MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cân đối ngân sách đã có thặng dư

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu nên cân đối ngân sách nhà nước tháng 4 và 4 tháng có thặng dư ...

Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 8/5.

Bộ trưởng cho biết, thu ngân sách 4 tháng đạt 517,87 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ 2018. Trong đó thu nội địa đạt 36,2% dự toán, tăng 14%. Thu về dầu thô đạt 41% dự toán, giảm 2,2%.

Chi ngân sách 4 tháng đạt 429,8 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó chi thường xuyên đạt 32% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong bối cảnh có thặng dư, Bộ trưởng Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công.

Tổng số đã phát hành được 82 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (chưa bao gồm 7 nghìn tỷ đồng phát hành nhận nợ với bảo hiểm xã hội Việt Nam theo nghị quyết của Quốc hội) với kỳ hạn bình quân là 12,51năm, lãi suất bình quân là 4,92%/năm.

Thẩm tra sơ bộ về tình hình ngân sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội lưu ý, đối với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tiến độ giải ngân còn chậm, sẽ tạo áp lực khá lớn trong những tháng còn lại. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp mạnh hơn, chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển.

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Cũng liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh năm 2018 việc này vẫn còn rất chậm, diễn ra khá nhiều năm, chưa có giải pháp mạnh, hiệu quả để điều chỉnh cũng như khắc phục. Theo đó, số chuyển nguồn vốn đầu tư công cũng khá lớn.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời đề nghị Chính phủ cần khẩn trương chấn chỉnh nâng cao năng lực quản lý, điều hành tổ chức, chỉ đạo thực hiện, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm việc sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, hạn chế chuyển nguồn qua các năm.

Một số ý kiến cho rằng, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về số vốn vay đã nhận nợ và số vốn trái phiếu Chính phủ đã phát hành nhưng chậm giải ngân, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phản ánh.

Ông Hải cũng nhấn mạnh, qua giám sát, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm…

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương sát sao trong công tác quản lý, tăng cường chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chi ngân sách, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ đã ban hành.

Về mức dư nợ công, báo cáo thẩm tra cho biết, tính đến 31/12/2018, dư nợ công ước khoảng 58,4%GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 50%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 46%GDP.

Thường trực Ủy ban thẩm tra đánh giá, tình hình nợ công đã được quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn, các mức dư nợ đều thấp hơn quy định tại nghị quyết số 25/2016/QH13 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Theo Nguyên Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên