MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có chính sách để “ông lớn" lôi kéo doanh nghiệp nhỏ vào làm CNTT

Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số cho rằng, chính sách về CNTT cần tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt có thể phát triển được, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Phải làm thế nào để các “ông lớn" lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ vào làm CNTT.

Góp ý về việc xây dựng chính sách về CNTT, ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và Nội dung số đề xuất, khi nghiên cứu chính sách về phát triển CNTT cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm là hạ tầng, dịch vụ và doanh nghiệp.

Về hạ tầng CNTT nói chung ở nước ta đã có quy hoạch tốt nhưng việc quản lý để phát triển các dịch vụ trên hạ tầng này chưa thấy rõ vai trò của nhà nước. Nhà nước cần phát huy tốt vai trò của mình, đưa ra các chính sách để phát triển tốt mảng này, kể cả về nội dung số và mạng xã hội.

Về phát triển dịch vụ CNTT, cần có biện pháp đưa ra nhiều dịch vụ hơn. Hiện tại Đề án phát triển sản phẩm CNTT trọng điểm quốc gia đã được duyệt, tuy nhiên ông Minh cho rằng, khái niệm này là một tư duy cũ, tư duy của thời kỳ đầu phát triển CNTT; do đó cần thay đổi tư duy về việc phát triển dịch vụ CNTT hoặc đổi tên cho Đề án.

Đối với phát triển doanh nghiệp thì phải có chính sách thúc đẩy nội lực doanh nghiệp Việt Nam tham gia làm sản phẩm cung cấp cho thị trường CNTT trong nước và thế giới. Sự phát triển chung của toàn thị trường Việt Nam khá nhanh, nhưng số lượng các tập đoàn CNTT lớn của nước ngoài khá nhiều trong đó có Samsung, các doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm lĩnh tỷ trọng lớn trên thị trường. Do vậy, rất cần có chính sách giúp các doanh nghiệp Việt có thể phát triển được, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Phải làm thế nào để các doanh nghiệp lớn lôi kéo những doanh nghiệp nhỏ vào làm CNTT.

Ông Hoàng Lê Minh cũng nêu ra một bất cập rất lớn về chính sách. Ví dụ, Viettel có tiềm lực lớn, có nguồn vốn lớn và được Chính phủ cho phép dùng 2.000 tỷ đồng để phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm CNTT Viettel vẫn đi ký với Microsoft và các doanh nghiệp nước ngoài khác mang về bán.

Do vậy ông Minh kiến nghị, phải có vai trò nhà nước trong phát triển doanh nghiệp, giả sử dành 2.000 tỷ đồng cho phát triển công nghiệp thì cần quy định dành 1.000 tỷ đồng để phát triển doanh nghiệp theo mô hình mua bán công ty, mua bán các sản phẩm như là một hệ sinh thái. Nếu chỉ đầu tư theo kiểu tuyển người về làm thì không hình thành được hệ sinh thái.

Liên quan đến đầu tư mạo hiểm, ông Minh cho rằng, tư bản bỏ tiền vào đầu tư mạo hiểm có khi mang lại lợi nhuận cao đến 20%, nhưng để đầu tư mạo hiểm cần tới số tiền 50-70 triệu USD. Do đó, phải có sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp lớn, bên cạnh việc huy động nguồn lực từ nước ngoài hoặc xã hội hóa.

Trong cuộc họp sáng ngày 26/5/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Vụ CNTT cần tập trung điều phối, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai tốt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT - TT và các Chương trình dự án phát triển công nghiệp CNTT, Chương trình mục tiêu về CNTT.

Vụ CNTT cần thường xuyên rà soát, đánh giá những thuận lợi, khó khăn để kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho các đơn vị triển khai, đặc biệt đối với những nhiệm vụ mà Bộ TT&TT được phân công, Vụ cần gương mẫu, triển khai nhanh tạo động lực thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả. Vụ CNTT cũng được giao làm tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo Bộ tham gia có hiệu quả tại Ủy ban quốc gia về Ứng dụng CNTT.

Đối với việc đánh giá tình hình phát triển và hỗ trợ hoạt động ứng dụng CNTT tại Trung ương và địa phương, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo, Vụ CNTT tăng cường tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các nước có trình độ tiên tiến và có tính tới đặc thù phát triển của Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, chỉ số đánh giá về mức độ phát triển CNTT tại các địa phương, cơ quan, đơn vị bảo đảm hợp lý, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn và xu thế phát triển. Trong đó, cần rà soát để loại bỏ những chỉ tiêu không còn ý nghĩa và bổ sung thêm những chỉ tiêu mới để sát hơn với thực tế.

Việc xây dựng và áp dụng định mức kinh tế kỹ thuật cho các dịch vụ CNTT là rất đặc thù và khó khăn hơn rất nhiều so với các dịch vụ khác, do đó Vụ CNTT cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những đề xuất, kiến nghị khả thi, phù hợp với quy định chung của pháp luật.

Theo Khôi Nguyên

ICTnews

Trở lên trên