Cần một lời xin lỗi cho Bùi Tiến Dũng, bởi bóng đá đã thay đổi nhiều lắm rồi
Vào bán kết mà không để lọt lưới một bàn nào suốt 480 phút, nhiều người nợ HLV Park Hang Seo một lời xin lỗi. Và có lẽ, nợ Bùi Tiến Dũng một lời xin lỗi lớn hơn.
- 28-08-2018Trợ lý của HLV Park Hang-seo: Bóng đá chứng minh rằng, chỉ cần đồng lòng, chỉ cần quyết tâm và nỗ lực, người Việt chúng ta sẽ làm được tất cả
- 28-08-2018U23 Việt Nam chịu tổn thất lớn ở trận gặp U23 Hàn Quốc
- 28-08-2018HLV Park Hang-seo: "Tôi yêu Hàn Quốc nhưng sẽ làm hết sức để Việt Nam chiến thắng ở bán kết"
1. Khi HLV Park loại Văn Lâm, trao suất ngoài 23 tuổi cho Văn Quyết và đặt niềm tin vào Bùi Tiến Dũng , thủ môn chỉ đang dự bị ở CLB, một cuộc tranh cãi khủng khiếp xảy ra. Nhiều người bảo ông Park đã sai lầm, và Dũng - cầu thủ đã nhuốm mùi showbiz - rất có thể sẽ làm cho ông hối hận.
Nhưng tất cả những gì đang diễn ra cho thấy: ông Park đã đúng. Và khi chứng cuồng các cầu thủ U23 bắt đầu sống lại như giải U23 châu Á đầu năm, ta buộc phải nhìn nhận một sự thật: bóng đá , hay chính xác hơn là cách chúng ta xem bóng đá, đã hoàn toàn thay đổi.
Fan phong trào không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, mà chỉ chuyển từ đội này sang đội khác. Khi Ronaldo chuyển hộ khẩu từ Real Madrid sang Juventus trong mùa hè này, anh bấm nút unfollow Real Madrid trên các nền tảng mạng xã hội. Và hàng triệu người cũng làm theo anh động tác ấy.
Trận đấu mở màn La Liga mùa giải mới của Real với Getafe chỉ có hơn 48.000 khán giả đến xem, con số thấp nhất trong vòng 10 năm. Tất cả chỉ vì không có Ronaldo. Ngược lại, Juventus đang đạt mức độ tăng trưởng trong kinh doanh áo đâu và vật phẩm ăn theo chóng mặt. Chỉ trong tháng Bảy, Instgram của Juventus tăng 3,5 triệu người theo dõi. Những con số tương tự ở Facebook, Twitter và Youtube cũng tăng phi mã.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà bóng đá tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì một ngôi sao ngoài chuyên môn còn đóng góp cho CLB lẫn giải đấu nhiều giá trị thặng dư khác.
Khi Jose Mourinho và Paul Pogba mâu thuẫn, người ta thấy rõ Man United đứng về phía ai. Kết quả là một kẻ kiêu ngạo bá quyền như Mourinho đành xuống nước, trao cho Pogba chiếc băng thủ quân để làm hòa. Ông biết số phận mình buộc chặt vào tiền vệ người Pháp. Pogba mà quậy là ông… chết chắc.
Ronaldo, Neymar và Messi đều có lượng người theo dõi trên mạng xã hội đông hơn CLB mà họ khoác áo. Simon Chadwick, giáo sư ngành kinh doanh thể thao tại Đại học Salford khẳng định: cách xem bóng đá của đám đông đã thay đổi.
Ông nói với CNN: "Văn hóa thần tượng đã tăng lên khủng khiếp trong vòng 15-20 năm trở lại đây. Đấy là điều xa lạ hoàn toàn trong các thập niên từ 1990 trở về trước. Công chúng bây giờ quan tâm đến ngôi sao nhiều hơn đội bóng mà ngôi sao ấy khoác áo. Họ không chỉ xem cầu thủ chơi bóng, mà còn để ý để cuộc sống ngoài đời của ngôi sao ấy".
Trong thập niên 1960, ngôi sao được săn đón cỡ như George Best là một chuyện hiếm. Nhưng khi tiền ngày càng đổ nhiều hơn vào bóng đá, biến môn thể thao này thành một ngành công nghiệp triệu đô, vị thế của các cầu thủ tay đổi. Internet, đặc biệt là mạng xã hội, theo như lời Stephen Hawking, đã kết nối tất cả mọi người "như những neuron vào bộ não khổng lồ", cho phép cầu thủ giao lưu trực tiếp với fan.
2. Từ Thường Châu trở về, các cầu thủ U23 xuất hiện trong các video livestream với tần suất dày đặc, trong đó có những livestream thương mại mà nhãn hàng phải trả cho các ngôi sao hàng nghìn đô, chỉ cần họ cầm một sản phẩm, hoặc xuất hiện phía trước một thương hiệu nào đó.
Dele Alli, một cầu thủ của Tottenham, đã tạo ra hiệu ứng viral khủng khiếp với "Dele Challenge" - một động tác tay lạ mắt. Alli, cùng với Kylian Mbappe là hai trong số những cầu thủ mà chúng ta gọi là Thế hệ Z (sinh trong cuối 9x và đầu những năm 2000). Họ là những người không hề biết đến cuộc sống không có mạng xã hội.
Dàn cầu thủ U23 Việt Nam đang đá bóng tại Asiad, ngoại trừ Anh Đức và Văn Quyết, đều thuộc "thế hệ Z" ấy. Đa số là những người có hơn triệu follower trên mạng xã hội (điều trước đây ngỡ như chỉ có ở những ca sĩ như Sơn Tùng MTP) và có tick xanh. Họ đại diện cho một thế hệ không chỉ kiếm sống bằng đôi chân, mà còn cả cơ thể và gương mặt.
Nhiều CĐV đến xem Hà Nội FC sau chiến tích Thường Châu chỉ hô đúng tên "Quang Hải", mà không cần quan tâm đến những cầu thủ khác. Những CĐV lâu năm của SLNA từng thấy khó chịu khi một nhóm fan nữ đến sân chỉ để mục kích Phan Văn Đức. Ngày Bùi Tiến Dũng về quê, anh như trạng nguyên bái tổ vinh quy, dân làng đón anh dài mấy cây số.
Họ, những cầu thủ được lớn lên trong thời đại mới, ăn uống đầy đủ, giáo dục đàng hoàng, cư xử lịch thiệp, trở thành nam châm hút truyền thông, hút đám đông và hút các nhãn hàng.
Công Phượng uống từ bia tới sữa, và chỉ dùng dầu gội của nhãn hàng X. Xuân Trường uống sữa, uống thức uống thể thao và là gương mặt đại diện của một ngân hàng. Quang Hải, trong đoạn clip quảng cáo dựng lại "cầu vồng trong tuyết" ở Thường Châu, đã uống một chai bia trong màu áo đội tuyển.
Nhưng không ai "hot" được như Bùi Tiến Dũng. Anh cùng Bảo Anh mua sắm trên một trang web trực tuyến, ra nước hoa và trèo cả lên sàn catwalk. Sau đêm kỳ diệu Thường Châu, chúng ta bàn tán rôm rả về việc Dũng phải có người đại diện. Bây giờ, anh phải cần đến… hai quản lý mới lo hết việc.
Bây giờ, lịch làm việc của Dũng bận không kém gì ngôi sao giải trí hạng A nào. Vậy mà các đài, các chương trình vẫn sẵn sàng… trật tự xếp hàng. Vì họ rỉ tai nhau: Dũng rất thân thiện, dễ thương và sẽ luôn tạo được những cú "hit".
Nhưng điều quan trọng là dù Dũng bước lên sàn catwalk, cười rất tươi dù phải quay mấy take cho một đoạn quảng cáo, livestream rôm rả cho nhãn hàng hoặc giao lưu fan, anh vẫn đang chơi rất tốt trong khung gỗ.
Vậy thì đã đến lúc phải tách bạch cuộc sống trên sân cỏ và bên ngoài sân cỏ. Cầu thủ cũng có quyền làm giàu như khát vọng của bất kỳ ai trong chúng ta. Hãy chấp nhận điều đó, chỉ cần khi khoác lên mình màu áo tổ quốc, họ lại chiến đấu vì giấc mơ của toàn dân tộc.
Mà không chấp nhận cũng… không được. Vì bóng đá đã thay đổi, và không ai có thể ngăn được dòng chảy ấy.
Thế giới trẻ