầu người mua chuyển tiền đặt cọc ngay cả khi muốn tham quan nhà máy, lấy hàng mẫu hay kiểm chứng các loại giấy phép kinh doanh.
Các doanh nghiệp Trung Quốc lao vào cuộc đua sản xuất vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thế giới (Ảnh: Reuters)
Chính phủ các nước đều đang trong cuộc chạy đua ráo riết thu mua các thiết bị y tế để ngăn chặn sự bùng phát dịch COVID-19 tại nước mình. Mặc dù có những cân nhắc khi nhập hàng từ Trung Quốc vì nhiều lý do, nhưng cuối cùng người mua vẫn phải quay lại quốc gia 1.4 tỉ dân để mua hàng do năng lực sản xuất lớn.
Theo Tian Yan Cha, công cụ tổng hợp dữ liệu từ 180 triệu thực thể xã hội ở Trung Quốc, kể từ đầu năm nay đã có hơn 38.000 công ty mới đã đăng ký sản xuất hoặc kinh doanh khẩu trang, so với con số 8.594 công ty trong năm ngoái. Con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa khi các công ty của các lĩnh vực khác đều tạm ngưng hoạt động do thị trường xuất khẩu phong tỏa vì dịch COVID-19. Các nhà máy sản xuất bóng golf, thuốc lá điện tử và phụ tùng xe hơi đều đua nhau sản xuất khẩu trang do sản phẩm này dễ làm, tốn ít thời gian, và chỉ cần hai tuần sản xuất có thể kiếm khoản lợi nhuận kha khá.
Lấy ví dụ cho sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các công ty sản xuất khẩu trang là Công ty Phật Sơn, một nhà sản xuất bao bì thực phẩm ở tỉnh Quảng Đông, chỉ bắt đầu sản xuất thiết bị làm khẩu trang từ ngày 26/2 vừa qua.
"Hiện tại, nhu cầu của thị trường rất lớn. Chúng tôi đã hoạt động hết công suất và không thể tiếp nhận thêm đơn đặt hàng mới cho đến đầu tháng 5. Năng lực sản xuất hiện tại của chúng tôi là 50 dây chuyền sản xuất máy làm khẩu tự động hoàn toàn với giá khoảng 1.2 triệu NDT (170.000 USD)," ông Hui Hui Qing, giám đốc công ty máy móc bao bì Phật Sơn, nói.
Do một số công ty mới tham gia thị trường sản xuất ra những loại khẩu trang kém chất lượng nên chính phủ Trung Quốc vấp phải những lời phàn nàn từ các nước nhập khẩu, khiến nước này phải ban hành quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn xuất khẩu đối với các mặt hàng thiết bị và vật tư y tế.
Những phi vụ lừa đảo
Hồi tháng 3, người sáng lập hãng luật luật Harris Bricken, ông Dan Harris, đã nói chuyện với ba người, mỗi người đều bị mất 1 triệu USD trong các giao dịch xuất khẩu khẩu trang với các đối tác Trung Quốc.
Trường hợp lừa đảo đầu tiên, một doanh nhân người Mỹ đã vay 1 triệu USD để đặt cọc cho nhà cung cấp hàng dệt may Trung Quốc lâu năm để sản xuất khẩu trang. Nhà cung cấp này sau đó... biến mất cùng với số tiền, khiến cho vị doanh nhân rơi vào trạng thái liệt và trầm cảm.
Trường hợp lừa đảo thứ hai, một người mua đặt một đơn hàng khẩu trang 1 triệu USD nhưng cuối cùng lại nhận được “những chiếc mặt nạ Halloween bẩn”.
Những cỗ máy in tiền
Ngay cả đối với những người vốn đã quen làm ăn với người Trung Quốc, sự thay đổi nhanh chóng của thị trường trong ba tháng qua vẫn khiến họ cảm thấy khó thích nghi.
Ông David Sun, điều hành một công ty logistics tại thành phố Nghĩa Ô, đã bắt đầu sử dụng giấy phép xuất khẩu để kinh doanh vật tư y tế sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở phạm vi thế giới. Đến tháng 3, ông cố gắng đến một nhà máy ở Thượng Hải để mua khẩu trang N95 để bán lại cho người mua ở Mỹ.
"Tôi đã cố tìm được một nhà môi giới, người đã nói rằng anh ta có mối quan hệ để cung cấp khẩu trang cho tôi. Đơn đặt hàng tối thiểu là 1 triệu chiếc khẩu trang với giá khoảng 13 NDT/chiếc (khoảng 1.84 USD). Tôi đã đồng ý, nhưng trong vòng năm giờ sau, giá đã tăng lên 15 NDT/chiếc. Tôi không thể nhập hàng với mức giá cao như vậy."
Chuyến đi không thực hiện được do ông Sun bị cảnh sát bắt giữ vì hành vi đầu cơ.
Còn đối với người mua nước ngoài, giá khẩu trang y tế cơ bản đã tăng từ khoảng 30 cent lên 70 cent Mỹ. Giá găng tay đã tăng hơn gấp đôi, và các nhà máy thậm chí không muốn nói chuyện với người mua nếu đơn hàng ít hơn 100.000 chiếc.
////
Tại thời điểm này ở Trung Quốc, các nhà máy sản xuất khẩu trang không khác gì các cỗ máy in tiền. Nhiều nhà máy thậm chí còn tiến hành sản xuất mà chưa có giấy phép kinh doanh.
Giá sản phẩm bị đội lên như thế nào?
Vài tuần trước đây, mức giá của một chiếc máy thở AeonMed do Trung Quốc sản xuất đã tăng từ 10.000 USD lên mức 75.000 USD. Không giống như khẩu trang, máy thở công nghệ cao không thể sản xuất hàng loạt, nên giá mặt hàng này cứ tăng phi mã do nhu cầu tích trữ rất lớn từ các chính phủ và hệ thống bệnh viện.
Ông Yuan Xuemeng, tổng giám đốc của nhà sản xuất máy thở Shandong Penghao Technology, đã phải ngừng tiếp nhận đơn đặt hàng mới cho tới tháng 7 năm nay vì phải hoàn thành sản xuất các đơn đặt hàng hiện tại.
Ngoài là nhà cung cấp máy thở cho chính phủ Trung Quốc khi có nhu cầu, công ty này có thể bán sản phẩm cho các công ty có giấy phép xuất khẩu máy thở.
Nhiều người kinh doanh trong thị trường này cho rằng chính những công ty như trên là thủ phạm gây ra sự tăng giá chóng mặt của các thiết bị y tế.
"Hầu hết mọi vấn đề là do người môi giới gây ra. Có đến hàng nghìn người muốn kiếm tiền thật nhanh cùng với những người mua nước ngoài không có kinh nghiệm làm ăn với người Trung Quốc. Thực sự là sự kết hợp hoàn hảo. Hệ quả là người mua đang bị mua hàng với giá cắt cổ," theo ông Clive Greenwood, giám đốc điều hành hãng Wilson, Woodman & Greenwood Associates tại Tô Châu. Công ty này chuyên cung cấp các loại thiết bị y tế cho điểm nóng trên toàn thế giới.
Trong trường hợp máy thở, ông Meseroll cho biết các thương nhân về cơ bản đã tạo ra thị trường thứ cấp, nơi các quyền sở hữu sản phẩm mua đi bán lại nhiều lần trước khi nó đến tay người mua cuối cùng - thường là các bệnh viện hoặc chính quyền địa phương với mức giá bị đẩy lên rất cao.
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất máy thở tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)
Một điểm đáng chú ý của mỗi một dịch bệnh là các sản phẩm y tế này đều đột nhiên khan hiếm vào thời điểm khi nhiều chuỗi cung ứng ngừng hoạt động, khiến cho giá sản phẩm càng đẩy lên cao hơn.
Ông John Singleton, Chủ tịch của công ty giao nhận vận tải hàng hóa Wen-Parker có trụ sở tại Mỹ, chuyên xuất khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân bằng đường hàng không từ Trung Quốc, nói rằng “ông cảm thấy bối rối mỗi khi được người khác hỏi về mức giá sản phẩm”.
Việc thiếu máy bay chở khách - thông thường chuyên chở 50% lượng hàng hóa - khiến cho chi phí vận chuyển hàng không bị đội lên nhiều.
“Nếu tôi nói với bất kỳ khách hàng nào rằng tôi tiên đoán rằng mức phí vận chuyển hàng hóa bằng hàng không từ Thượng Hải sẽ lên tới mức 14 USD/kg hàng hóa, họ sẽ nói rằng tôi đã uống quá nhiều vào đêm hôm trước. Trước đây mức giá này chỉ khoảng 2.50 USD/kg, và khoảng 90% không gian trên máy bay hiện tại được dùng để chuyên chở thiết bị bảo hộ cá nhân,” ông Singleton nói.
Tổ quốc