Cận cảnh từng ngóc ngách trong lâu đài nghìn tỷ được mệnh danh lớn nhất Đông Nam Á
Cung điện Thành Thắng là công trình cực kỳ đồ sộ, thu hút sự chú ý của tất cả những ai từng đi ngang qua mảnh đất Ninh Bình.
Ngoài xe sang, hàng hiệu, căn nhà cũng là một tài sản giúp các đại gia Việt hưởng thụ và phô trương sự giàu có. Kênh “Nhà To” đã có cơ hội khám phá không gian tráng lệ tại một tòa lâu đài nổi tiếng đất Ninh Bình tên Thành Thắng.
Với thiết kế mang đậm phong cách Châu Âu cổ điển, cùng nhiều chi tiết nội thất đắt đỏ, tổng số tiền đầu tư ước tính lên đến hơn 1000 tỷ đồng.
Sảnh vào khu lâu đài
Lâu đài Thành Thắng đang nắm giữ rất nhiều kỷ lục không chỉ ở Việt Nam mà còn của Đông Nam Á. Đây là công trình nhà ở lớn nhất, cao nhất Đông Nam Á với chiều cao của tổng thể bên ngoài bằng một tòa nhà 18 tầng và tổng diện tích mặt sàn là 15.000 m2.
Hai lâu đài nhỏ dành cho 2 con trai của đại gia Thành Thắng Group
Cả cổng vào và các toà nhà đều nguy nga, đồ sộ, với nhiều chi tiết, hoa văn phức tạp. Toàn bộ khuôn viên bao gồm 3 toà nhà, trong đó 2 toà lâu đài nhỏ dành cho 2 con trai, một cung điện lớn là nơi ở của bố mẹ cũng như không gian chung.
Cung điện chính có chiều cao tương đương toà nhà 18 tầng, với diện tích mặt sàn lên tới 15.000m2. Không gian ngoài có rất nhiều tiện ích như hồ cá, cây xanh,...
Tại sảnh đón khách, toàn bộ trần phía trên được ốp gỗ và những chiếc đèn chùm dát vàng.
Hành lang dài, rộng, hút gió, tường trang trí hoa văn cầu kỳ.
Cửa để vào sảnh chính toàn bộ được làm bằng gỗ gõ đỏ, chạm trổ hoa văn cầu kỳ.
Chiều cao từ mặt sàn đến trần tương đương của tòa nhà 11 tầng, khoảng 45m, trần nhà toàn bộ được dát vàng 24K.
Hai bên là cầu thang cũng được làm bằng gỗ gõ đỏ cùng 4 cột trụ được chạm khắc đầu sư tử tỉ mỉ, tinh tế.
Phòng làm việc của ông chủ Thành Thắng với điểm nhấn nội thất là các phòng không gian chính của chủ nhân sinh hoạt đều được làm nổi ở trên, cảm giác giống vua chúa ngày xưa.
Đèn chùm dát vàng được nhập khẩu nguyên chiếc từ Iran.
Bên ngoài chiều cao tương đương với tòa nhà 18 tầng nhưng bên trong thực tế chỉ có 5 tầng và được bố trí 5 thang máy.
Riêng phòng tiếp khách có diện tích rộng tương đương một căn chung cư, bàn ghế đa phần được sản xuất thủ công tại Việt Nam, đệm bọc da cao cấp, tay cầm được dát vàng. Kể cả tay nắm cửa và bản lề cũng đều được mạ vàng.
Phòng khách mang lại cảm giác như cung điện của vua chúa thời xưa.
Mái vòm trang trí quốc uy nước Nga, hình một con đại bàng 2 đầu, thể hiện cho sự dũng mãnh, quyền lực. Đồng thời là rất nhiều những bức tranh Phục hưng sơn dầu và vẽ trực tiếp trên mái vòm.
Toàn bộ phần vòm được sử dụng hệ thống đèn đổi màu, theo như chủ nhân cung điện những chiếc đèn này mang không khí lễ hội và tạo sự thích thú cho mọi người khi đến chơi nhà.
Ngoài lối vào sảnh chính, lâu đài còn có hai sảnh nữa ở hai bên. Cung điện có 3 phía đều có sảnh lớn. Hành lang sử dụng những khối đá tảng lớn nguyên khối, ở phía trước sảnh có những cây bon sai hàng chục tỷ đồng.
Sảnh thứ 3 ở mặt bên của cung điện, trần cũng được ốp gỗ, sàn đá marble.
Có 2 lối xuống tầng hầm để xe, một bên trống được tận dụng để làm không gian tiệc cưới. Hiếm thấy một tầng hầm nào được trang trí dát vàng lộng lẫy đến thế này.
Thậm chí tầng hầm còn có chỗ cắt tóc, thuê thợ về làm riêng cho gia chủ.
Anh Trương AC - KTS trưởng thiết kế và tổng thầu thi công toàn bộ cung điện Thành Thắng. Công trình phải mất đến 3 năm rưỡi để hoàn thành.
Ngoài ra, lâu đài còn rất nhiều không gian khác như phòng ăn lớn chứa hơn 20 người.
Đáng nói, toà cung điện này có đến gần 20 phòng ngủ, đều lộng lẫy và xa hoa không khác gì của vua chúa, trong khi chỉ có 4 người ở, còn lại là giúp việc và bảo vệ. Nếu vào trong cung điện Thành Thắng mà không có bản đồ thì rất dễ bị lạc.
Một trong số 20 phòng ngủ của lâu đài Thành Thắng.
Phòng tắm cũng được làm rất hoàng cung, bên cạnh đó phòng karaoke, phòng xem phim, thư viện,... cùng rất nhiều không gian bí mật khác nữa.
Nhưng không thể bỏ qua một không gian rất ấn tượng đó là phòng thờ được coi là lớn nhất trong một công trình nhà ở của Việt Nam.
Ông chủ lâu đài Thành Thắng là ai?
Về chủ nhân tòa lâu đài là ông Đỗ Văn Tiến (SN 1964) - đại gia có "số má" trong ngành xi măng và là Chủ tịch HĐQT Thành Thắng Group. Thành Thắng Group thành lập từ năm 2005, hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến vật liệu xây dựng.
Thành Thắng Group nằm trong số các công ty có doanh thu cao nhất ngành xi măng Việt Nam. Tại khu vực Hà Nam - Ninh Bình, Thành Thắng Group xếp sau xi măng Xuân Thành doanh thu gần 8.000 tỷ đồng và Vissai Ninh Bình khoảng 5.200 tỷ đồng.
Doanh nghiệp và tiếp thị