Cần Giuộc chuyển mình nhờ phát triển hạ tầng và công nghiệp
Xu hướng đầu tư dịch chuyển ra vùng ven đã góp phần tạo nên sự nhộn nhịp cho thị trường bất động sản ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM. Trong đó, Cần Giuộc - khu vực đang kết nối mạnh mẽ với khu Nam Sài Gòn bằng hệ thống hạ tầng trọng điểm và phát triển công nghiệp đã lọt vào tầm ngắm của giới đầu tư địa ốc.
Hạ tầng giao thông - "cánh tay" đắc lực cho những bước tiến
Hạ tầng giao thông được chú trọng phát triển là động lực thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, thu hút dòng vốn đầu tư và tạo ra tiềm năng gia tăng giá trị cho các dự án bất động sản đã và đang phát triển tại khu vực này. Long An nói chung và Cần Giuộc nói riêng đang vượt mặt các khu vực khác khi hưởng trọn lợi thế từ hạ tầng giao thông "tỉ đô".
Hàng loạt các công trình được cải thiện và đầu tư như: trục đường Nguyễn Hữu Thọ - tuyến đường huyết mạch khu Nam, bắt đầu từ cầu Kênh Tẻ, băng qua đại lộ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm. Từ cầu Bà Chiêm tiếp nối với đường Nguyễn Văn Tạo và kết nối với khu công nghiệp đô thị Long Hậu. Tuyến đường này sẽ được mở rộng từ 6 lên 8 làn xe, quy hoạch lộ giới 60m... Tuyến Metro số 4 nối Q.12, Tân Bình, Phú Nhuận, Q.1, Q.4, Q.7 và khu đô thị cảng Hiệp Phước. Hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ giúp gỡ nút thắt kẹt xe lớn ở phía Nam thành phố, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022. Đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) nối tỉnh lộ 826C (Cần Giuộc) mở rộng lên 40m. Ngoài ra, việc đưa vào hoạt động tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đi qua Cần Giuộc (Long An) sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ rút ngắn thời gian nhiều lần.
Bên cạnh đó là kế hoạch đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 với tổng nhu cầu vốn gần 30.000 tỷ đồng, trong đó 2 tuyến đường: ĐT.830E và ĐT.827E đóng vai trò quan trọng nhất. Các tuyến đường này khi hình thành sẽ góp phần kết nối các khu, cụm công nghiệp quan trọng từ Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… đến cảng Hiệp Phước - TP.HCM và cảng quốc tế Long An, hợp thành chuỗi giao thông thông suốt từ Phú Mỹ Hưng (Q.7) - KĐT cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) - KCN Long Hậu (Cần Giuộc), góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Cần Giuộc nói riêng và cả tỉnh Long An nói chung. Theo đó, giá trị bất động sản trong khu vực này hiển nhiên sẽ gia tăng phi mã.
Cần Giuộc cũng có hệ thống giao thông đường thủy đa dạng. Trong đó, cảng Quốc tế Long An được đầu tư với nguồn vốn trên 10.000 tỷ đồng. Khi các tuyến giao thông kết nối thông suốt, Cảng Quốc tế Long An không chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà còn cả một phần TP. HCM và các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL.
Sức bật từ thế mạnh phát triển công nghiệp
Huyện Cần Giuộc đã nhanh chóng vươn lên trở thành "miền đất hứa" công nghiệp của Long An
Hiện tại Long An có 32 KCN đã được quy hoạch đồng bộ, diện tích 11.523,14ha và 62 CCN diện tích 3.106ha, tiêu biểu như: KCN Long Hậu, KCN Hiệp Phước, KCN Đông Nam Á Long An, KCN Tân Kim... và nhiều khu nhà xưởng lớn nhỏ khác. Trong đó, KCN Long Hậu với cơ sở hạ tầng hoàn thiện 100%, đã lấp đầy 90% diện tích giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với tổng quy mô 250ha, hiện đang hoàn thiện hạ tầng cho giai đoạn 3 - quy mô 124ha, hứa hẹn trở thành địa điểm đầu tư tốt nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là Khu đô thị cảng Hiệp Phước với quy mô hơn 3.900 ha, gồm Khu Công Nghiệp, hệ thống cảng và khu đô thị. Với vị trí chiến lược ở cửa ngõ phía Nam Sài Gòn, thông thương ra Biển Đông qua luồng Soài Rạp và kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Tây và miền Đông.
Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tập trung dân cư, góp phần mở rộng các thị trấn, thị tứ; đồng thời tạo lập thêm nhiều điểm dân cư đô thị mới trên địa bàn Long An.
Với những lợi thế về nhiều mặt, đặc biệt là lực nâng từ hạ tầng, cùng quy hoạch khu siêu kinh tế, khu công nghiệp thu hút đầu tư nước ngoài, Cần Giuộc nói riêng và Long An nói chung hứa hẹn là điểm đến an cư của nhiều đối tượng khách hàng và là tâm điểm đầu tư bất động sản lý tưởng tại phía Nam trong thời gian tới.