Căn hộ giá dưới 20 triệu đồng/m2 đã "mất tích" ở TP HCM?
Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) cho rằng TP HCM đang gặp vấn đề nan giải về nguồn cung nhà ở bình dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn hình thành trong tương lai của 14 dự án với 11.948 căn hộ. Tổng diện tích sàn là hơn 1,23 triệu m2. Trong đó, phân khúc cao cấp (hạng A) giá trên 40 triệu đồng/m2 chiếm đến gần 59% thị phần, với 7.040 căn; phân khúc trung cấp (hạng B) giá từ 20 - 40 triệu đồng/m2 chiếm hơn 41%, với 4.908 căn. Đáng chú ý, phân khúc căn hộ bình dân (hạng C) giá dưới 20 triệu đồng/m2 đã "mất tích" trên thị trường.
So sánh với thị trường của năm 2020, phân khúc căn hộ cao cấp hiện nay chiếm hơn 69% với 3.163 căn được bán ra thị trường. Phân khúc căn hộ trung cấp chiếm hơn 27% với 1.243 căn; có 3,6% căn hộ bình dân với 163 căn được bán ra thị trường. Trong khi căn hộ bình dân đã hoàn toàn vắng bóng.
Khảo sát từ năm 2019 của Sở Xây dựng TP HCM cho thấy hiện có khoảng 500.000 hộ gia đình trên địa bàn thành phố vẫn chưa sở hữu nhà riêng; 94% trong số đó có nhu cầu mua nhà dưới 44.000 USD/căn (tương đương 1 tỉ đồng).
Hầu hết các dự án chung cư ở TP HCM hiện nay đều thuộc phân khúc trung và cao cấp
Trong khi đó, báo cáo mới đây của JLL cho thấy trong giai đoạn 2014-2018 nguồn cung nhà ở bình dân tại TP HCM tăng trưởng rất khả quan. Các yếu tố chính của nhà ở bình dân tại Việt Nam bao gồm quy mô dự án, các tiện nghi cơ bản và vị trí của dự án, đặc biệt là mức giá bán phải thấp hơn mức 27 triệu đồng/m2.
Đến giai đoạn 2019 - 2020, nguồn cung nhà ở bình dân của TP HCM lại sụt giảm nghiêm trọng chỉ đạt khoảng 5.000 căn, khiến cho tỉ lệ giá bán căn hộ bình dân so với thu nhập không ngừng tăng lên trong 5 năm qua.
Bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường của JLL, đánh giá thị trường bất động sản đang phát triển không đồng đều và đang cần có sự điều chỉnh về cấu trúc.
Theo bà Trang, có nhiều lý do tác động đến mức tăng giá trung bình toàn thị trường. Đơn cử như việc kiểm soát chặt chẽ, quỹ đất có tiềm năng phát triển nhà ở bình dân khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận nguồn dự án tiềm năng cũng vì thế mà hạn chế khiến các nhà phát triển khó có thể tính được bài toán căn hộ giá rẻ.
Hay thủ tục phê duyệt các dự án mới bắt đầu vào cuối năm 2018 bị trì hoãn đã cản trở khả năng khởi động dự án của theo kế hoạch. Do đó, các chi phí phụ phát sinh như lãi vay hoặc chi phí hoạt động cuối cùng đều được tính vào giá bán.
Không những vậy, nguồn cung hạn chế trong bối cảnh nhu cầu vẫn mạnh làm gia tăng sự tự tin của chủ đầu tư, cộng thêm sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng do đại dịch đã dẫn đến chi phí vật liệu xây dựng cao hơn cũng một lần nữa tác động đến giá bán.
"Đối với thị trường mới nổi như Việt Nam, khả năng giá bán trở lại mốc trước thời kỳ tăng giá sẽ khó xảy ra. Mặt bằng giá chung hiện đang tăng nhanh hơn nhiều so với mức tăng của các yếu tố hỗ trợ nguồn cầu, trong đó nổi bật nhất là mức tăng thu nhập. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng giá trong thời gian tới sẽ có sự điều chỉnh chậm lại cho đến khi các yếu tố hỗ trợ nguồn cầu bắt kịp nhịp tăng này. Bên cạnh đó, áp lực tăng giá dự kiến cũng sẽ giảm bớt khi nguồn cung mới gia tăng"- bà Trang nhìn nhận.
Theo JJL, việc thiếu vắng các dự án có giá bình dân cũng mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư và nhà phát triển trong nước mở rộng thị phần, đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình trong phân khúc này. Mặc dù lợi nhuận biên trên từng dự án có thể kém hấp dẫn hơn so với các phân khúc cao cấp nhưng quy mô tiềm năng rất lớn của phân khúc này sẽ là yếu tố hấp dẫn nên cân nhắc. Các dự án bình dân có tốc độ bán tốt hơn nhờ có mức giá thấp; nguồn cung tại phân khúc này có mức tăng trưởng chậm hơn so với các dự án cao cấp, do đó sự canh tranh về khách hàng sẽ ít quyết liệt hơn. JLL kỳ vọng trong những năm tiếp theo, các nhà phát triển có thể dồn sự quan tâm đến phân khúc có giá phải chăng.
Người lao động