Cần làm gì khi 50 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam bị rò rỉ?
Việc mạng xã hội thu thập thông tin cá nhân của người dùng là rất nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người sử dụng.
- 17-08-2019Tài khoản facebook định danh mới được livestream?
- 04-07-2019Thông tin cấm bán hàng online trên Facebook cá nhân là giả mạo
- 24-05-20193 tháng, Facebook xóa 2,2 tỷ tài khoản giả mạo
Tech Crunch - Công ty chuyên nghiên cứu về kinh doanh liên quan đến công nghệ-phân tích các xu hướng mới nổi trong công nghệ ở Hoa Kỳ vừa thông tin về vụ việc một máy chủ chứa dữ liệu của hơn 419 triệu người dùng mạng xã hội Facebook trên toàn thế giới vừa bị rò rỉ trên mạng. Trong số này có hơn 50 triệu hồ sơ về số điện thoại, tên tuổi, giới tính.. của người dùng Việt Nam. Điều đáng lo ngại nhất là bất kỳ ai cũng có thể truy cập dữ liệu.
Nếu như vụ rò rỉ dữ liệu của người sử dụng mạng xã hội Facebook cách đây khoảng 1 năm, với hơn 87 triệu tài khoản người dùng bị Công ty Cambrridge Analytica truy cập trái phép, thì vụ việc lần này có tới hơn 419 triệu tài khoản của người dùng mạng xã hội này bị rò rỉ.
Điều đáng nói, sau vụ bê bối lần trước, Hãng Facebook từng tuyên bố hạn chế truy cập số điện thoại của người dùng. Cho đến khi bị Công ty Tech Crunch công khai rằng, bất kỳ ai cũng có thể truy cập dữ liệu của hơn 133 triệu người dùng Mỹ, 18 triệu người dùng Anh và 50 triệu người dùng Việt Nam mà không cần bất kỳ mật khẩu nào, thì mới đây Người phát ngôn của Facebook là Jay Nancarrow cho biết: "Những dữ liệu trên đã cũ và dường như được thu thập trước khi chúng tôi tắt tính năng tìm kiếm người dùng thông qua số điện thoại kể từ năm ngoái. Tệp dữ liệu số điện thoại của người dùng đã được gỡ xuống và chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy người dùng bị xâm phạm.”
50 triệu tài khoản Facebook ở Việt Nam đang bị rò rỉ. (Ảnh minh họa: KT)
Tuy nhiên, không hài lòng với sự giải thích này, các chuyên gia an ninh mạng ở Việt Nam nhận định, đây là việc lợi dụng lòng tin của người sử dụng để đưa ra những lý lẽ không thuyết phục.
Ông Nguyễn Minh Đức – Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An toàn Thông tin CyRadar cho rằng: “Việc mạng xã hội thu thập thông tin cá nhân của người dùng là rất nghiêm trọng. Đây hoàn toàn không phải do vấn đề vô tình người dùng làm rò rỉ thông tin, hoặc là người dùng cá nhân tự đăng thông tin cá nhân lên nữa, mà đó thực sự là một công việc có chủ đích, để âm thầm lấy trộm thông tin. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của người sử dụng, dẫn đến là người ta sẽ rà soát lại các ứng dụng mạng xã hội, thậm chí là gỡ bỏ ứng dụng đó đi”.
Giữa tháng 7 năm nay, hãng Facebook bị Uỷ ban Thương mại liên bang Mỹ ra quyết định xử phạt khoảng 5 tỷ USD vì vụ “bê bối” Cambridge Analytica, được coi là mức phạt lớn nhất từ trước đến nay. Song, dù số tiền phạt này có lớn hơn nữa, thì người sử dụng cũng không thể được bảo vệ an toàn, như Facebook từng đưa ra nhiều lý lẽ lấp liếm.
Tại Việt Nam, hơn 57% dân số sử dụng Facebook, đứng thứ 7 thế giới về số lượng người tham gia mạng xã hội, mà có tới 50 triệu tài khoản bị rò rỉ trong vụ việc lần này, thì có lẽ người sử dụng cần phải thận trọng hơn. Khi tham gia vào mạng xã hội Facebook, hay Youtube, Instagram,… người sử dụng thường bị bắt buộc chia sẻ một số thông tin cá nhân, như số điện thoại, danh sách bạn bè,… để có thể cài đặt ứng dụng hoặc sử dụng miễn phí mà không biết rằng đó là nguyên nhân dẫn tới nhiều rắc rối với họ sau này, từ quảng cáo không mong muốn, cho đến lừa đảo trúng thưởng...
Ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh:“Thực chất ở Việt Nam là vấn đề nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng hiện tại đang rất kém. Người dân khi tham gia các dịch vụ trên không gian mạng, ứng dụng hay qua các nền tảng cung cấp ứng dụng Facebook, Google... là đều cung cấp thông tin cá nhân, mà chưa suy nghĩ về việc là thông tin đó sẽ sử dụng vào việc gì? Khi các bạn sử dụng vào hệ thống Google hay Facebook thì nhiều khi nhận được các hiển thị quảng cáo về những nội dung mà chúng ta nói về hay tìm hiểu về việc đó. Tất cả những thông tin đấy chúng ta đang bị sử dụng một cách âm thầm mà không hề biết”.
Lộ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại di động, tên tài khoản facebook,… cũng có thể bị tội phạm mạng lấy trộm bằng hàng loạt phần mềm nghe lén, mã độc, virus... Do đó, bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người sử dụng, ngay từ 1/1/2019, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực với nhiều quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân.
Thiếu tướng Lê Minh Mạnh – Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an khẳng định: “Tại khoản 3, điều 26 Luật An ninh mạng đã quy định, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông tin mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên mạng Internet tại Việt Nam khi có hoạt động khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, thì phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam, đặt văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam, để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia”.
Như vậy, người sử dụng cần lưu ý, dù có những cam kết không được công khai, tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng, nhưng sau khi Công ty Tech Crunch thông báo về việc 50 triệu tài khoản người sử dụng mạng xã hội Facebook tại Việt Nam bị rò rỉ các thông tin như số điện thoại, tên tuổi, giới tính… thì người sử dụng mạng xã hội này cần lưu ý rằng: “Chúng ta không có quyền gì với những thông tin đã đồng ý cung cấp. Chưa kể, chúng ta không thể có quyền hay cơ hội để thay đổi, sửa chữa, bổ sung hoặc gỡ những thông tin cá nhân đó”. Điều này cũng sẽ được nêu rõ trong Đề án bảo vệ thông tin cá nhân đang được Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, dự kiến trình Chính phủ vào cuối năm 2019.
VOV