Cần tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân
Chiều 25/3, thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả mà các cơ quan đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới công tác lập pháp, cũng như các giải pháp đột phá phát triển kinh tế tư nhân.
Suy nghĩ căn cơ hơn về mô hình "nhất thể hóa"
Bày tỏ ấn tượng với báo cáo tổng kết của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Bùi Đặng Dũng cho rằng, đây là nhiệm kỳ rất đặt biệt khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời đảm nhận trọng trách Chủ tịch nước, nhậm chức giữa nhiệm kỳ. Từ một biến cố không may mắn là Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần khi đang trên cương vị công tác, mô hình "nhất thể hoá" để lãnh đạo Đảng đồng thời là lãnh đạo Nhà nước được thực hiện. Nhìn nhận lại việc vận hành mô hình này từ năm 2018 tới nay, ông Dũng cho rằng, cần suy nghĩ căn cơ hơn về mô hình "nhất thể hoá", khi một lãnh đạo cùng lúc có thể đảm đương cả hai trọng trách.
Đại biểu nhận xét, khi công việc của Chủ tịch nước và Tổng Bí thư tập trung ở một người, về đối nội và đối ngoại, có thể thấy là rất hài hoà, thuận lợi. Trong bối cảnh phải tinh giản bộ máy, biên chế, xây dựng cơ quan nhà nước hiệu lực, hiệu quả, giao quyền mạnh mẽ…, mô hình "nhất thể hoá", theo ông Dũng, là hướng tổ chức đáng chú ý. Ông Dũng cũng kiến nghị làm sao để trong cơ chế hoạt động của bộ máy nhà nước, Chủ tịch nước có thực quyền hơn. "Dù nói là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước cả về đối nội và đối ngoại nhưng thực tế, hoạt động của Chủ tịch nước vẫn mang nhiều màu sắc ngoại giao", ông Dũng phát biểu.
Dẫn lại những việc mà Chủ tịch nước đã làm, trong đó có việc ký các sắc lệnh ban hành 72 luật, song ông Dũng cho rằng "cần có cơ chế để Chủ tịch nước đôn đốc, có chế tài buộc các cơ quan thực hiện, tránh hiện tượng ký công bố xong rồi có nhiều luật hàng năm sau vẫn chưa thể thi hành vì chưa có nghị định hướng dẫn".
"Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã có nhiều giải pháp thực hiện tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng. Trong mỗi kỳ họp, Quốc hội đã thể hiện được sự nghiêm túc của mình qua cách nhắc nhở "không được tiệc tùng, giao lưu". Nhờ đó mà việc "giao lưu" đã giảm hẳn qua mỗi kỳ họp"
Ðề xuất lấy phiếu tín nhiệm 2 năm/lần
Cho ý kiến về nhiệm kỳ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đồng tình với nhận định, đánh giá rằng, trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã hoàn thành sứ mệnh và cử tri đã quan tâm nhiều đến hoạt động Quốc hội. Những quyết sách của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua đều tác động rất cụ thể đến người dân và ngay cả những dự án luật chưa được thông qua cũng được xem là thành công của Quốc hội. Tuy nhiên, ông Hiền cho rằng, quá trình chuẩn bị các dự án luật còn chậm, việc lấy ý kiến những đối tượng bị tác động trực tiếp bởi sự điều chỉnh chưa nhiều.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị Quốc hội khóa tới cần đầu tư cao hơn vào công tác lập pháp để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và đòi hỏi của nền kinh tế. Lưu ý đến "tuổi thọ" của luật hiện nay còn quá ngắn, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đề nghị làm rõ nguyên nhân trong công tác soạn thảo. "Hiện nay, các bộ, ngành thường được giao chủ trì soạn thảo nên chỉ chú ý ban hành quy định có lợi cho ngành mình nên tính khách quan không cao. Ở khâu góp ý, khi đại biểu có ý kiến thì cơ quan soạn thảo lại giải trình theo cách "chúng tôi xin tiếp thu… và xin giữ nguyên như dự thảo". Thành thử chất lượng luật chưa cao", bà Lan nói.
Đánh giá về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho rằng, lấy phiếu 1 lần nên tính giám sát quyền lực không cao. Bà Tâm đề nghị mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần vào năm thứ 2 và năm thứ 4. "Năm thứ 2 lấy phiếu để chứng tỏ sự nhạy bén, nắm bắt công việc của người được giao nhiệm vụ. Năm thứ 4 cận kề với bầu cử Quốc hội, cận kề Đại hội Đảng, thì lấy phiếu tín nhiệm sẽ là cơ sở để tham khảo, xem xét, bố trí cán bộ thông qua đánh giá của Quốc hội. Việc này tôi nghĩ sẽ tốt hơn cho hoạt động kiểm soát quyền lực, chứ không có hại gì", bà Tâm nói.
Ðể đất nước có nhiều "đại bàng"
Về nhiệm kỳ Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng, nhiệm kỳ qua đã để lại nhiều dấu ẩn nổi bật. Chính phủ đã tích cực chủ động, thực hiện cải cách đổi mới, và các thành viên Chính phủ cũng tăng cường đi cơ sở, chỉ đạo sát thực tiễn. "Thủ tướng Chính phủ lên rừng, xuống biển, rất sát thực tiễn cơ sở. Đặc biệt, trước đại dịch COVID-19, Thủ tướng rất sát sao, điều hành rất thành công trong thực hiện mục tiêu kép", đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Hiền, trong nhiệm kỳ qua vẫn còn nổi lên một số vấn đề cần được lưu tâm, xử lý tốt hơn. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kỳ nào cũng rất nóng bỏng. "Lúc thì giáo viên đi tiếp khách, lúc thì thi cử có vấn đề. Cần phải xem xét, đánh giá xem vấn đề do đâu, có vai trò của cá nhân hay không?", ông Hiền nêu.
Bà Lan cũng bày tỏ sự băn khoăn khi các vấn đề giáo dục được đề cập "rất mờ nhạt" trong báo cáo. "Nếu đọc báo cáo thì cảm giác giáo dục Việt Nam đang cất cánh. Chúng ta nói hoài về đổi mới giáo dục nhưng thực tế chưa đáp ứng được yêu câu. Có những vụ việc gây mất lòng tin lớn", bà Lan nói. Dẫn ví dụ về vụ tiêu cực điểm thi xảy ra ở một số tỉnh, thành phố, bà nhận xét: "Việc xử lý cứ vo lại, vo lại cho ít dần. Nếu chúng ta chấp nhận cứ có tiền là có tất cả thì đi ngược lại mục tiêu, không thể chấp nhận được".
Theo bà Lan, trong quan niệm của người Việt Nam có 2 người thầy là thầy thuốc và thầy giáo. Song thời gian qua, cả 2 lĩnh vực này đều liên tiếp có các vụ việc gây bức xúc trong dư luận. Vậy vì sao lại dẫn đến hiện trạng đó? Bà nói: "Chúng ta cứ ca tụng là nghề cao quý mà lương không đủ sống thì cũng rất khó. Làm nghề không có tích lũy để lo cho cuộc sống thì rất bất nhẫn".
Về tình hình kinh tế, theo các đại biểu, bên cạnh những thành tựu, còn nhiều vấn đề cần lưu tâm, như việc xử lý 12 dự án đại thua lỗ thời gian qua còn chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn vướng về thể chế nên không đạt yêu cầu... Theo ông Trần Hoàng Ngân, mong đợi để "kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng" chưa đạt được như kỳ vọng. Số lượng doanh nghiệp kinh tế tư nhân lớn vẫn còn đếm trên đầu ngón tay. "Nhiệm kỳ tới cần phải có những giải pháp mang tính đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế tư nhân để đất nước có nhiều "đại bàng" hơn nữa", ông Ngân kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu): Rác thải là vấn nạn nhức nhối cả nước
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã khẳng định không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Mặc dù nhiều nội dung về thể chế đã được nghiên cứu, và nhiệm kỳ này đã có luật mới, nhưng vấn đề môi trường vẫn còn nan giải. Rác thải là một vấn nạn ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, nhức nhối từ nông thôn đến thành thị, nhưng đến giờ vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Rồi ô nhiễm khói bụi ở các thành phố lớn đều rất nhức nhối, tình trạng ô nhiễm nước ở các dòng sông, đô thị chưa được cải thiện, thậm chí xấu đi. Vì thế, trong nhiệm kỳ tới cần quan tâm, có giải pháp hiệu quả hơn cho vấn đề môi trường.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Truyền tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm
|
Trong bối cảnh kế thừa "di sản" nợ xấu, đại án, nhà máy thua lỗ..., Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành và bây giờ từng bước khắc phục được. Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Điểm lại lời nói có đi vào cuộc sống hay không thì thấy Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành đã có tác động tích cực không chỉ với một bộ mà nhiều bộ và địa phương, giúp bộ máy chuyển động tốt hơn.
Tiền phong