Cận Tết Nguyên đán, các ngân hàng ầm ầm báo lãi đậm
Chỉ riêng 4 ngân hàng lớn nhất hệ thống đã lãi trước thuế hơn 28 nghìn tỷ đồng. Trong nhóm ngân hàng nhỏ, NCB báo lãi gấp đôi năm trước, TPBank và OCB cùng vượt kế hoạch, MB thì khoe kết quả lợi nhuận hơn 3.700 tỷ đồng...
Nếu như mọi năm thị trường phải ngóng chờ mãi các ngân hàng mới công bố kết quả kinh doanh của năm liền trước, thì năm nay, ngay trước thềm Tết Nguyên đán tức mới chỉ cuối tháng 1 dương lịch, các nhà băng lớn nhỏ đã rầm rộ “khoe” lãi đậm.
4 ngân hàng lớn nhất hệ thống lãi hơn 28 nghìn tỷ
Dù chưa công bố báo cáo tài chính chi tiết nhưng BIDV là ngân hàng đầu tiên tiết lộ kết quả hoạt động năm 2016. Theo đó, tính đến cuối năm 2016 tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,007 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% so với năm 2015 và chiếm 14% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng. Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đến hết năm 2016 đạt hơn 935 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng tổ chức kinh tế và cá nhân đạt hơn 758 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 17,85% so với năm 2015. Huy động vốn đạt gần 939 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động vốn từ dân cư và tổ chức là gần 796 nghìn tỷ, tăng 20,45% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ước đạt 7.507 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,47% trên tổng dư nợ.
Vietcombank là ngân hàng tiếp theo khoe kết quả kinh doanh lạc quan. Báo cáo tài chính của nhà băng này vừa công bố cuối tuần trước cho thấy đến thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng đạt 788 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm. Vốn điều lệ tăng 35% lên 35,9 nghìn tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng đạt 590 nghìn tỷ, tăng 17,7%. Cho vay khách hàng đạt 460 nghìn tỷ, tăng 18,8% và tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,48% trên tổng dư nợ. Các hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đều tốt hơn so với năm trước giúp lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 8.517 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014 và sau thuế còn 6.845 tỷ đồng.
Như vậy con số trên báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy ngân hàng lãi cao hơn nhiều so với dự tính là hơn 8.200 tỷ đồng trước đó. Và cũng với kết quả này Vietcombank trở thành ngân hàng lãi lớn nhất hệ thống.
VietinBank trong khi đó cho biết lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước khoảng 8.250 tỷ đồng trong năm vừa qua. Tổng tài sản hợp nhất ước đạt 947 nghìn tỷ đồng, huy động vốn khoảng 862 nghìn tỷ và dư nợ tín dụng 720 nghìn tỷ. Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%.
Anh cả của ngành ngân hàng là Agribank cũng đã có kết quả kinh doanh năm 2016 với lợi nhuận trước thuế 4.000 tỷ đồng, tăng 300 tỷ so với năm 2015. Tổng tài sản của nhà băng này lên mức 1 triệu tỷ đồng, vốn huy động đạt 924 nghìn tỷ và dư nợ đạt hơn 791 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,89% trên tổng dư nợ.
Trước đó Agribank cũng thu hút sự chú ý qua báo cáo tài chính 2015 với khoản lỗ lũy kế hơn 3.058 tỷ đồng, chủ yếu do ngân hàng phải trích lập các quỹ trong năm gần 1.468 tỷ đồng và gần 1.083 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ khen thưởng Ban điều hành!
Nhóm cổ phần tư nhân rực rỡ
Trong nhóm cổ phần tư nhân, MB cho biết lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng năm 2016 đạt hơn 3.700 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt trên 250 nghìn tỷ, vốn điều lệ 17.127 tỷ đồng. Huy động vốn đạt hơn 195 nghìn tỷ và dư nợ cho vay gần 149 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,33% trên tổng dư nợ.
Ngân hàng Sacombank chưa công bố báo cáo tài chính cũng chưa có số liệu kinh doanh cụ thể nhưng trước đó chủ tịch Hội đồng quản trị của nhà băng này là ông Kiều Hữu Dũng đã tiết lộ thông tin lãi khoảng 4.000 tỷ đồng ở riêng Sacombank (tức không cộng Phương Nam).
MB và Sacombank là hai ngân hàng vẫn giữ ngôi vị nhất nhì về lợi nhuận những năm trước, nhưng Sacombank sau khi nhận sáp nhập Phương Nam phải dành phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, còn MB thì chững lại. Bối cảnh này khiến nhiều người dự đoán năm 2016 Techcombank và VPBank sẽ vượt qua để soán ngôi của MB và Sacombank và lúc này thị trường cũng đang ngóng chờ kết quả kinh doanh của hai ngôi sao mới nổi đó.
Trong nhóm ngân hàng nhỏ, NCB vừa cho biết lợi nhuận năm 2016 đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015, các hoạt động kinh doanh khác từ huy động đến cho vay đều tăng trưởng tốt trong khi nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ ở mức chỉ 1,53% trên tổng dư nợ.
Ngân hàng OCB thì cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 484 tỷ đồng, tăng 81% so với năm 2015, tổng tài sản tăng 29% đạt hơn 63,8 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng hơn 39,6 nghìn tỷ và huy động vốn hơn 46 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 1,51%.
Một ngân hàng khác là TPBank cho biết năm 2016 đã nâng tổng tài sản lên trên 105 nghìn tỷ đồng, cao hơn 38% so với năm trước đó; huy động vốn đạt hơn 97,5 nghìn tỷ và dư nợ cho vay riêng thị trường 1 hơn 47 nghìn tỷ đồng, nợ xấu ở mức chưa đến 1%. Tổng lợi nhuận trước thuế ước khoảng 707 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015.
Lạc quan về kết quả kinh doanh năm 2017
Theo cuộc khảo sát mới nhất của Vụ Dự Báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có 79% số các tổ chức tín dụng được hỏi nhận định tình hình kinh trong trong năm 2016 cải thiện hơn so với năm 2015.
Về triển vọng năm 2017, có 63% các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện trong Quý I và 85% kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện trong cả năm 2017 so với năm 2016, trong đó 20% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều” và 65% TCTD kỳ vọng “cải thiện ít”.
Bình quân kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2016 của toàn hệ thống ước tính ở mức 8,27%. Dự kiến trong năm 2017 có đến 89,5% TCTD kỳ vọng lợi nhuận của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2016 với mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống kỳ vọng đạt 13,4%, cao hơn so với mức tăng bình quân ước tính của năm 2016.
Trí Thức Trẻ