Cần lắm những con người thắp lên niềm tin trên đỉnh trời Phà Cà Tún
Dù 1.000 chiếc đèn không đủ thắp sáng cả bầu trời đêm bao năm phủ kín mảnh đất Tri Lễ, dù một lần trải nghiệm kính VR không đủ để lấp đầy sự thiếu vắng công nghệ nơi vùng đất còn chưa biết đến ánh đèn điện, nhưng một tia sáng thôi cũng đủ để thắp lên niềm tin nơi những con người chỉ quen với bóng tối và giúp họ vươn lên để thay đổi cuộc đời.
- 03-01-2019Hành trình đưa thế giới đến với trẻ em Tri Lễ sau bao năm sống trong vùng biệt lập
- 29-12-2018Câu chuyện về những mặt trời nhỏ thắp sáng đỉnh Phà Cà Tún
- 26-12-2018Ngôi trường mơ ước - Niềm hy vọng mới cho trẻ em vùng cao Tri Lễ
Bóng tối không chỉ hiện hữu ở những đêm dài không ánh điện
Chắc hẳn bạn còn nhớ bóng tối đầy ám ảnh trong câu chuyện “Hai đứa trẻ’ của nhà văn Thạch Lam. Đó không chỉ là bóng tối vật lý tương phản với ánh sáng mỗi khi đoàn tàu đi qua phố huyện. Đó còn là bóng tối dày đặc nơi cuộc sống quẩn quanh của những con người nghèo khổ đã quá quen và chấp nhận cái ao đời phẳng lặng họ vẫn sống bấy lâu.
Bóng tối nơi mảnh đất Tri Lễ còn dày đặc hơn thế nữa, khi những con người đã quá quen với màn đêm lại không hề có ý định cho con cái của mình bước ra vùng sáng. Nghe chia sẻ của những người thầy bao năm kiên trì bám trường bám lớp ở mảnh đất này, ta mới hiểu bóng tối thực sự ở nơi đây là gì:
“Phụ huynh ở Tri Lễ, đặc biệt là những hộ dân nằm sâu trong bản thường không quan tâm lắm đến việc học tập, biết chữ của con em mình. Thế nên, để lớp học có thêm thành viên, các thầy phải tới từng nhà để thuyết phục phụ huynh.” – chia sẻ của thầy Thầy Po, giáo viên ở Nậm Tột – một trong những điểm trường ở Tri Lễ.
Thầy Lang Văn Lịch, giáo viên Tri Lễ 4 cho biết thêm: “Nhiều gia đình có kinh tế khó khăn nên việc vận động cho các em đi học gần như là con số 0 vì từ tờ mờ sáng là các em phải theo ba mẹ lên nương lên rẫy. Phải làm sao để thuyết phục các hộ gia đình hiểu được giá trị của việc biết chữ, và nó sẽ giúp ích cho cuộc sống sau này như thế nào, là một hành trình cũng khá vất vả với các thầy.”
Thì ra, khó khăn lớn nhất đối với những người đem ánh sáng tri thức đến mảnh đất này chẳng phải là những con dốc hiểm trở, lầy lội vào mùa mưa có thể khiến xe ngã nhào bất cứ lúc nào, cũng chẳng phải màn đêm mịt mùng không một ánh điện, sự thiếu thốn đến từng nhu yếu phẩm mỗi ngày mà chính là nhận thức của những người dân nơi đây.
Những người thầy vẫn kiên trì dẫn các em nhỏ vùng cao đi về phía ánh sáng
Mặc những con dốc lầy lội chỉ nhìn thôi đã chẳng ai muốn đi qua, mặc những tháng ngày đằng đằng chỉ thấy bóng tối bao phủ, mặc những giọt mồ hôi lăn dài trên quãng đường vào sâu trong bản để thuyết phục phụ huynh với niềm hi vọng mong manh, 47 người thầy Tri Lễ vẫn tiếp tục bám trụ trên mảnh đất này với “ánh mặt trời” luôn chiếu sáng trong tim.
Khó khăn của các thầy đâu chỉ có thế. Họ cũng phải đối mặt với cuộc sống mưu sinh khi mức lương biên chế lẫn hợp đồng đều chẳng khác gì thành phố, trong khi điều kiện cực khổ gấp 10 lần giáo viên bình thường. Nhưng tất cả những điều ấy có là gì so với niềm hi vọng tương lai của các em học trò vùng cao sau này sẽ khác.
Khi những nguồn sáng được thắp lên trên đỉnh trời Phà Cà Tún
Nhìn những gương mặt rạng rỡ của các em nhỏ khi được tận tay cầm, tận mắt ngắm nghía những chiếc đèn lạ lẫm, bạn mới hiểu được rằng những con người nơi đây khát khao nguồn sáng đến thế nào.
Những chiếc đèn chiếu rọi ước mơ và khơi dậy niềm đam mê trong các em nhỏ.
Không thể trò chuyện với các em bởi học trò Tri Lễ chủ yếu là người H’Mông, giao tiếp tiếng Việt cũng chưa rành mà cũng rất nhát, nhưng chỉ nhìn nét mặt, chúng tôi cũng có thể cảm nhận được niềm vui của các em lớn đến cỡ nào.
Các em học sinh vùng cao thích thú trải nghiệm kính VR, đặc biệt không hề tranh giành nhau mà chờ tới lượt mình.
Có lẽ, những người thầy âm thầm gieo ánh sáng cho những học trò nhỏ của mình cảm thấy ấm lòng lắm vì cũng có những con người chia sẻ niềm hi vọng với họ, đem ánh sáng từ nơi thành thị đến vùng sâu xa chưa biết đến ánh điện. Đó cũng là động lực để các thầy có thêm niềm tin để bám trường, bám lớp, vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn trên con đường chẳng hề dễ dàng trước mắt.
Cùng với niềm hi vọng chưa bao giờ tắt trong tim của những người thầy Tri Lễ, chương trình “Mặt trời mơ ước” đã thắp lên những tia sáng mơ ước cho những em nhỏ vùng cao quanh năm chỉ biết làm bạn với bóng tối. Và rồi, tương lai của các em sau này sẽ khác, khi các em biết rằng, ở một nơi nào đó không xa, cuộc sống có rất nhiều thứ mà chúng chưa hề biết. Các em sẽ tự đi tìm những vùng trời mơ ước của mình ở những nơi đủ đầy ánh sáng. Và biết đâu chính các em sẽ là người đem ánh sáng hiện diện trên mảnh đất quê hương cơ cực của mình.