Cần "cú hích" hút vốn đầu tư cho cảng cạn vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
Kế hoạch 12742 nêu rõ: ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc.
Ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc, tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức.
- 06-12-2022Cần làm rõ việc sử dụng nguồn thu từ thuế môi trường với xăng dầu
- 06-12-2022Hơn 900 tỷ đồng đầu tư đường nối cảng biển Cà Ná với cao tốc Bắc - Nam
- 06-12-2022Vốn phát triển hạ tầng giao thông đến năm 2025 tăng gần 3 lần
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Kế hoạch số 12742/KH-BGTVT về phát triển vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch nhằm thúc đẩy phát triển vận tải các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Hoà Bình theo hướng hiện đại, đồng bộ, giảm chi phí và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Kế hoạch số 12742 nêu rõ: "Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu thị phần vận tải, ưu tiên đầu tư cho các phương thức vận tải đường sắt bao gồm cả đường sắt liên vận, đường thủy nội địa, hàng không nhằm giảm áp lực cho vận tải đường bộ".
Cùng với đó, đổi mới công nghệ xếp dỡ tại các đầu mối vận tải, áp dụng các công nghệ vận tải tiên tiến, phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
"Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư phương tiện chở container trên đường sắt, đường thuỷ nội địa; nâng cao năng lực xếp dỡ container tại các đầu mối tập kết hàng hoá; đổi mới, hiện đại hóa các phương tiện vận tải, thiết bị xếp dỡ và nâng cao chất lượng dịch vụ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; kiểm soát chất lượng phương tiện và nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích sử dụng phương tiện và nhiên liệu sạch", Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giao thông vận tải.
Ngoài ra, triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường công tác kiểm tra tải trọng xe, tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành luật, xử lý nghiêm các vi phạm luật giao thông.
Để hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, một trong những giải pháp mà kế hoạch đưa ra là phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics gồm: "Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức trên các hành lang vận tải chính, đặc biệt là hành lang Bắc - Nam và các hành lang kết nối với các cảng biển cửa ngõ quốc tế nhằm tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, giảm chi phí vận tải biển, giảm chi phí logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng cạn theo quy hoạch được duyệt làm đầu mối kết nối các phương thức vận tải kết hợp cung cấp các dịch vụ logistics".
Đặc biệt, ưu tiên đầu tư các cảng cạn kết nối với đường thủy nội địa, đường sắt ở khu vực phía Bắc; tăng cường kết nối dịch vụ vận tải giữa các phương thức thông qua việc kết nối hoạt động của các doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn, có khả năng thực hiện các chuỗi vận tải nội địa - quốc tế với giá thành hợp lý, chất lượng cao", Kế hoạch số 12742 nêu rõ.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP); cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải...
Cùng với đó, chú trọng tăng cường kết nối dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác bằng các hình thức xã hội hóa đầu tư hệ thống kho bãi, thiết bị xếp dỡ, đường giao thông kết nối tại các ga, cảng đầu mối. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch vận tải, logistics để tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác. Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải.
Tỉ lệ sử dụng cảng cạn, cảng thông quan nội địa phía Bắc còn thấp.
Trên thực tế, tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container thông qua các cảng cạn và điểm thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động hiện nay khoảng 4,2 triệu Teu/năm. Trong đó, cảng cạn và cảng ICD ở miền Bắc thông qua khoảng 0,45 triệu Teu/năm, miền Nam khoảng 3,65 triệu Teu/năm).
Tính đến nay, cả nước đã đầu tư, công bố và đưa vào khai thác 10 cảng cạn (9 cảng cạn khu vực phía Bắc và 1 cảng cạn khu vực phía Nam) và 6 cảng thông quan nội địa (ICD) đang hoạt động thuộc các vị trí được quy hoạch cảng cạn nhưng các Chủ đầu tư chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi thành cảng cạn theo quy định.
Ước tính, 90% hàng hóa thông qua các cảng thông quan nội địa (ICD), bao gồm 6 cảng ICD đã quy hoạch thành cảng cạn và cả cụm cảng ICD Trường Thọ, TP.HCM.
Khối lượng hàng thông qua 10 cảng cạn đã công bố chỉ chiếm khoảng 10% do hầu hết đều mới được hình thành và đều nằm ở miền Bắc, ngoại trừ cảng cạn Tân cảng Nhơn Trạch ở Đồng Nai.
Đáng lưu ý, thực trạng vận chuyển trực tiếp đến cảng biển gặp nhiều khó khăn do ùn tắc, kết nối chưa thuận lợi cũng khiến việc sử dụng cảng cạn ở miền Nam cao hơn so với miền Bắc.
Trong khi đó, các cảng cạn miền Bắc chưa kết nối với cảng biển rõ rệt do thị trường vận tải container đường biển chỉ bằng khoảng 30% so với miền Nam.
Bên cạnh đó, cảng biển khu vực miền Bắc không thường xuyên xảy ra ùn tắc nên hàng hóa không bắt buộc phải trung chuyển qua cảng cạn để đến cảng biển như miền Nam. Do đó, tỉ lệ sử dụng cảng cạn, cảng thông quan nội địa phía Bắc còn thấp.
Việc đầu tư khai thác cảng cạn hiện nay đều được thực hiện bằng các nguồn vốn xã hội hóa, bởi nhiều thành phần doanh nghiệp trong nước. Ở khu vực miền Bắc, Công ty Tân Cảng Sài Gòn hiện là doanh nghiệp khai thác cảng cạn lớn nhất và có năng lực nhất khi sở hữu 3 cảng cạn là Tân Cảng Quế Võ, Tân Cảng Hà Nam và Tân Cảng Đình Vũ, đặc biệt là khả năng điều phối, liên kết với các cảng biển cùng chủ sở hữu.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp khai thác cảng cạn khác chưa thực sự khai thác hiệu quả vai trò của cảng cạn đối với cảng biển, chủ yếu mới tập trung khai thác dịch vụ logistics kho bãi, vận tải container đường bộ, giao nhận...
Cùng đó, khả năng liên kết với hãng tàu container còn hạn chế nên tỷ lệ vận đơn cảng đích qua cảng cạn ở khu vực miền Bắc chưa cao. Do đó, yêu cầu đầu tư, phát triển cảng cạn ở khu vực miền Bắc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Diễn đàn doanh nghiệp