Cân nhắc quyền Thủ tướng với hàng hoá cấm xuất, nhập
Chiều 9/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Một trong số đó là quy định về danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
- 21-10-2015Sửa luật thuế, băn khoăn quyền Thủ tướng
- 15-04-2015Nhất trí thêm hai quyền cho Thủ tướng
- 09-04-2015Đề xuất tăng thẩm quyền của Thủ tướng: Vẫn còn ý kiến khác nhau
- 20-01-2015Khó thêm quyền cho Thủ tướng
Khoản 1 điều 11 dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Khoản 2 điều này nêu rõ trường hợp nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh, Thủ tướng quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa quy định tại khoản 1 điều này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội đa số ý kiến tán thành giao Chính phủ quy định chi tiết việc xây dựng và ban hành danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Một số ý kiến đề nghị quy định danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ngay trong luật. Có ý kiến đề nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế dự thảo luật đã quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế. Theo đó danh mục này phù hợp với các nguyên tắc quy định tại điều 20 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại .
Trên cơ sở các tiêu chí, nguyên tắc áp dụng, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, bảo vệ lợi ích quốc gia trên các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, sức khỏe, môi trường, thuần phong mỹ tục, an ninh lương thực, cổ vật…
Ngoài ra, trong thực tế hiện nay, danh mục này còn được các đối tác thương mại của Việt Nam, các nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) theo dõi sát sao để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí của điều ước quốc tế.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như quy định tại dự thảo luật.
Đồng tình giao Chính phủ quy định danh mục cụ thể, tuy nhiên Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng cần cân nhắc lại thẩm quyền của Thủ tướng ở khoản 2.
Cần rà lại thẩm quyền của Thủ tướng ở điều này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý khi gói lại phiên thảo luận.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến còn băn khoăn về quy định phát triển hoạt động ngoại thương thông qua hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài.
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, về vấn đề này, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, không quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo luật. Còn theo loại ý kiến thứ hai thì cần thiết quy định về tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo luật.
Thường trực Ủy ban Kinh tế ủng hộ việc quy định tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài trong dự thảo luật theo hướng quy định về nguyên tắc Nhà nước khuyến khích các hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thành lập, tham gia tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài.
Đối với các tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài thuộc Bộ Công Thương, được thành lập theo đề án được Bộ Nội vụ thẩm định, Thủ tướng phê duyệt phù hợp với chiến lược phát triển ngoại thương của Việt Nam trong từng thời kỳ và phải đảm bảo hiệu quả trong hoạt động.
Đề xuất này chưa nhận được sự đồng tình cao, và theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì sẽ trình Quốc hội quyết định.
VnEconomy