MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cẩn thận “tù mọt gông” nếu vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ

Tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ” tổ chức sáng 20.4 tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định, khi đã vào “sân chơi” TPP, vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ sẽ được thắt chặt với chế tài được nâng lên mức hình sự hóa. Nếu vi phạm bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ không chỉ bị thiệt hại nặng mà còn có nguy cơ… phá sản!

Kiểm tra đột xuất 541 DN, chỉ… 41 DN chuẩn chỉ

Theo ông Trần Văn Minh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), thời gian qua, Thanh tra Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, xử lý và giải quyết 100% đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với chủ sở hữu chương trình phần mềm máy tính.

Năm 2006 – 2015 tiến hành thanh tra đột xuất 541 doanh nghiệp trên cả nước và kiểm tra 27.602 máy tính. Theo đó, Thanh tra Bộ đã phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8,613 tỉ đồng, chuyển 01 hồ sơ sang cơ quan điều tra.

Trong số này chỉ có 41 doanh nghiệp chấp hành đúng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Qua công tác thanh tra, Đoàn thanh tra nhận thấy các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc sử dụng, quản lý phần mềm máy tính hợp pháp đồng thời xây dựng kế hoạch hàng năm mua phần mềm máy tính phục vụ hoạt động của công ty.

Theo đánh giá của Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA), năm 2004 tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam là 92%, đến năm 2014 chỉ còn 81%, giảm 11 điểm phần trăm.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả về tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình, tác phẩm điện ảnh, chương trình phát sóng; Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và một số loại hình khác.


Tọa đàm “Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ”  do VCCI phối hợp với Bộ KHCN và Liên minh phần mềm (BSA) tổ chức sáng 20.4 tại Hà Nội

Tọa đàm “Doanh nghiệp (DN) Việt Nam và một số vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ” do VCCI phối hợp với Bộ KHCN và Liên minh phần mềm (BSA) tổ chức sáng 20.4 tại Hà Nội

Hành vi nào sẽ bị xử lý hình sự?

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), cam kết thực thi quyền SHTT trong TPP gồm cả thực thi hình sự.

Theo đó, sẽ có thủ tục và hình phạt áp dụng với những hành vi cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc sao lậu quyền tác giả, quyền liên quan nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính. Hành vi dù ko nhằm thu lợi tài chính, nhưng gây tổn hại lớn tới lợi ích của chủ sở hữu trên thị trường cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Ngoài ra, còn có hành vi khác như cố ý nhập khẩu nhãn mác mang nhãn hiệu giả mạo cũng bị đưa vào diện này.

Bà Hà cho biết, hành vi bị xử lý hình sự gồm: xuất khẩu, nhập khẩu hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng sao lậu quyền tác giả, quyền liên quan; Xâm phạm bí mật thương mại (tiếp cận trên hệ thống máy tính, cố ý trái phép; cố ý chiếm đoạt cố ý trái phép hoặc bộc lộ gian lận cố ý trái phép); xâm hại công nghệ bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan; xâm hại thông tin quản lý quyền quyền tác giả, quyền liên quan; quay phim trong rạp gây thiệt hại đáng kể; tín hiệu vệ tinh…

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - cho rằng, hiện nay, về cơ bản VN mới chỉ làm tốt việc xác lập quyền SHTT nhưng việc thực thi lại rất hạn chế. “Các doanh nghiệp gần như không có động thái nào đặc biệt cũng không lo lắng thực sự về vấn đề này. Khi nhận thức không đầy đủ thì rất dễ vi phạm luật và rơi vào tranh chấp, kiện tụng!” - bà Hằng nhấn mạnh.

Để tăng cường triển khai hiệu quả thực thi bảo hộ quyền SHTT, Thanh tra Bộ VHTTDL đề xuất cần cải thiện những bất cập trong việc thu phí bản quyền, mức phí cần hài hòa các lợi ích tác giả, người cung cấp dịch vụ và người dùng. Tập trung vào một đầu mối để đàm phán và ký kết.

Đặc biệt sẽ tiếp tục tăng cường các công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó có phần mềm máy tính. “Những trường hợp vi phạm qui mô lớn, chúng tôi sẽ xem xét để xử lý hình sự, đặc biệt là những vi phạm trong lĩnh vực phần mềm máy tính” – ông Minh nhấn mạnh.

Theo K. Linh

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên