Cần hành động khẩn cấp chặn phế liệu nhập vào Việt Nam
Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến những tháng đầu năm 2018 và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn đang bàn thảo giải pháp xử lý số liệu phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng.
- 06-07-2018Sắp khởi tố một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu
- 04-07-2018Phạt 30 triệu đồng DN nhập phế liệu không đạt chuẩn và buộc tái xuất
- 02-07-2018Giải pháp nào để xử lý container phế liệu tại cảng biển?
Sáng 12/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp liên ngành với sự tham gia của Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Giao thông Vận tải…nhằm tìm giải pháp xử lý phế liệu tồn đọng tại các cảng biển và ngăn chặn tình trạng phế liệu nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
Theo Báo cáo công tác quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, tổng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng 2 lần so với khối lượng nhập khẩu 2016. Trong đó khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy, xỉ hạt nhỏ tăng 2-3 lần. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến 2 lần so với cả năm 2017. Nguồn xuất đến từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Canada. Tính đến 26/6/2018, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại Tân cảng Sài Gòn là 4.480 container, trong đó riêng cảng Cát Lái là 3.464 container. Tại Hải Phòng, đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container.
Theo đại diện Bộ Công Thương, chưa thể cấm 100% nhập phế liệu nhưng phải có chiến lược sử dụng, trong đó có việc nhập khẩu. Cần xem xét 3 tiêu chí gồm tính cấp thiết của việc nhập phế liệu trong mối tương quan với khả năng gây ô nhiễm môi trường, hai là xem khả năng đáp ứng của nguồn phế liệu trong nước đến đâu. Ba là, nếu không có công nghệ xử lý an toàn thì không cho phép nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị, Bộ TN&MT nên ấn định tổng lượng phế liệu được phép nhập khẩu trong 5 năm. Nếu vượt quá số lượng thì không cho phép. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ xây dựng lộ trình dừng hẳn nhập khẩu một số phế liệu như xỉ tro bay, bao bì tái sinh. Ngoài ra, loại sản phẩm nào không thể đánh giá trực quan của người kiểm tra, phải thông qua phòng thí nghiệm thì cũng dừng nhập khẩu.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cần hành động khẩn cấp chứ không để tình trạng như hiện nay được. Ông Hà đề xuất Bộ Công an lựa chọn một số vụ việc gian lận, nhập khẩu trái phép chất thải để điều tra, xử lý.
Công nghệ xử lý rác lạc hậu về Việt NamTheo ông Trần Viết Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Buôn lậu, hiện nay Trung Quốc cấm và có biện pháp xử lý hình sự mạnh tay với các công ty, hộ gia đình nhập khẩu và xử lý phế liệu. Vì thế, xuất hiện tình trạng một số thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam liên danh với người Việt Nam để làm một số xưởng xử lý phế liệu trá hình.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, có hiện tượng doanh nghiệp nước bạn sau khi bị cấm thì chuyển công nghệ lạc hậu sang nước ta để làm ăn. Vì vậy, phải siết chặt việc cấp phép. Chỉ cấp phép cho các đơn vị có đủ năng lực. Với các làng nghề, doanh nghiệp không có điều kiện, năng lực xử lý phế liệu thì yêu cầu đóng cửa.
Tiền phong