MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần chuẩn bị những ưu đãi mới cho doanh nghiệp nước ngoài

Trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng trong năm 2024, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cần chuẩn bị sẵn các "gói" chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới cho doanh nghiệp nước ngoài. Bộ trưởng khẳng định, mỗi doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư đều là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài sáng nay (22/4), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thế giới đang chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp và khó lường trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, an ninh, thiên tai, dịch bệnh… gây ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phục hồi và phát triển, trong đó có Việt Nam, nhất là về đầu tư, thương mại, tài chính, tiền tệ.

Trước bối cảnh đó, việc Thủ tướng quyết định tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cho thấy sự quan tâm, đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cần chuẩn bị những ưu đãi mới cho doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh 1.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài (ảnh: VGP).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khu vực đầu tư nước ngoài được xác định có vai trò quan trọng trong nền kinh tế; được khuyến khích phát triển nhằm phát huy ngoại lực, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư.

Bộ trưởng cho biết, năm 2023 là năm quan trọng với Việt Nam, là năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

“Nếu các năm 2021 - 2022 là giai đoạn tạo tiền đề, thì 2023 là thời điểm để tăng tốc. Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến 2025 - 2030, mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Bộ trưởng khẳng định.

Để đạt được những mục tiêu trên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn với các bộ, ngành, địa phương, như: chuẩn bị mặt bằng sạch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, chuẩn bị sẵn các "gói" chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.

Về dài hạn, cần chú trọng kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch, xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch, yêu cầu phát triển và mục tiêu cải thiện vị thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu một số đề nghị với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp. Bộ trưởng khẳng định, “mỗi một doanh nghiệp các bạn đều là một đối tác chiến lược toàn diện của chúng tôi”.

Về kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, các vấn đề như giấy phép lao động, thị thực, phòng cháy, chữa cháy, dược phẩm đã, đang được các bộ, ngành liên quan xử lý. Các nhóm vướng mắc cần xử lý thời gian tới, gồm: Điện lực và năng lượng, thủ tục xin cấp phép thành lập, vận hành các cơ sở giáo dục, đánh giá tác động môi trường; áp dụng tính lãi đối với tài khoản ngoại tệ, tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Với kiến nghị của Kocham, Eurocham, Amcham về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó Bộ Tài chính là cơ quan thường trực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp ứng phó vừa đảm bảo thực hiện cam kết của OECD, vừa đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư cũng như bảo đảm tính cạnh tranh của môi trường đầu tư.

Theo Việt Linh

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên