“Cần khai trừ Đảng ông Trịnh Xuân Thanh để răn đe cán bộ“
“Cần khai trừ ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi Đảng để răn đe cán bộ sau này”, là ý kiến của ông Lê Phước Thọ, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
- 26-07-2016Vụ Trịnh Xuân Thanh là điển hình không tôn trọng kỷ cương phép nước
- 25-07-2016Hệ thống tổ chức đứng sau ông Trịnh Xuân Thanh phải có trách nhiệm
- 22-07-2016Bí thư Hậu Giang thấy rất đau lòng, xấu hổ vì vụ ông Trịnh Xuân Thanh
“Theo tôi, cần khai trừ khỏi Đảng, không thể nhân nhượng. Chỉ với mức đó mới răn đe được số cán bộ sau này. Người có tội, có khuyết điểm phải xử lý nghiêm minh. Với những sai phạm của anh Trịnh Xuân Thanh không thể nói là khiển trách hay cảnh cáo được”, ông Lê Phước Thọ đề nghị.
Về yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, trong đó có việc luân chuyển, ông Nguyễn Minh Tiến, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đặt vấn đề: chẳng lẽ, Hậu Giang có thể tự ý đưa ông Thanh về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh?
“Anh Thanh là Đảng viên mà lại không phải diện được luân chuyển. Vậy lý do vì sao một người đang đứng đầu một công ty làm ăn thua lỗ, thất thoát hơn 3.000 tỷ lại được chuyển vào Hậu Giang làm lãnh đạo? Ai luân chuyển, không lẽ Hậu Giang đem về? Hậu Giang là người nhận anh Trịnh Xuân Thanh”, ông Nguyễn Minh Tiến bày tỏ.
Bà Trần Liên Kiều, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Cần Thơ (này là Thành ủy Cần Thơ) cho rằng, công tác tổ chức cán bộ phải được rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng thuyên chuyển để…né tránh trách nhiệm. “Cũng cần xem lại công tác tổ chức cán bộ. Khi ông Thanh ở Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nơi đó đã bị thất thoát số tiền lớn. Đúng ra, muốn đưa ông Thanh về đâu, muốn bố trí ở vị trí nào, phải làm rõ trách nhiệm của ông ấy ở đơn vị cũ, sau đó mới xem xét có bố trí tiếp hay không. Đưa ông Thanh ở một đơn vị đang làm ăn thua lỗ, thất thoát về làm lãnh đạo ở Hậu Giang chẳng khác nào né tránh trách nhiệm. Về vấn đề này Bộ Công thương cũng phải xem xét trách nhiệm”.
Còn theo ông Lê Phước Thọ, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, tỉnh Hậu Giang có một phần trách nhiệm. Nhưng quy trách nhiệm nhiều cho Hậu Giang cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề mà phải thẳng thắn kiểm thảo, làm rõ ai đưa, giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh.
“Bộ Chính trị quản lý Bí thư Thành uỷ, Tỉnh ủy, Bộ trưởng; còn Phó Bí thư, Phó Chủ tịch là Ban Bí thư. Hậu Giang thiếu một Phó Chủ tịch, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương cho thêm một Phó Chủ tịch và được đồng ý. Quyền luân chuyển, tăng cường cán bộ là do trên. Anh Trịnh Xuân Thanh sai phạm ở dầu khí, không được kiểm thảo, không làm rõ trách nhiệm. Khi Bộ Công thương xảy ra chuyện đó, Bộ Nội vụ có biết không, Ban Tổ chức Trung ương có biết không? Ai là người chịu trách nhiệm? Không được đồng ý, ai điều động cán bộ này được?”, ông Thọ đặt câu hỏi.
Là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trịnh Xuân Thanh là cán bộ cấp cao nên theo PGS. TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia, ngoài Bộ Công thương, tỉnh Hậu Giang, rõ ràng, còn có trách nhiệm của các cơ quan cấp cao hơn. Vì vậy, phải xem xét có hệ thống các đơn vị, tổ chức quản lý đội ngũ cán bộ này.
Tuy nhiên, về lâu dài, công tác cán bộ phải được tập trung vào một mối, một cơ quan chịu trách nhiệm, không nên để nhiều đơn vị tham gia. “Chúng ta đặt vấn đề, tại sao một số nền công vụ, người ta vẫn chọn được người hiền tài? Thông thường, chức vụ này tập trung vào một đầu mối, một cơ quan nhân sự cao cấp, phụ trách và chịu trách nhiệm toàn bộ. Vì vậy, nếu còn nhiều đơn vị tham gia vào, cuối cùng, không có ai chịu trách nhiệm phần này cả. Kinh nghiệm về công tác cán bộ là phải tập trung vào một đầu mối", PGS.TS Ngô Thành Can nêu ý kiến.
PGS. TS Ngô Thành Can phân tích: "Công tác cán bộ của chúng ta là công tác của Đảng. Mọi quyết định là của Đảng. Bây giờ, phải tập trung vào một đầu mối và điều hành đầu mối này. Tiêu chuẩn rõ ràng, quy trình rõ ràng, đầu mối rõ ràng, khi ấy, chúng ta sẽ làm tốt công tác này”./.
VOV