MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội

Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô để đáp ứng điều kiện phát triển của TP Hà Nội trong thời gian tới.

Sáng 12-6, qua điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với thủ đô Hà Nội.

Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết cho phép Hà Nội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù nhằm tạo điều kiện để phát triển thủ đô nhanh, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - khoa học và khẳng định vai trò đầu tàu, động lực kinh tế của cả nước.

Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu về cơ chế đặc thù cho Hà Nội .Ảnh: NGUYỄN Ý

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu các quy định về cơ chế tài chính, chính sách hiện hành chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của Hà Nội. Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức ở nhiều lĩnh vực như: tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, bền vững, tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng đô thị, do gia tăng dân số cơ học. Cùng với đó là quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; ô nhiễm môi trường, ngập úng, ùn tắc giao thông chưa được giải quyết căn cơ... Trong khi đó, quyền hạn và nguồn lực được giao chưa tương đồng với vai trò, trách nhiệm của thủ đô đối với cả nước và các vùng lân cận.

Từ thực tế này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng việc xem xét, bổ sung cơ chế, chính sách về tài chính, ngân sách sẽ cho phép Hà Nội huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, đáp ứng đòi hỏi của thực tế phát triển.

"Các cơ chế, chính sách này cũng sẽ giúp thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2025, xây dựng và phát triển Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước, xứng đáng là thủ đô, là động lực phát triển của vùng và của cả nước" - ông Nguyễn Sỹ Cương nói và cũng đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, để đáp ứng điều kiện phát triển của TP trong thời gian tới.

Đồng tình với dự thảo nghị quyết, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết trong nghị quyết đề xuất đến 9 cơ chế, trong đó, 7 cơ chế QH đã thông qua tại Nghị quyết 54 cho TP HCM, chỉ còn 2 nội dung khác biệt. Thứ nhất, Hà Nội xin sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dư thì đầu tư cho những công trình cấp bách. Thực chất ở đây tức là tiết kiệm chi thường xuyên cho việc chi đầu tư, không lý do gì lại không đồng tình để Hà Nội được thực hiện đi đầu trong việc này. Thứ hai, Hà Nội cũng xin đề xuất sử dụng ngân sách của TP để hỗ trợ những địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn.

"Tinh thần này rất rõ, đây là một tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Tôi nghĩ cũng không có lý do gì phải băn khoăn khi thông qua cơ chế này" - ĐB Hoàng Văn Cường nói.

Phê chuẩn nhân sự Hội đồng Bầu cử quốc gia

Sáng 12-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, với 92,96% tổng số ĐBQH tán thành, QH chính thức thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Các Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia gồm: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các Phó Chủ tịch QH: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển; Trưởng Ban Công tác ĐB Trần Văn Túy; Tổng Thư ký QH - Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nguyễn Văn Được; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga.

Trước đó, ngày 11-6, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Theo đó, 462/462 ĐBQH có mặt đã tán thành việc bầu Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cũng trong sáng 12-6, QH đã tiến hành biểu quyết Nghị quyết về bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đối với ông Dương Thanh Bình, với tỉ lệ 93,37% tổng số ĐBQH đồng ý.

Hôm nay, 13-6, QH dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về: Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề ĐBQH nêu.

Giám sát hỗ trợ để "bò không chạy nhầm chuồng"

Chiều 12-6, QH thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Theo ĐB Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh), đối tượng được thụ hưởng của chương trình trên là đồng bào dân tộc ít người, hướng đến mục tiêu "không ai bị bỏ lại phía sau". Nhưng muốn vậy, rất cần sự giám sát ngay từ lúc triển khai chính sách để việc hỗ trợ không "đi nhầm" sang các địa chỉ khác. Nếu "đi nhầm" sẽ ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của người dân.

Từ thực tế, ĐB Lưu Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng chính sách đúng đắn, song nếu người thực hiện thiếu trong sáng thì hiệu quả sẽ kém. Vì thế, Chính phủ phải có chế tài đủ mạnh xử lý hành vi sai phạm gian lận ngay từ đầu, tránh tình trạng "xe đi nhầm đường", "bò vào nhầm chuồng".

Theo Văn Duẩn - Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên