Cần làm gì trước áp lực lạm phát?
Nếu chỉ dùng các biện pháp tiền tệ để kiềm chế lạm phát, Việt Nam sẽ gặp phải vấn đề như giai đoạn khủng khoảng tài chính 2008 - 2009.
- 17-07-2018Nguy cơ lạm phát bùng lên những tháng cuối năm
- 10-07-2018Bám sát kịch bản điều hành giá, không để xảy ra tăng lạm phát 'kép'
Cẩn trọng lạm phát
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cảnh báo nguy cơ lạm phát có thể vượt mục tiêu 4% trong năm nay và hướng về mức 5%.
Khi đó, không gian chính sách không còn nhiều nữa. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Tất cả những điều này theo ông Thành sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhà đầu tư vào thị trường tài sản như chứng khoán, bất động sản.
Tuy nhiên, "nếu chẳng may vượt qua mục tiêu thì lạm phát dưới 5% vẫn có thể chấp nhận được", ông Thành bày tỏ. Lạm phát dưới 5% các vấn đề vẫn có thể kiểm soát được. Nhưng nếu để lạm phát hướng tới mốc 6-7 % sẽ thay đổi rất mạnh mẽ cấu trúc giá trong xã hội, khả năng kiểm soát khó hơn rất nhiều.
Trưởng ban Kinh tế vĩ mô, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Trần Anh Dương lại cho rằng hiện nay Việt Nam cần lưu tâm đến dư địa điều hành chính sách chứ chưa cần phải quá căng thẳng với con số lạm phát.
CPI bình quân 6 tháng tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, biến động lạm phát chỉ đáng kể ở tháng 5, tháng 6. "Nhìn lạm phát nên bình tĩnh, thận trọng hơn. Đừng vì hai tháng tăng liên tiếp đã hốt hoảng", ông Dương nhận định.
Mổ xẻ lạm phát, cả hai vị chuyên gia đều cho rằng lạm phát cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp, trung bình tăng 1,35% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm ít chịu áp lực từ các yếu tố tiền tệ hay tổng cầu mà chủ yếu do chi phí đẩy.
Nhìn vào số liệu của Tổng cục Thống kê, không ít hoạt động chi phí cho sản xuất kinh doanh tăng đáng kể, chẳng hạn giá cước vận tải hàng không bình quân tăng 11,07%, giá nguyên nhiên vật liệu cho xây dựng bình quân tăng 6,49% trong 6 tháng đầu năm, giá dầu nhập khẩu cũng tăng. Như vậy, lạm phát chủ yếu đến từ tăng giá đầu vào các sản phẩm.
Đối mặt với áp lực
"Dù thời điểm này dù lạm phát chưa cao nhưng chúng ta vẫn phải đối mặt với áp lực lạm phát", ông Nguyễn Anh Dương nhận định.
Theo ông Dương, điều hành lạm phát hiện nay vừa phải chú ý xử lý lạm phát vừa phải tính đến rủi ro suy giảm kinh tế bên ngoài. Vì vậy, ông Dương cho rằng nếu đựa vào các biện pháp đơn thuần về tiền tệ quản lý tổng cầu Việt Nam ta sẽ gặp phải vấn đề như giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008 – 2009.
Tức là, khi sử dụng các biện pháp mở rộng tiền tệ để xử lý chỉ thêm nguy cơ giá cả hàng hóa sẽ tăng, áp lực lạm phát càng nhiều hơn. Ngay trước đó, ông Dương có nêu ví dụ, hiện nay, giá cả không ít mặt hàng trên thế giới đang có xu hướng tăng. Nếu phá giá VNĐ, dù chỉ ở mức 2-3%, thì Việt Nam có thể gặp phải tình trạng “nhập khẩu lạm phát” song song với rủi ro suy giảm kinh tế - điều đã gặp phải trong giai đoạn 2008-2009.
"Khi giá cả hàng hóa tăng, sẽ phải ứng phó với lạm phát trong nước. Đây chính là lấy đá tự ghè chân mình", vị chuyên gia bình luận.
Nhưng nếu chỉ áp dụng biện pháp kinh tế vĩ mô cứng nhắc để xử lý lạm phát thì rủi ro kinh tế khi xảy ra cũng sẽ để lại hậu quả lớn.
Chính vì vậy, theo ông Dương để giải quyết bài toán lạm phát thay vì tác động phía cầu, Việt Nam cần cải cách từ phía cung. "Không phải giữa lúc kinh tế vĩ mô khó khăn ta lờ đi câu chuyện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển", ông Dương bày tỏ. Theo ông, chỉ có cải thiện từ phía cung, tác động từ nền kinh tế thực mới giúp cải thiện các vấn đề trong bối cảnh chiến tranh thương mại và những biến động chính trị khác.
Ngoài ra, ông Dương cũng lưu ý, nhận diện vấn đề lạm phát của Việt Nam chủ yếu do chi phí đẩy, vì vậy, cần xử lý từ vấn đề này.
Vị chuyên gia cho rằng nên loại bỏ tư duy có thể tăng giá các mặt hàng vào cuối năm nếu còn dư địa. Bởi khi tăng giá sẽ ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát, mất đi khả năng có thể giảm lạm phát với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ông Dương kiến nghị nên xem lại cả kế hoạch tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.
Người đồng hành