Cần phân định rõ nghĩa vụ giữa DN BĐS và DN điện, nước
Nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) chia sẻ, xin được cấp điện, cấp nước là một hạnh phúc đối với DN BĐS. Họ phải đi xin xỏ, cầu cạnh các đơn vị cấp điện, cấp nước để dự án sớm được đưa vào sử dụng. Đây là một thực tế đáng buồn diễn ra nhiều năm nay cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đảm bảo nghĩa vụ, quyền và lợi ích chính đáng giữa các chủ thể DN BĐS và DN cấp điện, nước.
- 24-07-2016Những thương vụ mua – bán dự án BĐS nghìn tỷ tại Đà Nẵng
- 23-07-2016Giao dịch BĐS online đang dần xuất hiện trên thị trường địa ốc Việt
- 21-07-2016Dự án BĐS nhộn nhịp đổi chủ, lộ diện "thế lực" mới
“Ngậm bồ hòn làm ngọt” vì sợ bị làm khó
Một chủ đầu tư của TP HCM ví von, chúng tôi đang phải đi “hầu” cho các DN cung cấp điện, nước một cách vô điều kiện, họ bảo sao phải nghe vậy, không được có ý kiến khác. DN BĐS vừa phải tốn chi phí thiết kế, chi phí thi công lẫn chi phí lắp đặt đến khi nghiệm thu. Tức là phải hoàn thiện toàn bộ hệ thống, đưa vào sử dụng được mới bàn giao cho DN cấp điện, nước.
Trường hợp khi đơn vị cấp nước trực tiếp thi công thì giá thi công như thế nào bên DN BĐS phải chịu hoàn toàn và thậm chí phải thanh toán luôn 100% chi phí trước khi đơn vị cấp nước thi công. Ví dụ hợp đồng 100 triệu thì phải trả hết 100 triệu họ mới thi công. Trong quá trình thi công, DN BĐS không được có ý kiến, ngay cả việc thay đổi chủng loại vật tư, thay đổi chủng loại vật liệu cũng không được có ý kiến, phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” miễn sao họ cung cấp nước cho dự án là DN BĐS mừng.
Một chủ đầu tư khác chia sẻ, có những dự án cấp nước do DN BĐS bỏ tiền ra thuê đơn vị cấp nước thi công, hết khoảng 400 triệu đồng, trong đó có cả tiền mua cát để san lấp. Tuy nhiên, đơn vị thi công không phải bỏ chi phí mua cát để san lấp mà sau khi đào đất xong thì sử dụng đất đó để chôn lấp luôn. Như vậy, khoản chi phí 400 triệu đồng mà DN BĐS bỏ ra là điều hết sức vô lý nhưng họ vẫn phải nghe theo, chi trả đầy đủ trước khi đơn vị cấp nước thi công.
Hay có tình huống, khi đường ống cấp nước cho khu vực của dự án chỉ cần làm đường ống có đường kính 100 mm là đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng, nhưng DN cấp nước sẽ phải dự trù thêm việc cung cấp nước cho các công trình khác đưa vào sử dụng sau, nên họ yêu cầu DN BĐS có công trình đưa vào sử dụng trước phải đầu tư đường ống 150mm mà DN BĐS vẫn phải chịu. “Rõ ràng, mình chỉ ăn 1 tô phở thôi nhưng DN cấp nước bắt mình phải sắm 2 cái tô”, chủ đầu tư bức xúc.
Đối với đơn vị cấp điện cũng vậy, DN BĐS phải thuê DN điện từ khâu thiết kế cho tới khâu nghiệm thu và ngoài ra đều phải có chi phí “lót tay” cho đội ngũ cán bộ của đơn vị này, mỗi người 3-5 triệu đồng/lần.
Khi phóng viên hỏi vì sao các anh không kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền, một chủ đầu tư e ngại cho biết: DN nào cũng sợ “nói xấu” DN cấp điện, nước, khi tới phần nghiệm thu công trình của DN đó, sẽ bị DN cấp điện, nước làm “khó”.
Không đơn giản chỉ là sự thỏa thuận
Mới đây, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) có công văn “kêu cứu” gửi các cơ quan, ban, ngành và các DN cấp điện, nước và đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập. Tuy nhiên, một chủ đầu tư cho biết, những giải pháp mà HoREA đưa ra cũng hợp lý thôi, nhưng một khi mà bên cấp điện, cấp nước còn mang tính độc quyền thì những giải pháp mà HoREA rất khó đi vào thực tiễn.
Chủ đầu tư lý giải: “DN BĐS không dám chống lại, bởi nếu chống lại họ không cung cấp điện nước cho dự án nữa thì bán cho ai, làm sao mà giao nhà cho người dân được. Nhiều khi DN cần điện, cần nước phải tính từng ngày từng tháng từng giờ. Bây giờ mà “cương” với đơn vị cấp điện, cấp nước thì họ kéo dài ra 2-3 tháng, DN BĐS chỉ có nước phá sản”.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì việc xây dựng hệ thống hạ tầng dự án hay khu đô thị phải nằm trong quy hoạch và thiết kế dự án được cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Do đó, không có chuyện đơn giản là thỏa thuận dân sự giữa DN BĐS và DN cấp điện, nước.
Bản thân hệ thống hạ tầng (điện, nước) cũng có hai phần: Phần thứ nhất là phần sở hữu của các tòa nhà hay dự án đơn lẻ do DN BĐS xây dựng và sở hữu theo nhu cầu của dự án của họ (và cũng được phê duyệt trước đó). Phần thứ hai là phần thuộc sở hữu chung hay công cộng do DN công ích cung cấp điện, nước thiết kế, xây dựng và sở hữu.
Hai hệ thống này có thể có các tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề là bảo đảm sự kết nối suôn sẻ giữa hai hệ thống, khi đó, sẽ có thể có sự thỏa thuận trước giữa hai chủ thể DN này.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập cũng cho biết, về chi phí đầu tư hệ thống điện, nước, đương nhiên cũng sẽ có sự bóc tách giữa hai hệ thống hạ tầng ở trên. Chi phí của hệ thống nội bộ dự án BĐS sẽ được tính vào chi phí sản phẩm đầu ra của dự án và do người mua trả. Còn hệ thống hạ tầng công cộng sẽ do DN công ích chi trả (có thể lấy một phần từ ngân sách thông qua tiền sử dụng đất v.v..). Cũng có thể có sự khác biệt ít nhiều tùy theo tình huống cụ thể.
Kỳ vọng, các Bộ, ngành sớm vào cuộc để phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi giữa các bên. Việc làm này rất cần thiết, ảnh hưởng không nhỏ đến giá mua nhà của người dân. Thực chất, không phải DN BĐS phải chịu thiệt, mà chính người mua nhà chịu thiệt khi việc kết nối với hệ thống điện, nước của dự án BĐS chỉ có DN BĐS chi trả.
Báo Xây dựng