“Cần những quy định ứng phó với hiệu ứng phụ phát sinh do nghị định mới về trái phiếu”
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh
"Việc sửa Nghị định sẽ có một số tác động gọi là hiệu ứng phụ. Khi hiệu ứng phụ diễn ra thì cơ quan quản lý cần có những chuẩn bị để ứng phó", ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh nói.
"Việc sửa Nghị định sẽ có một số tác động gọi là hiệu ứng phụ. Khi hiệu ứng phụ diễn ra thì cơ quan quản lý cần có những chuẩn bị để ứng phó", ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh nói.
Bình luận về Nghị định 65 mới ban hành liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol, Anh cho biết, mức độ bảo vệ nhà đầu tư của quy định mới thì đã tương đối gần với quốc tế. Tuy nhiên, cần phát triển kênh phát hành trái phiếu ra công chúng.
“Nếu chúng ta nhìn vào thị trường ở Anh thì phần lớn các nhà đầu tư trái phiếu sẽ được mua trái phiếu phát hành ra đại chúng và hầu hết đơn vị môi giới họ bán trái phiếu phát hành ra đại chúng”, ông Tuấn dẫn chứng.
Theo ông Tuấn, thứ nhất là đáp ứng yêu cầu lãi suất cao, thứ hai là độ minh bạch cao, nên yếu tố về phát triển một thị trường trái phiếu niêm yết đại chúng rất quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay vẫn còn mạnh về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, chúng ta cũng sẽ cần phải xem mức độ tuân thủ của các thành viên. Nếu đơn vị môi giới bán lại trái phiếu lại tìm cách “lách luật” đó chưa hẳn nhà đầu tư sẽ được bảo vệ tốt. Ở thị trường quốc tế, chẳng hạn như đơn vị môi giới, nếu họ hợp tác với nhà đầu tư để lách luật thì đơn vị môi giới có thể bị rút giấy phép và bản thân người làm môi giới sẽ bị mất giấy phép vĩnh viễn, như vậy là mất đi cơ hội kiếm sống của họ.
Chắc chắn quy định mới sẽ khó lách hơn, nhưng đồng thời khó lách hơn thì nhiều nhà đầu tư khó mua trái phiếu hơn. Chúng ta quay lại câu chuyện muốn phát triển thị trường trái phiếu như một kênh thị trường vốn bên cạnh thị trường ngân hàng. Nếu làm cho trái phiếu khó tiếp cận hơn đối với một số nhà đầu tư thì đó không phải là mục tiêu của chúng ta. Như vậy, ở nước ngoài phần lớn, họ sẽ đầu tư thông qua các quỹ đầu tư trái phiếu. Ta cần phải phát triển trang về quỹ đầu tư trái phiếu rủi ro cao cho nhà đầu tư nhỏ lẻ và họ không cần phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ chỉ cần mua chứng chỉ quỹ. Đó là một cách để giới hạn lại những nhà đầu tư không đủ năng lực và được quản lý bởi những người chuyên nghiệp.
Về ý kiến doanh nghiệp khó huy động vốn thông qua kênh trái phiếu do Nghị định 65, ông Tuấn cho biết, hiện nay có thể chia vào hai nhóm, một nhóm là các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, hoạt động kinh doanh tốt thì họ vẫn sẽ có thể phát hành trái phiếu mới. Còn lại những doanh nghiệp thuộc nhóm yếu hơn một chút thì họ chắc chắn là sẽ gặp khó khăn hơn và họ phải tìm ra kênh vốn khác để tiếp cận với thị trường. Đây cũng là một mục tiêu bởi vì thị trường trái phiếu không phải chỉ hướng tới cung cấp vốn cho doanh nghiệp mà còn cần phải đảm bảo, bảo vệ quyền lợi của người mua trái phiếu là phải cân bằng giữa hai yếu tố.
“Đây là một đánh đổi phải chấp nhận để bảo vệ nhà đầu tư, tránh những trường hợp như vừa rồi chúng ta thấy”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, những điều chỉnh liên quan đến các tổ chức cung cấp các dịch vụ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng là cần thiết vì kênh bán trái phiếu vừa tạo ra doanh thu cho các tổ chức trung gian nhưng đồng thời có một trách nhiệm là bảo vệ nhà đầu tư. Như nước ngoài họ có một hệ thống quy định về vai trò bảo vệ nhà tư, những điều chỉnh mới này sẽ đưa thị trường chúng ta đi gần với tiêu chuẩn quốc tế hơn.
Ông Tuấn cũng cho biết, cần phải thúc đẩy các quỹ đầu tư trái phiếu, có thể ra được những sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường hơn, có quỹ đầu tư trái phiếu chấp nhận rủi ro cao chẳng hạn, để có được tỷ suất sinh lợi tương ứng đối với một số nhà đầu tư.
“Chúng ta cần phải quan tâm đến chuyện là Nghị định mới sẽ giải quyết được câu chuyện thị trường trái phiếu. Nhưng việc sửa Nghị định sẽ có một số tác động gọi là hiệu ứng phụ. Khi hiệu ứng phụ diễn ra thì cơ quan quản lý cần có những chuẩn bị để ứng phó. Theo tôi cần phải có sự dự đoán trước tình thế thị trường, phải chuẩn bị cho một số quy định khác.
Ngoài ra, cũng cần thúc đẩy kênh tài chính cá nhân để cho mọi người hiểu được là khi họ đầu tư họ có phải chỉ chỗ này có lợi nhuận cao và họ cũng đã biết những rủi ro sẽ là gì hay chưa”, ông Tuấn nêu đề xuất.
Nhịp sống kinh doanh