Cần hơn 4 tỷ USD làm tuyến đường sắt nối Viêng Chăn - Hà Tĩnh
KOICA nghiên cứu sơ bộ tuyến đường sắt nối Viêng chăn (Lào) - Hà Tĩnh (Việt Nam) có chiều dài hơn 241km, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD, trong đó 70% là vốn vay....
- 21-09-2017TP.HCM kiến nghị Trung ương về vốn cho tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên
- 19-08-2017Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ GPMB tuyến đường sắt đô thị số 3
- 17-08-2017Cận cảnh tuyến đường sắt chạy xuyên nội đô
Sáng 21/9, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công chính và vận tải Lào tổ chức hội thảo quốc tế liên quan đến việc mở tuyến đường sắt kết nối Viêng Chăn (Lào) với Vũng Áng (Hà Tĩnh - Việt Nam).
Theo KOICA, đơn vị tư vấn nghiên cứu đã khảo sát và thu thập dữ liệu liên quan tại 5 địa phương của Việt Nam và Lào thuộc diện ảnh hưởng trực tiếp của dự án gồm: Quảng Bình, và Hà Tĩnh (Việt Nam); Viêng Chăn, tỉnh Borikhamxay, Khammuanae (Lào) và đưa ra 2 phương án hướng tuyến.
Trong đó, phương án 1: tuyến có chiều dài 554,72 km nối Viêng Chăn - Vũng Áng (tại Việt Nam dài 102,74km), với nhu cầu vốn khoảng 7,944 tỷ USD; phương án 2: chiều dài 241,9km, từ khu vực Thà Khẹt (Lào) - Vũng Áng (tại Việt Nam 102,74Km) và cần 4,041 tỷ USD.
Tuy nhiên, phương án 2 được đơn vị nghiên cứu đánh giá có tính khả thi hơn trên cơ sở phân tích về kinh tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách đến năm 2045 và nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu.
Theo đề xuất của tư vấn, nguồn vốn cho dự án theo hình thức BOT không khả thi, vì vậy, cấu trúc vốn gồm: 30% vốn sở hữu (Chính phủ hai nước, các pháp nhân) và 70% vốn từ nguồn vay ưu đãi, không ưu đãi.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo quy hoạch và phát triển giao thông vận tải của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt từ cảng Vũng Áng đến Mụ Giạ của Việt Nam để kết nối với đường sắt của Lào tại Thà Khẹt là một trong những tuyến cần được nghiên cứu phương án xây dựng. Đây là dự án kết nối giữa hai quốc gia Lào - Việt Nam qua vùng địa hình khó khăn, phức tạp đối với đường sắt.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN năm 2011 và 2012, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính Lào đã chính thức đề nghị Chính phủ Hàn Quốc cung cấp viện trợ không hoàn lại để lập nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt nối Vũng Áng - Viêng Chăn. Chính phủ Hàn Quốc, thông qua KOICA đã chọn được liên danh tư vấn của Hàn Quốc lập nghiên cứu khả thi cho tuyến đường sắt này.
Ông Kim Jin Oh, Trưởng đại diện KOICA tại Việt Nam cho biết, đơn vị tư vấn sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội thảo này để tổ chức hội thảo cuối cùng, dự kiến được tổ chức cuối tháng 11/2017 tại Viêng Chăn, Lào.
Vneconomy