MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần có gì để thành công khi tham gia thị trường chứng khoán phái sinh?

Nhà đầu tư Chứng khoán nên cẩn thận, kiên nhẫn, đi từ cái đơn giản đến những cái phức tạp. Kiến thức là yếu tố nền tảng để các nhà đầu tư gặt hái thành công ở thị trường còn đang mới mẻ này.

“Chứng khoán phái sinh cho chúng ta rất nhiều cơ hội. Cũng giống như khi giải phương trình, bạn không thể giải ra 2 ẩn x, y khi chỉ có một phương trình bậc nhất. Chứng khoán phái sinh sẽ giúp bạn cố định được một ẩn số và tìm được ẩn y một cách dễ dàng” - So sánh này đã được Ts. Võ Trí Thành - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra mới đây trong buổi Hội thảo Sắc màu Chứng khoán 2017 với chủ đề Hiện thực hóa tương lai do Câu lạc bộ Chứng khoán trường Đại học Ngoại thương tổ chức.

Phái sinh thay thế một giao dịch trong tương lai bằng một giao dịch xác định trong hiện tại dựa trên tài sản cơ sở, qua đó giúp hạn chế rủi ro khi biến điều bất định của tương lai bằng xác định của hiện tại, Ts. Võ Trí Thành nói.

Mặt khác, ông cũng khẳng định những thách thức, rủi ro mà Chứng khoán phái sinh mang lại: “Tuy nhiên, ngay cả khi bạn giải được phương trình, chưa chắc bạn đã giành chiến thắng”. Bởi giá của tương lai diễn biến trái ngược kỳ vọng, người tham gia có thể thắng hoặc thua.

Ông Thành cũng dẫn ra hình thức cao cấp hơn của phái sinh đó là hợp đồng phái sinh của phái sinh. Có những trường hợp rất rủi ro như tổng giao dịch có thể lớn hơn giá trị thực của tài sản đặt làm cơ sở mà điển hình là câu chuyện của CDS.

Ts. Cấn Văn Lực – Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV và Ts. Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng Phân tích và Dự báo Thị trường Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cũng đồng tình về tính hai mặt mà thị trường này mang lại.

Vị diễn giả chia sẻ câu chuyện về 2 chi nhánh của một ngân hàng đã mất 100 tỷ đồng trong năm vì cho vay những công ty kinh doanh cà phê tham gia thị trường phái sinh.

Trong năm 2017 này, UBCKNN dự kiến sẽ đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động từ quý II. Chỉ hai sản phẩm được áp dụng đầu tiên gồm hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số chứng khoán (VN30 và HNX 30) và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Nói về lý do lựa chọn tài sản cơ sở này, Ts. Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết các chỉ số cổ phiếu được lựa chọn trong thời kỳ thai nghén thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam là bởi tính thanh khoản và khả năng thao túng chỉ số sẽ khó hơn qua đó hạn chế rủi ro xảy ra trên thị trường và phù hợp thông lệ quốc tế.

Còn đối với trường hợp của trái phiếu Chính phủ, không phải thị trường nào cũng lựa chọn trái phiếu Chính phủ làm tài sản cơ sở. Nhưng ở Nhật Bản, hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ là loại sản phẩm phái sinh đầu tiên. Thị trường trái phiếu Chính phủ Nhật Bản có tính thanh khoản rất tốt. Loại chứng khoán này được đưa vào làm tài sản cơ sở cũng nhằm mục đích thúc đẩy thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam, đồng thời đa dạng hóa cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, những nhà đầu tư chứng khoán nên cẩn thận, kiên nhẫn, đi từ cái đơn giản đến những cái phức tạp. Kiến thức là yếu tố nền tảng để các nhà đầu tư gặt hái thành công ở thị trường còn đang mới mẻ này.

Đối với các bạn sinh viên hiện còn đang ngồi trong ghế nhà trường, đối tượng chính của buổi hội thảo, theo Ts. Cấn Văn Lực cần trau dồi kiến thức cơ bản để có cái nền vững chãi trước khi ra trường, tham gia các hoạt động ngoại khóa, buổi Hội thảo, các cuộc thi về Chứng khoán để tiếp xúc, trải nghiệm, học hỏi những điều không có trong sách vở..

Chứng khoán phái sinh (derivative securities) là loại chứng khoán được hình thành dựa trên một loại tài sản cơ sở (hay còn gọi là tài sản gốc) nhất định và giá trị của nó phụ thuộc vào giá của tài sản cơ sở đó.

Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (HĐTL CSCP) là hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu. Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (HĐTL TPCP) là hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là một trái phiếu giả định có đặt điểm như một trái phiếu Chính phủ do Kho bác Nhà nước phát hành. Hai loại hợp đồng này sẽ là sản phẩm phái sinh đầu tiên của Việt Nam.

Hiện hai sở đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động từ quý II/2017; đồng thời, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với nhu cầu và sự phát triển của TTCK, đảm bảo khả năng quản lý, giám sát các rủi ro trên thị trường.

Theo Thanh Thủy

NDH

Trở lên trên