MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần cơ chế khuyến khích để tăng tốc cho vay xanh

11-09-2024 - 13:57 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo ước tính của WB, Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040 (khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0. Trước nhu cầu vốn lớn như vậy, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ quá trình xanh hóa của nền kinh tế.

Lấy “xanh” làm mục tiêu phát triển dài hạn

Theo chia sẻ của bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đã hoàn thiện các quy định, định hướng về ngân hàng xanh và tín dụng xanh phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Trong đó, đáng chú ý là Thông tư số 17/2022/TT-NHNN ngày 23/12/2022 hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm triển khai nhiệm vụ được giao tại Luật Bảo vệ môi trường (2020), thể hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Gần nhất, NHNN ban hành Quyết định 1663/QĐ-NHNN ngày 6/8/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ban hành năm 2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Trong đó có những nội dung bổ sung, chỉnh sửa liên quan đến phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh và nhiệm vụ cụ thể của các tổ chức, đơn vị có liên quan. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm của ngành Ngân hàng trong đẩy mạnh nguồn vốn xanh phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Với những nỗ lực đó, theo bà Tùng, đến nay các TCTD đã có sự thay đổi nhận thức về phát triển bền vững trong hoạt động ngân hàng. Số liệu thống kê tính đến cuối tháng 6/2024 cho thấy, dư nợ tín dụng xanh và phát triển bền vững đạt khoảng hơn 680.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5,4% tổng dư nợ tín dụng. Một số ngân hàng đã lấy “xanh” làm mục tiêu phát triển lâu dài.

Tại Agribank, TS. Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ - Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG Agribank thông tin, dư nợ cho vay các lĩnh vực xanh của Agribank như lâm nghiệp bền vững, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh... tăng trưởng ổn định qua các năm. Trong năm 2024, Agribank tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh, đặc biệt tập trung vào nông, lâm nghiệp và năng lượng tái tạo. Kết quả cho vay đối với các lĩnh vực xanh tăng trưởng tích cực, trong đó năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đạt dư nợ lớn nhất, chiếm tỷ trọng hơn 50%/tổng dư nợ cấp tín dụng xanh. Các dự án này hiện đang triển khai rất hiệu quả và mang lại lợi ích về môi trường và xã hội cũng như thúc đẩy kinh tế tại địa phương.

Ở khối NHTMCP, nhiều ngân hàng cũng dành một lượng vốn không nhỏ với lãi suất ưu đãi cho vay lĩnh vực xanh. TPBank vừa ra mắt gói tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng dành riêng cho các dự án xanh, với lãi suất 0% trong 3 tháng đầu cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông vận tải và nông nghiệp bền vững. ACB cũng đã triển khai gói tín dụng xanh/xã hội trị giá 2.000 tỷ đồng từ đầu năm 2024, với nhiều ưu đãi dành cho các doanh nghiệp có phương án kinh doanh có lợi cho môi trường và xã hội…

Cần cơ chế khuyến khích để tăng tốc cho vay xanh- Ảnh 1.

Ngành Ngân hàng đang nỗ lực tăng tốc cho vay các dự án xanh

Chờ danh mục phân loại xanh quốc gia

Theo đại diện các nhà băng, yếu tố mấu chốt để họ mạnh dạn cho vay xanh đó là danh mục xanh quốc gia, tạo nên sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh trong ngành Ngân hàng với các bộ, ngành khác. Từ đó, ngân hàng mới xác định được các dự án, khoản vay được gắn nhãn “xanh”, xác định được định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp. Tuy nhiên dù NHNN đã ban hành hướng dẫn thống kê các lĩnh vực xanh là các dự án, phương án thuộc 12 lĩnh vực, nhưng đây chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia. Vì vậy, các TCTD vẫn đang khá lúng túng trong triển khai thực hiện các hoạt động cấp tín dụng xanh.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường - đơn vị đang phụ trách soạn thảo danh mục phân loại xanh quốc gia nhận định, NHTM chỉ là trung gian tài chính, để các ngân hàng thực hiện cho vay bền vững, thực hành tiêu chí Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG) trong kinh doanh thì rất cần danh mục phân loại xanh để có thể hỗ trợ ngân hàng trong quá trình nhận diện và đánh giá thế nào là dự án xanh. Điều này không chỉ giúp việc chuẩn hóa các quy trình của ngành Ngân hàng mà còn tạo ra những nền tảng làm nên tính minh bạch trong việc định hướng các dòng đầu tư trong lĩnh vực tài chính.

“Với danh mục phân loại xanh quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi tham khảo ý kiến từ các bên, trong đó có NHNN, đang gấp rút hoàn thiện dự thảo về danh mục và bộ tiêu chí xanh. Hy vọng sẽ được sớm ban hành trong những tháng còn lại của năm 2024”, vị này thông tin thêm.

Ngoài động lực từ danh mục phân loại xanh quốc gia, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc cần có cơ chế khuyến khích, ưu tiên đối với TCTD phát triển tín dụng xanh. Bởi lẽ, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, công trình xanh... đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, nguồn vốn cho vay của TCTD trong nước thường là từ vốn huy động ngắn hạn, huy động thương mại đơn thuần với chi phí cao. Khó khăn còn ở việc cân đối vốn và đáp ứng yêu cầu đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một trở ngại nữa trong việc cho vay vốn chuyển đổi xanh, theo ông Hà Huy Cường, Phó Tổng giám đốc Nam A Bank chia sẻ, đó là các doanh nghiệp phải tự xác định, xây dựng lộ trình, trong khi cơ sở nền tảng hỗ trợ liên quan đến vấn đề này còn rất hạn chế. Vì thế, ngân hàng phải thuê tư vấn nước ngoài, giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, quy trình vận hành trách nhiệm ngay từ đầu nên chi phí rất lớn.

Do vậy, các chuyên gia trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ các TCTD tiếp cận các nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi, đồng thời kêu gọi nguồn lực quốc tế cho việc cung ứng vốn cho các dự án xanh; Thậm chí có thể cân nhắc cho phép không tính nguồn vốn để cho vay các dự án xanh vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để tài trợ cho các dự án tín dụng xanh; Tăng giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đạt tiêu chuẩn ngân hàng xanh để hướng đến tài trợ cho các phương án/dự án xanh nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ và NHNN đã đặt ra.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia này, việc sử dụng các công cụ trên cần được cân nhắc thận trọng, linh hoạt theo hướng vừa đảm bảo được nguồn vốn cho tín dụng xanh, vừa đảm bảo ổn định các mục tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ.

Theo Quỳnh Trang

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên