MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần đánh giá lại việc cấp ngân sách bù lãi suất cho 2 ngân hàng

16-06-2017 - 14:45 PM | Tài chính - ngân hàng

Đại biểu cho rằng trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, nợ công gia tăng thì phải đánh giá lại những bất cập trong quản lý, thực hiện các khoản đầu tư từ nguồn lực có tính nhà nước cũng như việc phải đánh giá lại việc cấp bù lãi suất.

Thảo luận tại hội trường về Luật quản lý nợ công sửa đổi sáng ngày 16/6, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đoàn Bắc Ninh cơ bản thống nhất quy định như trong dự thảo luật.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần xem xét tính toán kỹ thêm đối với các khoản nợ khác mà Chính phủ không bảo lãnh.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp nhà nước và cả doanh nghiệp nhà nước giữ cổ phần chi phối thì Nhà nước có trách nhiệm đối với khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng trả nợ không? Đối với một doanh nghiệp thì cũng song song tồn tại một khoản vay có bảo lãnh Chính phủ và những khoản vay không có bảo lãnh Chính phủ thì khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì trách nhiệm của Nhà nước đến đâu. Trên danh nghĩa các khoản nợ vay của doanh nghiệp này là tự vay, tự trả nhưng các doanh nghiệp này thường được nhận những khoản hỗ trợ mềm. Đó chính là hỗ trợ của Chính phủ dưới các hình thức như bổ sung vốn, khoanh, giãn nợ, chuyển, xóa nợ.

Trên thực tế, theo đại biểu, tất các các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian qua chưa có doanh nghiệp nào phá sản mà luôn luôn được sử dụng các phương pháp mềm như đại biểu vừa đề cập ở trên để xử lý đối những doanh nghiệp thua lỗ cũng như hoạt động không có hiệu quả. Nguồn hỗ trợ này cuối cùng cũng đều góp phần vào việc tăng chi tiêu ngân sách ảnh hưởng tới nợ công. Ví dụ tiêu biểu như nợ của Vinashin tại các ngân hàng thương mại thì Chính phủ vẫn phải bỏ ra một phần tiền để bù đắp, đồng thời cũng đã chuyển một phần nợ sang cho Vinalines và PVN, bổ sung vốn tiền từ ngân sách nhà nước, tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ lên 14.655 tỷ.

Một vấn đề nữa cũng được đại biểu Bảo quan tâm đó là việc nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng, đại biểu đề nghị phải đánh giá lại. Đây cũng là những khoản nợ phải bố trí nguồn ngân sách để trả nếu không tính vào nợ công, sẽ dẫn đến những rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành ngân sách.

Đại biểu đề cập sâu hơn đối với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Theo đại biểu, trong những năm qua VDB cũng hoạt động có những vấn đề cần phải xem xét, đánh giá lại. Nhiều hoạt động đầu tư của ngân hàng này cũng không đem lại hiệu quả cao khi vay không đúng đối tượng chính sách và hoạt động không đầy đủ chức năng theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng hay những quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn vốn được huy động chủ yếu của VDB là được phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và nhận nguồn vốn từ ODA cho vay lại. Tỷ trọng này chiếm đến 70% - 80% trong tổng số huy động của VDB. Như trong năm 2016, riêng vốn từ trái phiếu Chính phủ để cho VDB sử dụng để cho vay lại là 21.500 tỷ. Đây là các khoản vay mà Chính phủ phải trả cho các chủ nợ hay có thể nói cách khác đó chính là những khoản nợ công.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, nợ công gia tăng thì theo đại biểu, cũng phải đánh giá lại những bất cập trong quản lý, thực hiện các khoản đầu tư từ nguồn lực có tính nhà nước cũng như việc phải đánh giá lại việc cấp bù lãi suất.

Tùng Lâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên